Nhằm mục đích triển khai thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020; Tăng cường sự chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ hiệu quả, kịp thời giữa các cơ quan trên địa bàn tỉnh, huyện, xã trong tham mưu đề xuất các chính sách, giải pháp thực hiện các CTMTQG; Xác định cụ thể các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức thực hiện các CTMTQG trên phạm vi toàn tỉnh, Ban chỉ đạo (BCĐ) các CTMTQG tỉnh Kon Tum đã ban hành Kế hoạch thực hiện trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
* Mục tiêu phấn đấu trong giai đoạn 2016-2020
1. CTMTQG Xây dựng nông thôn mới
Củng cố và phát triển vững chắc đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, đi đôi với việc tập trung xây dựng các xã có điều kiện, khả năng, đảm bảo các xã mỗi năm đạt thêm được từ 01 đến 02 tiêu chí nông thôn mới trở lên (theo Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới).
Phấn đấu đến năm 2020 toàn tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn các tiêu chí về: Quy hoạch, thủy lợi, điện, thông tin và truyền thông, nhà ở dân cư, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, giáo dục, y tế, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật, quốc phòng và an ninh; có 01 huyện đạt tiêu chuẩn nông thôn mới, 25 xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới; bình quân số tiêu chí xây dựng nông thôn mới đạt được trên 01 đơn vị xã là 12,55 tiêu chí.
2. Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững
Thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao khả năng tiếp cận của hộ nghèo đối với các dịch vụ xã hội cơ bản, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, cụ thể:
Giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh bình quân từ 3-4%/năm (riêng các huyện nghèo giảm từ 6-8%/năm) theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2016-2020.
Cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, bảo đảm đến cuối năm 2020 thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo tăng gấp 2 lần so với cuối năm 2015; cơ bản đáp ứng khả năng tiếp cận của hộ nghèo đối với các dịch vụ y tế, giáo dục, tiếp cận thông tin, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh.
Đầu tư cơ bản về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở các huyện nghèo, xã, thôn đặc biệt khó khăn theo tiêu chí nông thôn mới, trước hết là hạ tầng thiết yếu như giao thông, trường học, trạm y tế, điện, thủy lợi nhỏ, nước sinh hoạt.
* Để thực hiện được các mục tiêu nêu trên, trong bản Kế hoạch đã xác định các nội dung thực hiện cụ thể; xác định nguồn vốn và cơ cấu nguồn vốn thực hiện; xác định các giải pháp thực hiện; đồng thời, BCĐ đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan chủ trì CTMTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020); Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (cơ quan chủ trì CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020); Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh; Ban Dân tộc; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài chính; Các sở, ban, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức thực hiện.
Ngoài ra, BCĐ tỉnh cũng đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội các cấp; Liên minh Hợp tác xã tỉnh và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh phối hợp tổ chức thực hiện Kế hoạch.
Xem chi tiết tại file Kế hoạch đính kèm./.