Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:
Các thành viên Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 19 tháng 5 năm 2022 của Tỉnh ủy, Kế hoạch số 729/KH-UBND ngày 17 tháng 3 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023; các chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh. Trong đó, tập trung thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ, cụ thể như sau:
1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
- Chủ động nghiên cứu các quy định, hướng dẫn mới được Trung ương ban hành liên quan đến các Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ, Thông tư số 03/2023/TT-BTTTT ngày 30 tháng 5 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông... và hướng dẫn đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư được tổng hợp kèm theo Báo cáo số 99/BC-SKHĐT ngày 07 tháng 6 năm 2023 để triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn mình phụ trách.
- Tiếp tục rà soát, phân bổ kế hoạch vốn năm 2022 và năm 2023 đã được cấp thẩm quyền giao nhưng đến nay vẫn chưa phân bổ chi tiết.
- Khẩn trương xây dựng, ban hành/rà soát hoàn thiện và tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 và năm 2023 theo quy định. Rà soát lại các tiểu dự án, dự án giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia để tránh chồng chéo, trùng lặp, đảm bảo sử dụng vốn tập trung, tiết kiệm, hiệu quả.
- Tăng cường công tác truyền thông, thông tin, tuyên truyền về các chương trình mục tiêu quốc gia gắn với thực hiện có hiệu quả 02 cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiếu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và 02 phong trào thi đua “Kon Tum chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025.
- Tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia cấp huyện, cấp xã; chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức tham mưu thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt đội ngũ cán bộ cấp xã.
- Chủ động, quyết liệt hơn nữa trong công tác triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, phấn đấu thực hiện giải ngân 100% số vốn thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia được giao.
- Rà soát danh mục các dự án đầu tư thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên về tính khả thi, hiệu quả, khả năng giải ngân, kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch vốn, danh mục các dự án đầu tư để tập trung thực hiện, bảo đảm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả.
- Cân đối vốn đối ứng từ ngân sách địa phương bố trí thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia bảo đảm theo quy định của Hội đồng nhân dân tỉnh về tỷ lệ đối ứng giữa các cấp ngân sách thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Chủ động lồng ghép, huy động các nguồn vốn hợp pháp khác đầu tư hoàn thành các dự án, thực hiện hiệu quả các nội dung, hoạt động, đảm bảo không trùng lắp, chồng chéo giữa các chương trình, phù hợp với thực tế, đúng quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước.
- Quá trình triển khai thực hiện cần thường xuyên rà soát, đánh giá, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy trình, thủ tục theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho cấp cơ sở; tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc để hướng dẫn và đề xuất các giải pháp tháo gỡ.
- Chủ động, tích cực chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giữa các địa phương trong tỉnh; đặc biệt trong công tác triển khai thực hiện, áp dụng các cơ chế, chính sách, nội dung, hoạt động thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia.
- Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thành viên trong triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; đặc biệt trong triển khai các phong trào, cuộc vận động về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; trong tổ chức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân với kết quả thực hiện từng chương trình; thực hiện các hoạt động giám sát, phản biện xã hội đối với quá trình tổ chức triển khai thực hiện các chương trình ở các cấp theo quy định.
- Thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo theo quy định của pháp luật về đầu tư công, quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và các quy định khác có liên quan.
2. Các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh và các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh
- Khẩn trương ban hành theo thẩm quyền hoặc tham mưu cấp thẩm quyền ban hành các quy định, văn bản hướng dẫn thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia còn thiếu để hoàn thiện khung pháp lý đầy đủ trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện, nhất là các quy định liên quan đến Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
- Đẩy mạnh công tác phối hợp hoạt động giữa các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh, các sở, ngành, đơn vị, địa phương trong việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn; tích cực chia sẻ, trao đổi thông tin, học hỏi kinh nghiệm với các đơn vị, địa phương (trong và ngoài tỉnh) có kết quả triển khai thực hiện tốt để có cơ chế, giải pháp điều hành phù hợp tình hình thực tiễn và đặc thù của đơn vị, địa phương. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và đề xuất các giải pháp tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
- Các cơ quan chủ trì chương trình mục tiêu quốc gia (Ban Dân tộc tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn):
+ Tích cực theo dõi, giám sát việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án thành phần tại địa phương để chủ động rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách theo tinh thần tháo gỡ các “nút thắt”, khơi thông các “điểm nghẽn”, phù hợp tình hình thực tiễn, tạo điều kiện cho địa phương tổ chức triển khai thực hiện thuận lợi, thông suốt, hoàn thành các mục tiêu đề ra. Nghiên cứu xây dựng sổ tay hướng dẫn chi tiết, tích hợp cụ thể các văn bản hướng dẫn, quy trình, thủ tục và bộ hồ sơ Mẫu cho từng dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của các chương trình mục tiêu quốc gia để phổ biến, tập huấn, đào tạo cho cấp cơ sở triển khai thực hiện bảo đảm nhanh chóng, đơn giản, hiệu quả, đúng quy định hiện hành và thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao.
+ Khẩn trương phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan rà soát, đánh giá đúng mục tiêu, nhiệm vụ, nguồn kinh phí thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; trường hợp không còn nhiệm vụ chi, phải hoàn trả ngân sách nhà nước theo quy định và báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Kế hoạch và Đầu tư) để tổng hợp đề xuất, kiến nghị Trung ương xem xét điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch vốn trung hạn cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan: Tiếp tục rà soát, đôn đốc việc phân bổ, giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 và 2023 thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; nhất là nguồn vốn ngân sách trung ương năm 2022 và năm 2023 đến nay vẫn chưa được phân bổ chi tiết. Kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, xử lý các khó khăn, vướng mắc của các đơn vị, địa phương nhằm phấn đấu giải ngân cao nhất kế hoạch vốn được cấp thẩm quyền giao.