Tham dự Diễn đàn có khoảng 200 đại biểu đến từ các cơ quan và cộng đồng doanh nghiệp của ba nước Campuchia, Lào và Việt Nam. Đồng chủ trì Diễn đàn, phía Việt Nam có Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Nhất Hoàng và Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước Huỳnh Anh Minh. Tỉnh Kon Tum có Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lê Ngọc Tuấn dẫn đầu cùng lãnh đạo các Sở (Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Ngoại vụ) tham dự Diễn đàn.
Trong phiên khai mạc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Trâm đã đến và có bài Diễn văn chào mừng. Tại Diễn văn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước đã nhiệt liệt chào mừng toàn thể đại biểu đã đến dự Diễn đàn - nơi chia sẻ thông tin, tạo cơ hội cho hợp tác phát triển; đồng thời bày tỏ niềm vinh dự to lớn bởi đây là lần đầu tiên tỉnh Bình Phước được tổ chức Diễn đàn, trong bối cảnh năm 2017 là năm Nước ta thực hiện đồng thời năm hữu nghị với Campuchia và Lào, và là thời điểm tỉnh Bình Phước đang hướng đến kỷ niệm 21 năm tái lập tỉnh.
Trong phần phát biểu của mình, phía Campuchia và Lào đã chân thành cảm ơn phía Việt Nam, đặc biệt tỉnh Bình Phước vì đã tổ chức Diễn đàn và các sự kiện có liên quan chu đáo, trọng thể, chân tình và nồng ấm.
Diễn đàn cũng đã nhấn mạnh những kết quả to lớn mà Khu vực đã đạt được trong thời gian qua. Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ từng bước hoàn thiện, góp phần tạo điều kiện cho giao lưu thương mại khu vực biên giới khởi sắc (trong năm 2017, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với Lào đạt khoảng 708 triệu USD, giữa Việt Nam với Campuchia khoảng 3,43 tỷ USD). Tiềm năng khu vực, nhất là về đất, khoáng sản, tài nguyên khác đã được quan tâm; đầu tư của Việt Nam vào các tỉnh trong Khu vực CLV của Campuchia, Lào đạt khoảng 3,6 tỷ USD thông qua 113 dự án (Campuchia 48 dự án, vốn 1,6 tỷ USD; Lào 65 dự án, 2 tỷ USD); hiện một số dự án đã đi vào khai thác, kinh doanh.
Thực tế, hoạt động hợp tác về phát triển kinh tế trong Khu vực trong thời gian qua chưa đạt được các chiều sâu cần thiết, chưa tương xứng với lợi thế, tiềm năng của Khu vực cũng như kỳ vọng của ba Chính phủ ba Nước. Một số rào cản cho quá trình hợp tác phát triển kinh tế, thương mại và đầu tư được xác định là: Kết cấu giao thông đường bộ chậm hình thành theo yêu cầu; cơ sở hạ tầng khu vực cửa khẩu chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, theo quy hoạch. Nguồn lực, nhất là vốn đầu tư, tư khu vực Chính phủ và khu vực tư nhân còn nhiều hạn chế. Kết quả hợp tác giữa các bên chủ yếu đạt được trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội. Cơ chế chính sách về đầu tư phía Campuchia và Lào chưa ổn định; Hiệp định Xúc tiến và tạo thuận lợi thương mại Khu vực Tam giác phát triển CLV chưa được Campuchia thông qua, chưa thể triển khai. Mô hình kiểm tra 1 lần dừng cửa tại cửa khẩu chưa được các bên thống nhất; thuế và các loại phí vẫn còn có mức cao; vận tải người, phương tiện và hàng hóa đôi khi còn gặp nhiều khó khăn. Phát triển du lịch được thực hiện chủ yếu thông qua Cơ chế các nước Tiểu vùng Sông Mê Kông mở rộng giai đoạn 2016 – 2020(GMS).
Một số khuyến nghị đã được đề xuất tại Diễn đàn là: Ba Nước nghiên cứu xây dựng, ban hành cơ chế chính thu hút, ưu đãi đầu tư tại Khu vực; cơ chế, chính sách của nước này dành cho hai nước kia. Tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nhất là về giao thông đường bộ, mạng lưới điện, hệ thống thủy lợi. Các bên và mỗi tỉnh cần cụ thể hóa các mục tiêu phát triển về kinh tế - xã hội theo Quy hoạch Tổng thể Khu vực Tam giác phát triển CLV dựa trên cơ sở phân tích, đánh giá tương quan lợi thế, tiềm năng của mình, cơ hội hợp tác; phân công cơ quan đầu mối. Phối hợp xây dựng quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu quy mô lớn trên cơ sở bám theo các trục giao thông hướng đến các cảng biển của Việt Nam làm cơ sở thu hút đầu tư các nhà đầu tư chiến lược. Đẩy mạnh hoàn thiện ký kết các hiệp định thương mại, đầu tư song phương và đa phương; cải cách, hoàn thiện, đơn giản hóa các thủ tục về đầu tư, kinh doanh theo hướng đồng bộ, ổn định, công khai và minh bạch. Cộng đồng doanh nghiệp chủ động, không ngừng tự nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường nhằm thụ hưởng có hiệu quả các chính sách mà ba Nước đã tham gia ký kết, làm thành viên trong các các cơ chế hợp tác.