banner
Chủ nhật, ngày 28 tháng 7 năm 2024
Kiểm tra tiến độ thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn huyện Đăk Tô
12-5-2023

Sáng ngày 10/5, Đoàn kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình MTQG tại các địa phương của tỉnh do đồng chí Nguyễn Hữu Tháp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban thứ hai Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh giai đoạn 2021-2025 làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND huyện về tình hình thực hiện các Chương trình MTQG.

Kiểm tra tiến độ thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn huyện Đăk Tô

Quang cảnh buổi làm việc

    Theo báo cáo của huyện về tình hình xây dựng NTM, đến nay, toàn huyện có 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 06 xã đạt 13 đến 17/19 tiêu chí; Chương trình mỗi xã một sản phẩm được duy trì thực hiện, toàn huyện có 11 sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh.

Về Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, toàn huyện có 12.572 hộ với 52.527 khẩu, trong đó, người đồng bào DTTS là 6.302 hộ (chiếm 50,1%). Tổng số hộ nghèo trên địa bàn huyện 1.527 hộ, chiếm 11,83%; trong đó, 1.455 hộ nghèo DTTS (chiếm tỷ lệ 22,5%). 778 hộ cận nghèo (chiếm 6,03%), trong đó có 698 hộ cận nghèo DTTS (chiếm tỷ lệ 10,8%).

Đối với Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, đã hỗ trợ giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc; phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn và truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Tổng ngân sách nhà nước bố trí để thực hiện các Chương trình năm 2022 là 64.623 triệu đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương giao 50.539 triệu đồng, đã giải ngân 38.157 triệu đồng; ngân sách địa phương giao 14.084 triệu đồng, đã thực hiện và giải ngân 14.042 triệu đồng.

Năm 2023, tổng ngân sách nhà nước bố trí là 78.387 triệu đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương giao 55.413 triệu đồng, đã thực hiện và giải ngân 5.022 triệu đồng; ngân sách địa phương giao 22.969  triệu đồng, đã thực hiện và giải ngân 505 triệu đồng.

Tại buổi làm việc, UBND huyện nêu rõ những vướng mắc trong thực hiện Chương trình như: Chưa ban hành định mức về diện tích đất ở, đất sản xuất và định mức kinh phí hỗ trợ; hướng dẫn thực hiện nội dung của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; việc bố trí vốn đối ứng từ ngân sách địa phương chưa đảm bảo...

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh kết luận buổi làm việc

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị UBND huyện tiếp tục thực hiện có hiệu quả, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp triển khai thực hiện các Chương trình; khẩn trương xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai Kế hoạch thực hiện các chương trình MTQG năm 2023, các kế hoạch, chương trình thông tin, tuyên truyền về các Chương trình gắn với thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiếu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” và triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, 02 phong trào thi đua “Kon Tum chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025.

Tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp huyện; khẩn trương chỉ đạo các xã hoàn thành công tác thành lập Ban chỉ đạo, Ban quản lý, Ban giám sát cộng đồng đảm bảo năng lực quản lý, tổ chức triển khai thực hiện các nội dung, hoạt động thuộc các Chương trình.

Phấn đấu thực hiện giải ngân kế hoạch vốn với tỷ lệ cao nhất, đồng thời đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu, đối tượng, tránh đầu tư dàn trải, lãng phí. Rà soát danh mục các dự án đầu tư thuộc các Chương trình, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên về tính khả thi, hiệu quả, khả năng giải ngân, kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch vốn, danh mục các dự án đầu tư thuộc các chương trình để tập trung thực hiện bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, tránh dàn trải, manh mún, phù hợp năng lực tổ chức thực hiện, đặc biệt là năng lực của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở.

Đề nghị Ban Dân tộc tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và PTNT tích cực theo dõi, giám sát việc triển khai thực hiện các Chương trình, dự án thành phần tại địa phương để chủ động rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách theo tinh thần tháo gỡ các “nút thắt”, khơi thông các “điểm nghẽn”, phù hợp tình hình thực tiễn, tạo điều kiện cho địa phương tổ chức triển khai thực hiện thuận lợi, thông suốt, hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Kon Tum.

Phòng Kinh tế ngành
Số lượt xem:205

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ TỈNH KON TUM
Quản lý và nhập tin: Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum, số 12 Nguyễn Viết Xuân, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum.
Người chịu trách nhiệm chính: Ngô Việt Thành, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum.
Điện thoại: 02603.862710; Fax: 0603.864253; Email: skhdt@kontum.gov.vn, sokehoachdautu-kontum@chinhphu.vn.

Chung nhan Tin Nhiem Mang
5117184 Tổng số người truy cập: 2703 Số người online:
TNC Phát triển: