banner
Thứ 4, ngày 31 tháng 7 năm 2024
NHỮNG GIẢI PHÁP GÓP PHẦN NÂNG CAO CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH 2014
23-7-2014

NHỮNG GIẢI PHÁP GÓP PHẦN NÂNG CAO CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH 2014

Toàn cảnh buổi Hổi thảo nâng cao năng lực canh tranh tỉnh Kon Tum năm 2014.

          Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là chỉ số đánh giá và xếp hạng chất lượng điều hành kinh tế, cải cách hành chính của chính quyền cấp tỉnh trong việc tạo lập môi trường chính sách thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam. Chỉ số PCI đã cung cấp các thông tin và phân tích quan trọng về môi trường kinh doanh tại Việt Nam, cung cấp cho chính quyền địa phương cảm nhận và đánh giá của các doanh nghiệp về chất lượng điều hành kinh tế, đồng thời khuyến nghị cách thức cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, tạo việc làm và phát triển kinh tế tại các địa phương.

          PCI được sử dụng như một công cụ quan trọng để đo lường và đánh giá công tác quản lý và điều hành kinh tế tại địa phương trên 9 lĩnh vực có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của khu vực kinh tế dân doanh, bao gồm: gia nhập thị trường; tiếp cận đất đai; chi phí không chính thức; tính năng động của lãnh đạo tỉnh; tính minh bạch; đào tạo lao động và thiết chế pháp lý. Chỉ số PCI cao đồng nghĩa với việc mang lại lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp và cũng là cách quảng bá để địa phương thu hút đầu tư từ bên ngoài…

         Trong những năm qua,  Tỉnh Kon Tum đã tổ chức nhiều Hội nghị thu hút đầu tư để các doanh nghiệp tại các địa phương có thể giao lưu, mở rộng hợp tác, liên kết tạo hiệu quả cao trong sản xuất và kinh doanh như Hội Nghị ủy ban điều phối chung lần thứ 8 khu vực tam giác phát triển CLV và các sự kiện : Hội nghị hợp tác phát triển giữa Kon Tum với các tỉnh: Ubon Ratchathani, Sisaket (Thái Lan); Champasak, Sê Kông, Attapư (Lào); Quảng Ngãi, Bình Định (Việt Nam), Gặp mặt các nhà Đầu tư Hàn Quốc và Úc. Hội nghị giữa tỉnh Kon Tum với Đại diện tham tán Xúc tiến Đầu tư của Đại sứ quán Việt Nam tại 8 nước gồm : Mỹ, Đức, Pháp, Hàn Quốc, Lào, Nhật Bản, Đài Bắc – Taiwan, Singapore. Bên cạnh đó, Kon Tum luôn quan tâm tới công tác Cải cách thủ tục hành chính, tìm kiếm nguồn lực bên trong và bên ngoài tạo ra nhiều yếu tố thuận lợi cho doanh nghiệp tỉnh phát triển. Chính quyền địa phương luôn sẵn sàng chia sẻ, lắng nghe với sự cầu thị nhất các ý kiến từ các nhà đầu tư, các nhà doanh nghiệp thể hiện bằng những việc làm cụ thể đó là UBND tỉnh Kon Tum giao cho Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Lãnh đạo các Sở, Ngành nhất là Cục Thuế, Sở Tài Nguyên và Môi trường, Sở Xây Dựng, Hiệp Hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức gặp mặt Doanh nghiệp định kỳ vào ngày 26 hàng tháng để giải đáp trực tiếp những vướng mắc của Doanh nghiệp thuộc thẩm quyền, đồng thời tổng hợp báo cáo đề xuất giải pháp vượt thẩm quyền về UBND tỉnh để kịp thời tháo gỡ những khó khăn cho Doanh nghiệp trên địa bàn.    

          Ông Nguyễn Đức Tuy Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum và ông Vũ Tiến Lộc Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam  cùng chủ trì hội thảo

       Ngày 20/3/2014, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2013 trong khuôn khổ Dự án PCI do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hỗ trợ. Chỉ số PCI tỉnh Kon Tum năm 2013 tăng 15 bậc so với so với năm 2012, điều này đã phản ánh những cố gắng nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, công tác thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh cũng đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

        Tính đến 31/12/2013, Ủy ban nhân dân tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 138 dự án, trong đó có 131 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đầu tư là 29.731,6 tỷ đồng trên diện tích đất dự kiến sử dụng 52.307 ha. Cơ cấu vốn đầu tư 138 dự án phân chia theo lĩnh vực, bao gồm: Công nghiệp - xây dựng 22.114,3 tỷ đồng, Nông lâm nghiệp 6.579 tỷ đồng, Thương mại - dịch vụ 1.038,2 tỷ đồng. Thu hồi 07 dự án đã cấp Giấy CNĐT với tổng vốn 419,14 tỷ đồng. Tình hình triển khai thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Số dự án đăng ký đã hoàn thành thủ tục và đưa vào khởi công xây dựng tăng nhiều, có 55 dự án đã đầu tư hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng với tổng vốn đầu tư 5.628,6 tỷ đồng, 42 dự án đầu tư đang triển khai xây dựng với tổng vốn 9.548,5 tỷ đồng, 34 dự án chưa triển khai thi công với tổng vốn 14.135,2 tỷ đồng. Đối với các dự án chậm triển khai thực hiện, UBND tỉnh tăng cường công tác rà soát, loại bỏ, thu hồi dự án để kêu gọi nhà đầu tư khác, tránh hiện tượng giành giữ chỗ  không đầu tư, gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư trên địa bàn tỉnh. Số nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư và xin phép đầu tư trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng, đến 31/12/2013, UBND tỉnh cũng đã thống nhất chủ trương đầu tư cho 34 dự án. Trong đó bao gồm các lĩnh vực: Công nghiệp - xây dựng 24 dự án, Nông lâm nghiệp 05 dự án và Thương mại - dịch vụ 06 dự án.

Cùng với việc tăng cường thu hút các dự án đăng ký mới thì công tác quản lý nhà nước về đầu tư tiếp tục được coi trọng nhằm tạo ra cho nhà đầu tư môi trường đầu tư và kinh doanh lành mạnh, ổn định lâu dài và hấp dẫn khi đến với Kon Tum. Đẩy mạnh Công tác cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo ra những cơ chế chính sách hợp lý và gọn nhẹ trong đầu tư, tập trung hỗ trợ DN trong vấn đề gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, công tác lắng nghe ý kiến từ các tổ chức, Hiệp hội ngành nghề, Doanh nghiệp… nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy các tổ chức đoàn thể này hoạt động ngày càng hiệu quả hơn từ đó có những đóng góp mạnh mẽ hơn nữa vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Những nỗ lực trên là kết quả minh chứng của Lãnh đạo tỉnh Kon Tum trong việc đưa chỉ số PCI thứ hạng 59 năm 2012 lên thứ hạng 44 năm 2013, tăng 15 bậc.  

BẢNG TỔNG HỢP CHỈ SỐ TỈNH KON TUM (2008-2013)

CHỈ SỐ

 2008

2009

2010

2011

2012

 2013

Gia nhập thị trường

7.91

8.92

7.51

8.87

9.09

7.82

Tiếp cận đất đai

6.83

7.07

7.51

6.81

6.6

6.87

Tính minh bạch

5.15

5.92

5.21

5.67

5.77

5.48

Chi phí thời gian

3.62

3.68

5.96

5.93

4.67

5.25

Chi phí không chính thức

6.15

6.02

7.03

7.12

5.49

5.92

Tính năng động

3.42

2.6

3.44

3.11

1.94

4.36

Hỗ trợ doanh nghiệp

7.61

6.24

6.1

3.57

4.02

5.75

Đào tạo lao động

2.7

4.91

5.16

4.63

4.71

5.43

Thiết chế pháp lý

3.87

5.81

5.08

6.39

3.18

4.33

Cạnh tranh bình đẳng

N/A

N/A

N/A

N/A

N/A

4.97

PCI

41.94

54.28

57.01

57.1

51.39

56.04

Vị trí xếp hạng

59

51

39

44

59

44

       

        Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh có ý nghĩa quan trọng trong việc thu hút mời gọi đầu tư, thúc đẩy KT-XH phát triển,  đồng thời đánh giá cao những đóng góp tích cực của các Ban – Ngành trong tỉnh góp phần cải thiện chỉ số PCI trong năm qua. Đồng thời trong thời gian tới, để duy trì chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, các đơn vị trong tỉnh cần nhận thức xác định vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong sự phát triển kinh tế của tỉnh, các ngành phải quan tâm chăm lo và giải quyết thấu đáo những khó khăn của doanh nghiệp, cần duy trì mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp; nâng cao năng lực chuyên môn và tinh thần trách nhiệm của cán bộ công chức – viên chức; thực hiện việc công khai, minh bạch các kế hoạch, tài liệu quy hoạch theo quy định để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận.

         Chỉ số PCI năm 2013 của tỉnh Kon Tum chưa cao, nhưng trong điều kiện nền kinh tế thế giới suy thoái, biến động thì kết quả đạt được năm 2013 tăng 15 bậc so với năm 2012 là đáng khích lệ. Những năm gần đây, cùng với những kết quả đạt được về KT – XH, đời sống nhân dân được cải thiện, môi trường đầu tư, kinh doanh đã được quan tâm. Để nâng cao chỉ số PCI của tỉnh, cần phải tiếp tục hoàn thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa và rút ngắn hơn nữa thời gian giải quyết cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy chuyển quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất; thông tin minh bạch cho doanh nghiệp về quy hoạch, kế hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp, quy hoạch phát triển KT – XH của tỉnh; đẩy mạnh sự tham gia tích cực của doanh nghiệp vào quá trình xây dựng chính sách, tham vấn ý kiến của các doanh nghiệp đối với những vấn đề liên quan đến sự phát triển của doanh nghiệp. Chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nghề, gắn kết giữa cung và cầu. Cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu…

Những hạn chế cần khắc phục:

Bên cạnh những kết quả đạt được của chỉ số PCI 2013, tỉnh Kon Tum cũng mạnh dạn nhận thấy những hạn chế đó là vị thứ xếp hạng PCI Kon Tum vẫn nằm trong nhóm xếp hạng trung bình trong bảng xếp hạng các tỉnh, thành trên cả nước; các chỉ số Chi phí thời gian thực hiện các quyết định của Nhà nước, Tính năng động và tiên phong, Thiết chế pháp lý, Chi phí không chính thức, Tính minh bạch và tiếp cận thông tin còn thấp trong bảng xếp hạng của cả nước ( lần lượt thứ hạng là 54/63, 54/63, 57/63, 44/63,42/63). Cụ thể đó là :

 Sự đóng băng thị trường bất động sản đã làm tăng quỹ đất và giảm giá bán, giá cho thuê quyền sử dụng đất trên thị trường. Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hiện nay chưa bảo đảm chất lượng theo yêu cầu do nhiều nguyên nhân như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhất là cho mục đích phi nông nghiệp, chưa có nội dung sử dụng đất hoặc có nhưng không cụ thể vị trí, diện tích loại đất hiện trạng, thời gian thực hiện. Một vấn đề thường gặp là khi lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đưa ra nhu cầu quá cao hoặc không đầy đủ so với yêu cầu, khả năng và giải pháp thiếu thực tế tác động không tốt đến nhiều mặt kinh tế - xã hội.

Về xác định giá đất hàng năm có tiến bộ hơn nhưng chưa phù hợp với giá thị trường nên chưa bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước - người sử dụng đất - nhà đầu tư. Trong khi đó, chưa có cơ chế xác định giá đất rõ ràng, chưa có cơ chế để theo dõi, cập nhật giá đất biến động trên thị trường.

Nguyên nhân:

Một số ngành, địa phương còn thụ động trong công tác giải quyết khó khăn, vướng mắc cho DN, nhà đầu tư, chưa thường xuyên triển khai hệ thống giám sát, đánh giá đầu tư. Một số dự án chưa xây dựng các thông tin chi tiết về dự án (project profile) trong Danh mục dự án kêu gọi đầu tư, thu hút đầu tư đã được UBND tỉnh ban hành để quảng bá, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tìm hiểu cơ hội đầu tư vào tỉnh.

 Nhiều nội dung thông tin quy hoạch, kế hoạch, tài liệu, chế độ, chính sách ...chưa được cập nhật kịp thời lên trang thông tin điện tử của các đơn vị để nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận. Tính chuyên nghiệp trong công tác quảng bá hình ảnh cũng như tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư chưa cao.

 Do tình hình kinh tế khó khăn, các nhà đầu tư khó tiếp cận với nguồn vốn vay đầu tư và hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư chưa có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình đầu tư, đặc biệt trong công tác báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư, gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt thông tin để giải quyết khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư.

Ngoài ra, một nguyên nhân làm cho chỉ số PCI của tỉnh Kon Tum thấp hơn các địa phương khác đó là do khối lượng công việc phải giải quyết trên địa bàn rất lớn, đa dạng, phức tạp nhất là địa bàn miền núi - biên giới rộng, trong khi sự phân công, phân cấp và hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật ở một số lĩnh vực ban hành chậm, thiếu đồng bộ. Địa phương có số lượng doanh nghiệp chủ yếu là Doanh nghịêp vừa và nhỏ nên  khó khăn hơn khi tiếp cận các dịch vụ công và thực hiện các thủ tục hành chính.

  Một số giải pháp :

Ngày 21/7/2014, UBND tỉnh Kon tum phối hợp với Phòng Thương Mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo Nâng cao Năng lực cạnh tranh tỉnh Kon Tum 2014. Để phấn đấu đưa vị thứ xếp hạng PCI Kon Tum vào nhóm xếp hạng Khá trong bảng xếp hạng các tỉnh, thành cả nước vào năm 2014 và những năm tiếp theo đúng mục tiêu đã đề ra cần có sự nỗ lực hơn nữa của Lãnh đạo các cấp chính quyền địa phương cũng như cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Các Sở, ban, ngành tuyên truyền nội dung và ý nghĩa của việc điều tra đánh giá xếp hạng PCI trong cán bộ, công chức, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, nâng cao nhận thức về PCI, nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh theo Nghị quyết số 19/NQ-CP, ngày 18/3/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh không ngừng nâng cao nhận thức, xem việc cải thiện chỉ số Tiếp cận đất đai và sự ổn định mặt bằng sản xuất (chỉ số thành phần của PCI) là một nội dung quan trọng trong nhiệm vụ cải cách hành chính năm 2014 và những năm tiếp theo. Phối hợp với các Ban, Ngành, đoàn thể để kiện toàn và thống nhất quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh, nhằm tăng cường quản lý đất đai, chống lãng phí trong sử dụng nguồn tài nguyên đất và góp phần tích cực vào việc cải thiện chỉ số thành phần tiếp cận đất đai trong nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư vào tỉnh Kon Tum. Tiếp tục tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản phù hợp với thực tiễn, đặc thù của tỉnh miền núi - biên giới theo hướng đơn giản thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính. Phối hợp với các ngành tăng cường kiểm tra, rà soát, đối thoại với các nhà đầu tư để kịp thời đề xuất, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh những giải pháp tháo gỡ khó khăn về thủ tục phát sinh cho doanh nghiệp, thực hiện tốt công tác bồi thường đúng chính sách và đảm bảo quyền lợi cho người dân, tổ chức có đất thu hồi. Làm tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng góp phần quan trọng đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.

Tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra công vụ và kiên quyết xử lý các cá nhân có hành vi nhũng nhiễu, lợi dụng công việc để trục lợi; thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Cải cách hành chính theo đề án “một cửa liên thông” kết hợp với việc công khai minh bạch các thủ tục, thông tin trên trang Web của Sở Ngành về đất các dự án đã được giao, cho thuê, chuyển mục đích. Sở, Ngành công khai minh bạch về các thông tin cơ sở dữ liệu số về đất đai, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin cần thiết để triển khai dự án đầu tư.

Tiếp tục rà soát thủ tục hành chính, cắt giảm và bãi bỏ những thủ tục không cần thiết, giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính tại các cơ quan, đơn vị như tiếp tục cải cách trình tự thủ tục giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thời gian hoàn thành các thủ tục cho các doanh nghiệp đầu tư vào địa phương.

Chủ trì xây dựng và tổ chức thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDĐ; soạn thảo Quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư, quy trình thủ tục giao đất, cho thuê đất, soạn thảo Quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất.

Thứ hai, Lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và công bố thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng. Rà soát, công khai các quy hoạch, rút ngắn thời gian giao đất cho nhà đầu tư, khoanh định vùng, diện tích cần được bảo vệ nghiêm ngặt nhằm đảm bảo vấn đề an ninh lương thực và thực hiện có hiệu quả chương trình Nông thôn mới, thực hiện công khai quy hoạch trên địa bàn toàn tỉnh.

Cần rà soát lại việc quản lý, sử dụng đất không để chồng chéo giữa công việc của các đơn vị, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch sử dụng đất theo từng giai đoạn cụ thể để có sự phân bố hợp lý. Bên cạnh việc chú trọng chất lượng xây dựng quy hoạch chung, quy hoạch ngành, quy hoạch đất, quy hoạch sử dụng đất, cũng cần lắng nghe, linh động xử lý những đề xuất chính đáng của các nhà đầu tư đảm bảo hài hòa giữa các yếu tố, không làm ảnh hướng đến môi trường phát triển chung của địa phương. Hoàn thiện cơ chế tổ chức, hoạt động của cơ quan Trung tâm phát triển quỹ đất. Thực hiện các nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch sau khi quy hoạch - kế hoạch được phê duyệt và công bố mà chưa có dự án đầu tư; tư vấn bồi thường giải phóng mặt bằng, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tổ chức đấu thầu quyền sử dụng đất, quản lý quỹ đất thu hồi...

         Cần có cơ chế xác định giá đất hợp lý, phù hợp với từng mục đích sử dụng, được cộng đồng chấp nhận để thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất. Giải quyết hài hòa quyền lợi và nghĩa vụ của các thành phần kinh tế. Đồng thời cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng xây dựng quy trình lập thủ tục, hồ sơ gọn nhẹ. Hoàn thiện cơ chế chính sách về quản lý và sử dụng đất.

        Thứ ba, Để cải thiện chỉ số PCI đòi hỏi phải có sự vào cuộc của không chỉ các sở, ban, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị – xã hội mà còn đòi hỏi bản thân các doanh nghiệp cũng phải vào cuộc. Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần rà soát, đối chiếu mức độ đạt được trong việc nâng cao chỉ số PCI để qua đó xây dựng các giải pháp cải thiện. Chính quyền địa phương sẽ rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách thu hút, ưu đãi đầu tư. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý Nhà nước; tiếp tục nâng cấp Cổng thông tin điện tử của tỉnh, nâng cao hiệu quả hoạt động Website của các sở, ban, ngành để cung cấp thông tin cho doanh nghiệp. Hàng tháng tiến hành đối thoại giữa lãnh đạo chính quyền các cấp với các doanh nghiệp. Về phía các doanh nghiệp cũng cần phải chủ động nâng cao trình độ lao động, cải tiến khoa học công nghệ, phương thức sản xuất để phù hợp với tình hình mới.

         Các ngành, các cấp gắn với trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong phát triển kinh tế xã hội. Tăng cường tuyên truyền  chủ trương, chính sách của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và phát triển doanh nghiệp, tạo môi trường ổn định, thuận lợi,  xây dựng hình ảnh phát triển của tỉnh và đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư.

        Thứ tư, Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, trong đó chỉ rõ các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số thành phần trong chỉ số PCI của tỉnh, khắc phục những yếu kém trong môi trường kinh doanh cấp tỉnh, tạo động lực cho thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế giai đoạn tiếp theo.

        Rà soát, nâng cao chất lượng phục vụ doanh nghiệp trong đăng ký kinh doanh, giảm phiền hà cho doanh nghiệp, giải quyết kịp thời vướng mắc cho doanh nghiệp, đồng thời quản lý tốt hơn doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh; xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp. Tổ chức gặp mặt đối thoại với các doanh nghiệp;  cam kết, nhất quán và định hướng dài hạn trong môi trường đầu tư của doanh nghiệp; Rà soát, nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Hội doanh nghiệp; triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Tiếp tục nâng cao tính công khai, minh bạch, hoàn thiện và công bố công khai quy hoạch;  thực hiện tốt việc hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác khảo sát địa điểm, cung cấp thông tin quy hoạch, giải quyết các thủ tục đầu tư xây dựng.

        Đẩy mạnh thực hiện kế hoạch cải cách thủ tục hành chính, chỉ đạo việc công khai dữ liệu thủ tục hành chính của từng ngành, thực hiện tốt mô hình một cửa liên thông hiện đại. Nâng cao chất lượng của cổng thông tin điện tử tỉnh và các website tại các sở, ban, ngành; Đẩy mạnh ứng dụng, nâng cao chất lượng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001-2008.  Triển khai đề án về đào tạo nhân lực chất lượng cao, nâng cao chất lượng đào tạo của các trường, trung tâm dạy nghề; kết nối hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác đào tạo và tuyển dụng lao động. Nâng cao chất lượng trong việc hỗ trợ và tư vấn pháp lý, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp; tăng cường sự phối hợp của các ngành, các cấp trong việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp.

          Chúng ta tin tưởng rằng với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, Lãnh đạo các Sở, Ban ngành, các tổ chức Đoàn thể - Chính trị Xã hội và cộng đồng các Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum khắc phục những hạn chế, phát huy nhân rộng những kết quả đạt được đồng thời triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 19/NQ-CP, ngày 18/3/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thì chỉ số PCI tỉnh Kon Tum sẽ thuộc nhóm khá trong bảng xếp hạng toàn quốc trong những năm tới./.

Th.s Võ Văn Manh - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đàu tư tỉnh Kon Tum
Số lượt xem:76

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ TỈNH KON TUM
Quản lý và nhập tin: Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum, số 12 Nguyễn Viết Xuân, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum.
Người chịu trách nhiệm chính: Ngô Việt Thành, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum.
Điện thoại: 02603.862710; Fax: 0603.864253; Email: skhdt@kontum.gov.vn, sokehoachdautu-kontum@chinhphu.vn.

Chung nhan Tin Nhiem Mang
5126891 Tổng số người truy cập: 4556 Số người online:
TNC Phát triển: