Trên địa bàn huyện Kon Plông hiện đang triển khai 3 CTMTQG: Xây dựng nông thôn mới; Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Giảm nghèo bền vững.
Đến nay, toàn huyện có 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 34 sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh. Tỷ lệ hộ DTTS có đất ở đạt 100%, tỷ lệ hộ DTTS có đất sản xuất đạt 99,7%; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế vùng ĐBDTTS. Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, cuối năm 2022, toàn huyện còn 2.744 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 36%.
Huyện đã kịp thời phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách Trung ương thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2021-2025, dự toán ngân sách Trung ương các năm 2022, 2023; hoàn thành các thủ tục phê duyệt dự án, dự toán chi tiết và tổ chức triển khai các nội dung, hoạt động thuộc các CTMTQG theo quy định. Xây dựng, ban hành Kế hoạch thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2021-2025 và năm 2023. Đã cân đối, bối trí được khoảng 60 tỷ đồng nguồn ngân sách địa phương đối ứng thực hiện các chương trình. Xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai các chương trình, kế hoạch về truyền thông, thông tin, giám sát, đánh giá thực hiện các chương trình theo quy định.
Đến ngày 31/3/2023, vốn các CTMTQG đã giải ngân 15,224 tỷ đồng, đạt 12,3% kế hoạch vốn huyện đã phân bổ chi tiết và đạt 12,1% kế hoạch vốn tỉnh giao. Vốn ngân sách địa phương đối ứng giải ngân 23,552 tỷ đồng, đạt 54,1% kế hoạch. Đối với nguồn vốn 2023, hiện các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư đang tập trung triển khai thực hiện thi công, chưa giải ngân kế hoạch vốn.
Tuy nhiên, huyện Kon Plông có tỷ lệ giải ngân thấp nhất trong 10 huyện, thành phố (bình quân giải ngân toàn tỉnh đạt 48,23%), chưa giải ngân kế hoạch năm 2023; còn khoảng 3,786 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS&MN năm 2022, 2023 chưa giao chi tiết cho các đơn vị, địa phương; việc bố trí vốn đối ứng từ ngân sách địa phương thực hiện các chương trình chưa đảm bảo...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh kết luận buổi làm việc
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp đề nghị UBND huyện Kon Plông tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về các chương trình MTQG gắn với thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiếu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” và triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, 02 phong trào thi đua “Kon Tum chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025.
Tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp huyện, cấp xã; chủ động, quyết liệt hơn nữa trong công tác triển khai thực hiện các chương trình; phát huy các kết quả đã đạt được, khắc phục các tồn tại, hạn chế, tập trung đẩy nhanh tiến độ tổ chức triển khai thực hiện các chương trình.
Những nội dung, công việc đã có đầy đủ cơ chế, quy định thì tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện ngay; khẩn trương hoàn thành các thủ tục giao vốn, phê duyệt dự án, dự toán chi tiết, xây dựng lộ trình triển khai kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài và vốn năm 2023, phấn đấu thực hiện giải ngân kế hoạch vốn với tỷ lệ cao nhất, đồng thời đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu, đối tượng, tránh đầu tư dàn trải, lãng phí.
Rà soát danh mục các dự án đầu tư thuộc các chương trình, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên về tính khả thi, hiệu quả, khả năng giải ngân, kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch vốn, danh mục các dự án đầu tư thuộc các chương trình để tập trung thực hiện bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, tránh dàn trải, manh mún, phù hợp năng lực tổ chức thực hiện, đặc biệt là năng lực của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở.
Rà soát, cân đối vốn đối ứng từ ngân sách địa phương bố trí thực hiện các chương trình bảo đảm theo quy định của Hội đồng nhân dân tỉnh về tỷ lệ đối ứng giữa các cấp ngân sách thực hiện các chương trình. Chủ động lồng ghép, huy động các nguồn vốn hợp pháp khác đầu tư hoàn thành các dự án, thực hiện hiệu quả các nội dung, hoạt động, đảm bảo không trùng lắp, chồng chéo giữa các chương trình, phù hợp với thực tế, đúng quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước.
Quá trình triển khai thực hiện cần thường xuyên rà soát, đánh giá, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy trình, thủ tục theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho cấp cơ sở, phù hợp tình hình thực tiễn, tạo điều kiện cho địa phương tổ chức triển khai thực hiện thuận lợi, thông suốt, hoàn thành các mục tiêu đề ra; tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc để hướng dẫn và đề xuất các giải pháp tháo gỡ trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình.
Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; đặc biệt trong triển khai các phong trào, cuộc vận động về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS&MN.
Đối với các cơ quan thành viên Đoàn Kiểm tra, đồng chí đề nghị tổng hợp đầy đủ các nội dung khó khăn, vướng mắc của địa phương, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ khẩn trương có văn bản hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của địa phương; đối với các nội dung vượt thẩm quyền, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh xử lý hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ.
Các cơ quan chủ trì chương trình mục tiêu quốc gia tích cực theo dõi, giám sát việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án thành phần tại địa phương để chủ động rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách theo tinh thần tháo gỡ các “nút thắt”, khơi thông các “điểm nghẽn”, phù hợp tình hình thực tiễn, tạo điều kiện cho địa phương tổ chức triển khai thực hiện thuận lợi, thông suốt, hoàn thành các mục tiêu đề ra. Khẩn trương nghiên cứu xây dựng sổ tay hướng dẫn chi tiết cụ thể và hồ sơ mẫu để phổ biến, tập huấn, đào tạo cho cấp cơ sở.
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Kon Tum.