banner
Thứ 3, ngày 30 tháng 7 năm 2024
Báo cáo tổng kết tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2017 tỉnh Kon Tum
17-4-2018

Ngày 09 tháng 4 năm 2018, Ban chỉ đạo các CTMTQG tỉnh Kon Tum đã ban hành Báo cáo số 75/BC-BCĐ về kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2017 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2018

Theo đó, một số nội dung chủ yếu của Báo cáo như sau:

1. Kết quả huy động nguồn vốn

Trong năm 2017, nguồn ngân sách nhà nước bố trí cho thực hiện các CTMTQG là 511.034 triệu đồng, cụ thể:

- Nguồn ngân sách Trung ương: 378.273 triệu đồng; trong đó vốn đầu tư phát triển là 288.110 triệu đồng; vốn sự nghiệp là 90.163 triệu đồng. Cụ thể: CTMTQG xây dựng nông thôn mới 128.994 triệu đồng (bao gồm: Vốn đầu tư phát triển là 106.894 triệu đồng; vốn sự nghiệp là 22.100 triệu đồng); CTMTQG giảm nghèo bền vững 249.279 triệu đồng (bao gồm: Vốn đầu tư phát triển là 181.216 triệu đồng; vốn sự nghiệp là 68.063 triệu đồng)

- Nguồn ngân sách địa phương: Kết quả bố trí lồng ghép nguồn ngân sách địa phương (ngân sách cấp tỉnh, huyện, xã) thực hiện các CTMTQG đạt 132.761 triệu đồng; trong đó vốn đầu tư phát triển là 119.890 triệu đồng; vốn sự nghiệp là 12.871 triệu đồng. Cụ thể: CTMTQG xây dựng nông thôn mới 132.582 triệu đồng (bao gồm: Vốn đầu tư phát triển là 119.711 triệu đồng; vốn sự nghiệp là 12.871 triệu đồng); CTMTQG giảm nghèo bền vững 179 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển).

Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã thực hiện đầu tư tín dụng trên địa bàn với doanh số cho vay năm 2017 đạt 552.900 triệu đồng, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách đến 31/12/2017 đạt 1.713.600 triệu đồng; doanh số thu nợ đạt 360.600 triệu đồng, chiếm 65,3% doanh số cho vay; dư nợ bình quân 19.900 triệu đồng/xã.  

 Bên cạnh nguồn lực bố trí từ ngân sách nhà nước, nguồn lực hỗ trợ thông qua cuộc vận động hưởng ứng phong trào “cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới” và “cả nước chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau” đã thu hút được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp và đông đảo người dân trên địa bàn tỉnh tham gia ủng hộ nguồn lực hỗ trợ thực hiện các CTMTQG. Trong năm 2017, đã huy động được 7.862 triệu đồng từ các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và người dân hỗ trợ thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các huyện nghèo, xã nghèo…

2. Kết quả đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017

Đến hết tháng 12/2017, toàn tỉnh có 13/86 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, có 04 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí, 21 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí, 42 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí, còn 06 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Bình quân đạt 10 tiêu chí nông thôn mới/xã.

 3. Kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về giảm nghèo năm 2017

Tính đến cuối năm 2017, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh là 26.164 hộ, chiếm tỷ lệ 20,3% tổng số hộ dân toàn tỉnh; trong đó có 24.236 hộ nghèo dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 36,21% so với tổng số hộ dân tộc thiểu số toàn tỉnh. Tổng số hộ thoát nghèo trong năm đạt 5.099 hộ, tương ứng tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,05%, vượt kế hoạch đề ra (Kế hoạch năm 2017: Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3-4%/năm).

Số hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập là 22.222 hộ, chiếm tỷ lệ 17,24% tổng số hộ dân toàn tỉnh, trong đó có 20.471 hộ nghèo dân tộc thiểu số theo tiêu chí thu nhập, chiếm 30,54% so với tổng số hộ dân tộc thiểu số toàn tỉnh.

Số hộ cận nghèo 8.388 hộ, chiếm 6,51% tổng số hộ dân toàn tỉnh, trong đó có 7.462 hộ cận nghèo dân tộc thiểu số, chiếm 11,12% so với tổng số hộ dân tộc thiểu số toàn tỉnh.

- Kết quả đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất và dân sinh trên địa bàn huyện, xã, thôn:

+ Tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã là 66,7%; 86/86 xã đã có trạm y tế, có đội ngũ y bác sĩ, cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân; 100% xã có bác sỹ; 100% hộ nghèo, cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đến cuối năm đạt 88,25% (vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao).

+ 100% xã, phường, thị trấn có mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng đủ để đáp ứng nhu cầu học tập và phổ biến kiến thức cho người dân; Có 158 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia.

+ 86% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; các công trình thủy lợi nhỏ được đầu tư cơ bản đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho diện tích cây trồng hàng năm trên địa bàn.

+ 83,7% cán bộ cấp xã làm công tác thông tin và truyền thông được đào tạo nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ thông tin tuyên truyền.

- 100% hộ dân thuộc địa bàn huyện nghèo, xã nghèo được tiếp cận, cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, kinh nghiệm sản xuất và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thông qua các báo chí, các xuất bản phẩm và các sản phẩm truyền thông khác.

- Toàn tỉnh có 102/102 xã phường, thị trấn có đội ngũ cộng tác viên làm công tác giảm nghèo, có khoảng 35% người đạt trình độ đại học, cao đẳng, 22% người đạt trình độ trung cấp.

- Trong năm 2017 đã tổ chức đào tạo nghề cho 2.345 lao động nông thôn, trong đó: Nghề nông nghiệp là 1.974 người, phi nông nghiệp là 371 người.

4. Mục tiêu CTMTQG xây dựng nông thôn mới năm 2018

Củng cố và phát triển vững chắc đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, đi đôi với việc tập trung xây dựng các xã có điều kiện, khả năng, đảm bảo các xã mỗi năm đạt thêm được từ 01 đến 02 tiêu chí nông thôn mới.

Phấn đấu đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 19 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là 21,7% và số xã dưới 5 tiêu chí giảm so với năm 2017 là 03 xã. Bình quân đạt 12 tiêu chí nông thôn mới/xã.

5. Mục tiêu CTMTQG giảm nghèo bền vững năm 2018

Thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao khả năng tiếp cận của hộ nghèo đối với các dịch vụ xã hội cơ bản, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Phấn đấu đến cuối năm 2018, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 49%. Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2018 giảm từ 3-4% so với cuối năm 2017 (trong đó, huyện nghèo theo Nghị quyết 30a và Quyết định 293 giảm từ 6-8%); tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 90%, tỷ lệ xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã đạt 80%.

6. Kế hoạch huy động nguồn vốn năm 2018

Phấn đấu đảm bảo nguồn vốn thực hiện các CTMTQG đạt khoảng 516.942 triệu đồng trong kế hoạch năm 2018, trong đó:

Nguồn ngân sách Trung ương: 385.707 triệu đồng; trong đó vốn đầu tư phát triển là 280.896 triệu đồng; vốn sự nghiệp là 104.811 triệu đồng. Cụ thể: CTMTQG xây dựng nông thôn mới 127.100 triệu đồng (bao gồm: Vốn đầu tư phát triển là 89.700 triệu đồng; vốn sự nghiệp là 37.400 triệu đồng); CTMTQG giảm nghèo bền vững 258.607 triệu đồng (bao gồm: Vốn đầu tư phát triển là 191.196 triệu đồng; vốn sự nghiệp là 67.411 triệu đồng)

Nguồn ngân sách địa phương: Bố trí nguồn ngân sách địa phương (ngân sách cấp tỉnh, huyện, xã) thực hiện các CTMTQG năm 2018 khoảng 128.925 triệu đồng; trong đó vốn đầu tư phát triển khoảng 114.675 triệu đồng; vốn sự nghiệp khoảng 14.250 triệu đồng.

Tiếp tục triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi; kêu gọi sự chung tay, góp sức từ doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, huy động thêm nguồn đảm bảo hỗ trợ thực hiện các CTMTQG năm 2018.

7. Đề xuất, kiến nghị đối với Trung ương

Nghiên cứu, thống nhất hệ thống biểu mẫu báo cáo tình hình thực hiện các CTMTQG giữa các Bộ, ngành Trung ương (hiện nay địa phương phải chấp hành chế độ báo cáo tình hình thực hiện các CTMTQG theo 03 quy định tại các Thông tư: Số 39/2017/TT-BLĐTBXH, 05/2017/TT-BNNPTNT, 07/2017/TT-BKHĐT).

Trong năm 2016, từ nguồn vốn CTMTQG giảm nghèo bền vững - Chương trình 135, các huyện, thành phố thuộc tỉnh đã khởi công mới một số công trình tại các xã, thôn là đối tượng thụ hưởng quy định tại Quyết định số 204/QĐ-TTg ngày 01/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 75/QĐ-UBDT ngày 29/02/2016 của Ủy ban Dân tộc; trong đó, nhiều công trình có tổng mức đầu tư trên 01 tỷ đồng, thực hiện trong 02 năm. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2017-2020, một số xã, thôn đã thoát khỏi diện đầu tư của Chương trình 135 nên không còn được ngân sách Trung ương hỗ trợ.  Do đó, đề nghị Trung ương xem xét tiếp tục bố trí vốn trong giai đoạn 2018-2020 cho một số công trình tại các xã, thôn là đối tượng thụ hưởng tại Quyết định số 204/QĐ-TTg ngày 01/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 75/QĐ-UBDT ngày 29/02/2016 của Ủy ban Dân tộc hoặc cho phép sử dụng nguồn vốn CTMTQG giảm nghèo bền vững trong năm 2019-2020 để bố trí đủ vốn cho các công trình này.

           Xem chi tiết nội dung tại Báo cáo kèm theo./. 

Phòng Kinh tế ngành
Số lượt xem:36

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ TỈNH KON TUM
Quản lý và nhập tin: Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum, số 12 Nguyễn Viết Xuân, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum.
Người chịu trách nhiệm chính: Ngô Việt Thành, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum.
Điện thoại: 02603.862710; Fax: 0603.864253; Email: skhdt@kontum.gov.vn, sokehoachdautu-kontum@chinhphu.vn.

Chung nhan Tin Nhiem Mang
5122738 Tổng số người truy cập: 4377 Số người online:
TNC Phát triển: