Theo đó Ủy ban nhân dân tỉnh đặt mục tiêu phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững theo 03 giai đoạn, cụ thể như sau:
1. Giai đoạn 2021-2025
a) Nông lâm nghiệp và thủy sản
- Tốc độ tăng trưởng bình quân của nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 7,21% giai đoạn 2021-2025, chiếm tỷ trọng 19-20% trong cơ cấu kinh tế.
- Ổn định diện tích trồng lúa: 23.215 ha; diện tích trồng sắn khoảng 34.100 ha; diện tích cà phê khoảng 25.000 ha, sản lượng 60.705 tấn, trong đó sản lượng chế biến sâu khoảng 350 tấn; ổn định diện tích cao su khoảng 70.000 ha, sản lượng mủ đạt 105.000 tấn; nâng diện tích cây ăn quả khoảng 10.000 ha; nghiên cứu, xác định mô hình sản xuất, liên kết tiêu thụ, hình thành một số vùng mắc ca trên địa bàn tỉnh; phát triển khoảng 4.500 ha Sâm Ngọc Linh và các cây dược liệu khác khoảng 10.000 ha.
- Tiếp tục đẩy mạnh phát triển chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao, bán công nghiệp có liên kết để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và hình thành các loại hình trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã theo hướng an toàn sinh học. Phát triển chăn nuôi đại gia súc (dê, bò) lấy thịt, lấy sữa tại huyện Sa Thầy, Kon Plông và một số vùng có điều kiện dần thay thế phương thức chăn nuôi thả rông, nhỏ lẻ, phân tán; từng bước hình thành mối liên kết giữa người chăn nuôi với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Phấn đấu đến năm 2025, đàn trâu: 27.000 con, đàn bò 110.000 con (trong đó bò sữa: 10.000 con); đàn lợn: 180.000 con.
- Diện tích nuôi trồng thủy sản: 1.460 ha, số lồng nuôi trồng thủy sản đạt 500 lồng; sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 5.000 tấn; sản lượng khai thác thủy sản tự nhiên giữ mức ổn định hàng năm khoảng từ 1.650 tấn - 2.000 tấn/năm nhằm mục tiêu bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản tự nhiên.
- Phát huy lợi thế rừng và đất rừng để phát triển kinh tế lâm nghiệp; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và sử dụng rừng có hiệu quả, bền vững tài nguyên rừng. Đến năm 2025 trồng mới được 15.000 ha rừng tập trung và trồng 03 triệu cây phân tán; khoanh nuôi phục hồi rừng được ít nhất 7.300 ha; nuôi dưỡng làm giàu rừng ít nhất 1.000 ha. Độ che phủ rừng đạt 64%. Ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp; phấn đấu số vụ vi phạm năm sau giảm 10% so với năm trước. Đảm bảo 100% diện tích rừng có chủ quản lý thực sự theo quy định của Luật Lâm nghiệp; cho thuê đất, thuê rừng, thuê môi trường rừng để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội với diện tích khoảng 50.000 ha.
- Khai thác, sử dụng hiệu quả rừng trồng nguyên liệu và rừng trồng cao su, giai đoạn 2021 - 2025 khai thác và chế biến 520.000 m3 gỗ từ rừng trồng, gỗ cao su thành các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, tiến tới chấm dứt xuất gỗ nguyên liệu thô. Phát triển kinh tế lâm nghiệp trong đó trọng tâm phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ, công nghiệp phụ trợ, sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao. Đến năm 2025, ngành công nghiệp chế biến gỗ tỉnh Kon Tum cơ bản hiện đại, đủ năng lực về công nghệ tham gia hội nhập thị trường trong nước và quốc tế, xây dựng được ít nhất 01 nhà máy chế biến gỗ công suất trên 50.000m3/năm.
b) Về nông dân, nông thôn: Tỷ lệ hộ nghèo giảm 3-4%/năm; tỷ lệ hộ gia đình ở khu vực nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95%; có ít nhất 04 huyện và thành phố Kon Tum đạt chuẩn nông thôn mới hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và có ít nhất 60 xã (70,6% số xã) đạt chuẩn xã nông thôn mới. Xây dựng ít nhất 10 sản phẩm tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm quốc gia.
2. Giai đoạn 2026 - 2030
a) Nông lâm nghiệp và thủy sản
Ổn định vùng nguyên liệu sắn, cao su, cà phê...; tiếp tục mở rộng và phát triển vùng nguyên liệu, hình thành các vùng chuyên canh đáp ứng yêu cầu nguyên liệu cho chế biến, thị trường tiêu thụ và xuất khẩu đối với các loại cây trồng, vật nuôi có lợi thế như cây ăn quả, dược liệu chăn nuôi bò sữa. Đến năm 2030, phát triển Sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu khác đạt 25.000 ha, trở thành vùng dược liệu trọng điểm của quốc gia; diện tích cây ăn quả khoảng 15.000 ha, diện tích cây mắc ca 5.000 ha; đầu tư phát triển hình thành vùng rừng trồng nguyên liệu tập trung ổn định có chất lượng đáp ứng nhu cầu cho công nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh, nâng độ che phủ rừng của tỉnh đạt trên 64%; Phấn đấu đưa năng suất rừng trồng thâm canh trung bình trên 20m3/ha/năm; có ít nhất 03 nhà máy chế biến gỗ với công suất 200.000 m3/năm; quy mô đàn gia súc của tỉnh tăng bình quân khoảng 3%/năm đạt khoảng 380.000 con gia súc; diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 1.700 ha, số lồng nuôi 800 lồng; sản lượng nuôi trồng thủy sản khoảng 5.000 tấn; Đẩy mạnh đầu tư nâng cấp, đổi mới và nâng cao năng lực các cơ sở chế biến hiện có, thu hút, xây dựng các cơ sở chế biến sâu, chế biến tinh các sản phẩm nông sản; tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 25% - 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
b) Về nông dân, nông thôn
Chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang các ngành sản xuất khác (công nghiệp, thương mại, dịch vụ...), giảm cơ cấu lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản xuống dưới 56%; Tỷ lệ hộ gia đình ở khu vực nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 97,5%. Phấn đấu đến năm 2030 có 90% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 08 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc trưng và có lợi thế của địa phương, phấn đấu duy trì và phát triển ít nhất từ 10 sản phẩm OCOP cấp quốc gia (sản phẩm 5 sao).
3. Tầm nhìn đến năm 2050: Ngành nông nghiệp của tỉnh Kon Tum trở thành ngành kinh tế kỹ thuật gắn với công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường; đồng thời đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, thích ứng biến đổi khí hậu. Phấn đấu nâng tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp tỉnh tăng cao hơn 30%, trong đó giá trị nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ đạt trên 30-35% so với tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp chung của tỉnh; giữ ổn định độ che phủ rừng của tỉnh 64%.
Để thực hiện các mục tiêu trên, Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện 08 nhiệm vụ trọng tâm gồm:
(1). Hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường
(2). Tổ chức các khâu quan trọng trong sản xuất nâng cao hiệu quả, đảm bảo phát triển bền vững
(3). Thúc đẩy hợp tác, liên kết, phát triển chuỗi giá trị, các mô hình nông nghiệp tiên tiến
(4). Phát triển kinh tế nông thôn tạo việc làm và tăng thu nhập cho dân cư nông thôn
(5). Xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại gắn với đô thị hóa, giữ gìn văn hóa truyền thống
(6). Phát triển bao trùm, đảm bảo công bằng phúc lợi xã hội ở nông thôn
(7). Xây dựng cộng đồng vững mạnh làm nòng cốt phát triển nông thôn, sản xuất nông nghiệp
(8). Bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan thích nghi biến đổi khí hậu
Chi tiết Kế hoạch số 1649/KH-UBND tại file đính kèm.