banner
Thứ 6, ngày 2 tháng 8 năm 2024
TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ ĐẦU TƯ TỪ VỐN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
9-1-2012

                  Thực hiện Chỉ thị 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ, sáng ngày 14/11, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị giao ban triển khai thực hiện Chỉ thị số 1792/CT-TTg. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh tham dự và chủ trì Hội nghị.

 Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định, trong thời gian qua, việc huy động và sử dụng vốn ngân sách nhà nước (NSNN) và vốn trái phiếu Chính phủ đã có đóng góp quan trọng vào việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo môi trường thuận lợi góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, xóa đói giảm nghèo và cải thiện đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, do phân cấp quá mạnh lại thiếu các biện pháp quản lý đồng bộ, đã dẫn tới tình trạng phê duyệt quá nhiều dự án vượt khả năng cân đối vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ, thời gian thi công kéo dài, kế hoạch đầu tư bị cắt khúc ra nhiều năm, hiệu quả đầu tư kém, gây phân tán và lãng phí nguồn lực của Nhà nước. Trong khi đó, thời gian tới vốn ngân sách nhà nước rất hạn hẹp, vốn trái phiếu Chính phủ không thể phát hành tăng thêm so với năm 2011 để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, giảm dần bội chi ngân sách nhà nước, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, dư nợ công ở mức cho phép.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã trình bày khái quát nội dung chính của Chỉ thị 1792/CT-TTg, theo đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan rà soát, tổng hợp danh mục dự án đầu tư của các Bộ, ngành và địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định; hướng dẫn thủ tục chuyển đổi hình thức đầu tư, đề ra các biện pháp xử lý đối với các dự án trong kế hoạch, nhưng phải tạm dừng, giãn tiến độ, các dự án trong diện tiếp tục được cấp vốn để thi công.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhận định, việc xây dựng các quy hoạch, kế hoạch, chương trình và dự án đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ phải bám sát mục tiêu và định hướng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 của cả nước và của các ngành, các địa phương. Từng bước điều chỉnh cơ cấu đầu tư theo hướng giảm dần đầu tư công, đồng thời tăng cường các biện pháp nhằm huy động các nguồn vốn của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước để đầu tư vào các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.
Để tăng cường công tác quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ theo Chỉ thị số 1792/CT-TTg, ngày 28 tháng 10 năm 2011, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành công văn số 7356/BKHĐT-TH hướng dẫn chi tiết gửi tới các Bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước nhằm thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.
Về quyết định phê duyệt dự án sử dụng vốn NSNN và trái phiếu Chính phủ, trong khi chưa sửa đổi phân cấp quản lý đầu tư, các Bộ, ngành, địa phương tuân thủ đúng quy định hiện hành về quyền quyết định phê duyệt dự án đầu tư.
Đối với các dự án có sử dụng vốn Ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương và vốn trái phiếu Chính phủ thì các bộ, ngành và địa phương vẫn tổ chức thẩm định dự án theo các quy định hiện hành. Riêng về nguồn vốn và phần vốn Ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương và trái phiếu Chính phủ bố trí cho các dự án, sau khi các Bộ, ngành, địa phương thẩm định dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính thẩm định nguồn vốn, khả năng cân đối vốn đầu tư cho dự án và việc bảo đảm thực hiện theo đúng các nguyên tắc, chính sách hỗ trợ vốn đầu tư từ Ngân sách Trung ương, vốn trái phiếu Chính phủ để thực hiện dự án.
Đối với các dự án đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính thẩm định về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn từ Ngân sách Trung ương hoặc trái phiếu Chính phủ cho dự án và đủ điều kiện bố trí vốn đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ đảm bảo cân đối vốn để hoàn thành dự án theo quy định.
Từ năm 2012, không bố trí vốn Ngân sách Trung ương và Trái phiếu Chính phủ cho các dự án đầu tư mới hoặc phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư được quy định tại khoản c, điểm 2, mục I của Chỉ thị số 1792/CT-TTg, nếu trong hồ sơ phê duyệt dự án không có ý kiến thẩm định chấp thuận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các dự án đầu tư quy định tại điểm 3, mục I của Chỉ thị số 1792/CT-TTg nếu không gửi các quyết định đầu tư về Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Tất cả các dự án sử dụng vốn NSNN, trái phiếu Chính phủ chỉ được thực hiện khối lượng theo mức vốn kế hoạch được giao, để không gây nợ đọng xây dựng cơ bản. Trường hợp thật sự cần thiết phải bổ sung thêm vốn ngoài kế hoạch được giao hoặc cần điều chuyển vốn trong nội bộ ngành, lĩnh vực và các chương trình mục tiêu, phải báo cáo cấp có thẩm quyền giao kế hoạch vốn quyết định. Các Bộ, ngành và địa phương tự cân đối các nguồn vốn để xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản thuộc phạm vi trách nhiệm và thẩm quyền.
Việc cấp phát và ứng chi vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ từ Kho bạc Nhà nước cho các dự án đầu tư (trong kế hoạch) phải căn cứ vào khối lượng thực hiện. Đối với dự án chưa có khối lượng thực hiện, việc tạm ứng vốn tối đa là 30% kế hoạch vốn được giao hàng năm của dự án. Việc cấp phát và ứng chi tiếp theo chỉ được thực hiện sau khi thanh toán khối lượng hoàn thành.
Việc bố trí vốn đầu tư cho các dự án sử dụng vốn NSNN, bao gồm đầu tư từ vốn Ngân sách Trung ương và Ngân sách địa phương trong kế hoạch năm 2012 cần ưu tiên cho các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; giao thông; giáo dục, y tế; quốc phòng, an ninh; trong đó ưu tiên bố trí vốn để thu hồi các khoản vốn ứng trước.
Việc bố trí vốn NSNN cho các dự án trong từng ngành, lĩnh vực và từng chương trình bổ sung có mục tiêu thực hiện theo trật tự ưu tiên như sau: Tập trung bố trí vốn cho các dự án đã hoàn thành và đã bàn giao, đưa vào sử dụng đến trước ngày 31/12/2011 nhưng chưa bố trí đủ vốn; Ưu tiên bố trí vốn cho các dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2012 (theo tiến độ ghi trong quyết định đầu tư, khả năng cân đối vốn và khả năng thực hiện trong năm 2012) và vốn đối ứng cho các dự án ODA theo tiến độ thực hiện dự án; Số vốn còn lại (nếu có) bố trí cho một số dự án chuyển tiếp và một số dự án mới thật sự cần thiết. Việc bố trí vốn đầu tư đối với các dự án chuyển tiếp phải bảo đảm dự án nhóm B hoàn thành trong 5 năm, dự án nhóm C hoàn thành trong 3 năm.
Căn cứ các nguyên tắc nêu tại Chỉ thị số 1792/CT-TTg và văn bản hướng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành và địa phương tiến hành rà soát, lập danh mục các dự án chuyển tiếp đang được đầu tư từ NSNN, nằm trong kế hoạch đầu tư đã được duyệt, Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư hoặc trong các chương trình, dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt./          
                                                                                          
Theo Trang Thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Số lượt xem:45

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ TỈNH KON TUM
Quản lý và nhập tin: Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum, số 12 Nguyễn Viết Xuân, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum.
Người chịu trách nhiệm chính: Ngô Việt Thành, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum.
Điện thoại: 02603.862710; Fax: 0603.864253; Email: skhdt@kontum.gov.vn, sokehoachdautu-kontum@chinhphu.vn.

Chung nhan Tin Nhiem Mang
5131263 Tổng số người truy cập: 41 Số người online:
TNC Phát triển: