banner
Thứ 3, ngày 30 tháng 7 năm 2024
Một số kết quả nổi bật sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIV Đảng bộ tỉnh Kon Tum
29-9-2015

Trong nhiệm kỳ qua, được sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát và hỗ trợ kịp thời của Trung ương, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIV Đảng bộ tỉnh và đạt nhiều thành quả quan trọng

             Kinh tế tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá, bình quân hàng năm đạt 13,94%, giá trị tổng sản phẩm tăng gần gấp đôi so với đầu nhiệm kỳ. Tỷ trọng công nghiệp-xây dựng, dịch vụ trong cơ cấu kinh tế ngày càng cao, công nghiệp-xây dựng tăng từ 24,32% (năm 2010) lên 27,17% (năm 2015), thương mại-dịch vụ tăng từ 34,44% (năm 2010) lên  38,11% (năm 2015). Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 718 USD năm 2010 lên 1.555 USD năm 2015. Thu ngân sách nhà nước tại địa bàn liên tục tăng qua các năm và đến năm 2015 đạt 2.134 tỷ đồng[1], vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XIV đề ra.

Các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực được quy hoạch, bố trí nguồn lực tập trung đầu tư đã đạt kết quả tích cực, góp phần vào tăng trưởng và dịch chuyển cơ cấu kinh tế tỉnh[2]. Công nghiệp phát triển cả về quy mô và chất lượng, tốc độ tăng trưởng bình quân gần 16,7%/năm, một số ngành đã tạo sản phẩm có sức tiêu thụ trên thị trường trong và ngoài nước[3]. Thương mại, dịch vụ phát triển nhanh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng nhanh, bình quân đạt 29,18%/năm; mạng lưới phân phối hàng hóa đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của Nhân dân. Một số khu, tuyến, điểm du lịch được đưa vào khai thác, thu hút lượng khách du lịch đến tỉnh tăng hằng năm 17,85%.

Ba vùng kinh tế động lực đã có những đóng góp đáng kể trong việc thúc đẩy kinh tế, xã hội của tỉnh phát triển và tác động lan tỏa đến các vùng khác. Hệ thống kết cấu hạ tầng ngày càng hoàn thiện. Các quốc lộ 24, 14C, đường Hồ Chí Minh đã đầu tư cơ bản hoàn chỉnh, đường tỉnh lộ được nâng cấp, hệ thống đường liên xã và giao thông nông thôn cơ bản lưu thông thuận lợi, thông suốt hai mùa; điện lưới đã đến 98,66% thôn, làng và trên 98,68% số hộ được sử dụng điện; hệ thống trường lớp, thiết bị dạy và học được chuẩn hóa, cơ bản đáp ứng yêu cầu; Bệnh viện Đa khoa và các bệnh viện tuyến tỉnh được đầu tư mở rộng, trang thiết bị hiện đại, các Trung tâm y tế huyện và y tế tuyến xã được quan tâm đầu tư đảm bảo yêu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân; hạ tầng công nghệ thông tin phát triển nhanh, mạng lưới thông tin phủ sóng rộng khắp. Các công trình trọng điểm cơ bản hoàn thành, đảm bảo chất lượng.

Chất lượng giáo dục-đào tạo được nâng lên, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và giáo dục trung học cơ sở được duy trì và nâng cao; đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Công tác đào tạo nghề được triển khai tích cực, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo chung từ 33% lên 42%. Đời sống người có công, người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội ngày càng được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 33,36% cuối năm 2010 xuống 11,5% vào cuối năm 2015, bình quân mỗi năm giảm 4,37%. Công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, bình đẳng giới và tiến bộ phụ nữ đạt nhiều kết quả. Các loại dịch bệnh nguy hiểm được phát hiện, khống chế kịp thời.

Hoạt động văn hóa, nghệ thuật ngày càng đi vào chiều sâu, chất lượng được nâng lên. Công tác quản lý, sưu tầm, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số được tăng cường, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân và quảng bá hình ảnh địa phương. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" phát triển sâu rộng. Thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở được đầu tư xây dựng, cơ bản đáp ứng nhu cầu của Nhân dân.

Nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và thế trận biên phòng toàn dân được củng cố, tăng cường; không để xảy ra biểu tình, bạo loạn lật đổ và vượt biên. An ninh chính trị nội bộ, an ninh biên giới, an ninh kinh tế, an ninh thông tin, an ninh trong vùng tôn giáo, dân tộc, nông thôn và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm nguy hiểm, tội phạm kinh tế, môi trường, ma tuý được điều tra, xử lý kịp thời.

Chủ động, tích cực trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; xử lý có hiệu quả các vụ việc khiếu kiện, tranh chấp phức tạp, kéo dài. Hoạt động thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, gắn với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Công tác giáo dục chính trị tư tưởng được chú trọng. Công tác đấu tranh chống âm mưu, hoạt động "diễn biến hoà bình" của các thế lực thù địch được chủ động triển khai và đạt kết quả tích cực, nhất là trên lĩnh vực tư tưởng văn hoá. Việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo NQTW 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh có chuyển biến và mang lại hiệu quả thiết thực.

Công tác cán bộ được thực hiện đúng quy trình, quy định; đội ngũ cán bộ cơ bản đảm bảo cơ cấu, chất lượng, trưởng thành về mọi mặt và đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới. Chất lượng quy hoạch cán bộ các cấp ngày càng được nâng lên. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển cán bộ được thực hiện quyết liệt, đã góp phần khắc phục tình trạng trì trệ, cục bộ ở một số địa phương, đơn vị.  

Hội nhập kinh tế quốc tế được chú trọng, đã chủ động tích cực triển khai các thỏa thuận, nội dung hợp tác trong khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào-Việt Nam, Chương trình hợp tác Tiểu vùng Mê Công mở rộng và trong quan hệ với các tỉnh Đông Bắc Thái Lan, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia. Đồng thời, đã tăng cường liên kết phát triển kinh tế, xã hội với các tỉnh trong khu vực Tây nguyên, duyên hải miền Trung và thành phố Hồ Chí Minh.



[1]: Không tính ghi thu, ghi chi quản lý qua ngân sách.

[2] : Diện tích cây cao su, cà phê, sâm Ngọc Linh tiếp tục được mở rộng, tạo ra các vùng chuyên canh nguyên liệu cho công nghiệp chế biến (đến cuối năm 2015, diện tích cà phê toàn tỉnh đạt 14.866 ha, tăng 3.216 ha so với năm 2010; diện tích cây cao su đạt 74.653 ha, tăng 30.783 ha so với năm 2010; diện tích Sâm Ngọc Linh đạt 180,24 ha); dự án phát triển rau, hoa xứ lạnh bước đầu được đầu tư có kết quả. Nuôi trồng thủy sản tăng trưởng khá (sản lượng thủy sản năm 2015 ước đạt 3.175 tấn, tăng 43,5% so với năm 2010), đã nuôi thử nghiệm thành công cá Tầm, bước đầu cho sản phẩm tiêu thụ trên thị trường.

[3] Cà phê Đăk Hà, Rượu Sâm Ngọc Linh, Cà phê Thanh Hương, Cà phê Da Vàng, đường Kon Tum, đồ gỗ….

Phòng Tổng hợp - Chiến lược
Số lượt xem:42

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ TỈNH KON TUM
Quản lý và nhập tin: Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum, số 12 Nguyễn Viết Xuân, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum.
Người chịu trách nhiệm chính: Ngô Việt Thành, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum.
Điện thoại: 02603.862710; Fax: 0603.864253; Email: skhdt@kontum.gov.vn, sokehoachdautu-kontum@chinhphu.vn.

Chung nhan Tin Nhiem Mang
5124511 Tổng số người truy cập: 1008 Số người online:
TNC Phát triển: