Ngày 26 tháng 8 năm 2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành Quyết định số 538/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án phát triển đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 với những nội dung chủ yếu sau:
1. Quan điểm
Phát triển đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch của tỉnh Kon Tum đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 có giá trị cao, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của điểm đến du lịch Kon Tum trên cơ sở đảm bảo các nguyên tắc sau:
- Phát huy tối đa các lợi thế tiềm năng về tự nhiên và văn hóa; hài hòa trong xây dựng, phát triển loại hình, sản phẩm du lịch. Phát huy tính trải nghiệm, tăng tính hấp dẫn đáp ứng nhu cầu đa dạng của các thị trường khách du lịch trong từng loại hình, sản phẩm.
- Phát triển loại hình, sản phẩm theo lộ trình, có tính ưu tiên, bảo đảm tính khả thi, cân đối giữa cung và cầu trong du lịch; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; phát huy tính đặc trưng các sản phẩm du lịch của tỉnh Kon Tum.
- Sử dụng hợp lý hiệu quả tài nguyên du lịch theo hướng bền vững. Bảo tồn, phát triển tài nguyên du lịch và môi trường, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
2. Mục tiêu phát triển
a) Đến năm 2025:
- Tập trung hình thành các chuỗi sản phẩm du lịch đa dạng và có tính hệ thống; định vị rõ nét hình ảnh các dòng sản phẩm du lịch của tỉnh, trong đó chú trọng phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, và du lịch văn hóa - lịch sử.
- Tập trung đầu tư phát triển Khu Du lịch Măng Đen và Vườn Quốc gia Chư Mom Ray tạo điểm nhấn quan trọng, làm nền tảng phát triển các sản phẩm du lịch của tỉnh.
b) Đến năm 2030:
- Tập trung xác định hệ thống các loại hình, sản phẩm du lịch chủ lự c, nâng cao năng lự c cạnh tranh thông qua sự khác biệt và chất lượng dịch vụ; hoàn thiện và phát triển bền vững 5 sản phẩm du lịch chính trên cơ sở kế thừa, phát huy và hoàn chỉnh các sản phẩm du lịch đã hình thành từ giai đoạn 2011-2020, gồm: (1) Du lịch sinh thái; (2) Du lịch văn hóa - lịch sử; (3) Du lịch nghỉ dưỡng; (4) Du lịch cộng đồng (Trải nghiệm hòa vào cuộc sống người bản địa); (5) Du lịch chuyên đề (Thể thao; hội thảo, hội nghị, ẩm thực, teambuilding… và phát triển một số sản phẩm du lịch mới) với hạ tầng dịch vụ đồng bộ, hiện đại và chuyên nghiệp.
- Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và an ninh quốc phòng.
Chi tiết tại văn bản đính kèm theo./.