Chiều 02/8, tại tỉnh Đắk Lắk, Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) tổ chức Hội nghị trực tuyến với các tỉnh Tây Nguyên về tình hình triển khai thực hiện các chương trình MTQG và Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18/01/2024 của Quốc hội khóa XV trong 7 tháng đầu năm 2024; giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì hội nghị.
Thay mặt UBND tỉnh Kon Tum, đồng chí Nguyễn Ngọc Sâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tham dự trực tiếp tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk. Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kon Tum, có đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị là thành viên Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, NSTW năm 2024 hỗ trợ thực hiện 3 chương trình MTQG Vùng Tây Nguyên là 5,542,965 tỷ đồng. Đến nay, các địa phương trong vùng đã giao trên 3,200 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, đạt tỷ lệ 99% kể hoạch, phân bố chi tiết dự toán vốn sự nghiệp đạt tỷ lệ 100% dự toán cho các đơn vị câp trực thuộc.
Ngoài ra, các địa phương đã bố trí đối ứng NSĐP để thực hiện 3 chương trình MTQG với tổng số khoảng 1,574 tỷ đồng, trong đó các tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng bố trí trên 300 tỷ đồng nguồn ngân sách địa phương để thực hiện các chương trình. Đến 30/6, giải ngân vốn đầu tư công tại các tỉnh vùng Tây Nguyên ước đạt khoảng 1,532 tỷ đồng; đối với vốn sự nghiệp, giải ngân ước đạt 95 tỷ đồng, đạt 4,4% dự toán, thấp hơn so với giải ngân vốn sự nghiệp của cả nước (5%).
Đến nay, khu vực Tây Nguyên có khoảng 373 xã có quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt khoảng 16 tiêu chí/xã; có 10 đơn vị cấp huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/ đạt chuẩn nông thôn mới; ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2024 tại các tỉnh vùng Tây Nguyên giảm từ 3-4% so với năm 2023.
Hiện nay có 4 nhóm mục tiêu thuộc chương trình MTQG cơ bản hoàn thành tại vùng Tây Nguyên, gồm: Mục tiêu về tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số bình quân đạt 3,4%; Nhóm mục tiêu về công tác giáo dục; Mục tiêu lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người đồng bào DTTS và đặc thù đồng bào DTTS và miền núi; Nhóm mục tiêu về bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Ngọc Sâm
phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum nêu những khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng tới kết quả thực hiện 3 chương trình MTQG tại địa phương, như: Khó khăn trong việc cân đối nguồn lực đối ứng, do kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách địa phương đã phân bổ hết từ năm 2021, các nguồn thu ngân sách hàng năm hạn chế; Khó khăn trong thực hiện cơ chế quay vòng một phần vốn hỗ trợ để luân chuyển trong cộng đồng thực hiện dự án, phương án phát triển sản xuất cộng đồng thuộc các Chương trình MTQG; Vướng mắc trong việc áp dụng các quy định quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững….
Đồng chí đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương sớm tham mưu cấp thẩm quyền tháo gỡ các vấn đề như: Có cơ chế phù hợp đối với các địa phương không thể cân đối đủ nguồn lực đối ứng thực hiện các chương trình, nhất là các tỉnh miền núi, khu vực khó khăn như vùng Tây Nguyên; Cho phép tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ cho đối tượng xã khu vực II, khu vực III sau khi các xã này đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; Các bộ, ngành Trung ương sớm rà soát, triển khai các nội dung có liên quan để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn sự nghiệp...
Tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên; các bộ, ngành liên quan đã trao đổi các ý kiến, kiến nghị các giải pháp để tìm ra hướng tháo gỡ khó khăn, phát huy hiệu quả trong thực hiện các Chương trình MTQG trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho rằng việc triển khai 3 chương trình MTQG còn rất nhiều vướng mắc nên tiến độ thực hiện của vùng Tây Nguyên còn thấp; vì vậy các tỉnh phải xem đó là một việc làm nhân văn, giúp cho người dân các vùng khó khăn có cuộc sống tốt hơn nên phải làm hết trách nhiệm, tích cực, quyết liệt hơn nữa trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương phải cố gắng giải ngân theo kế hoạch vốn được giao; khẩn trương làm ngay những việc có thể làm và học tập kinh nghiệm ở các địa phương đã làm tốt; các tỉnh vùng Tây Nguyên gửi các ý kiến, kiến nghị tại hội nghị bằng văn bản đến Văn phòng Chính phủ để tổng hợp gửi các bộ, ngành xử lý...
Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum./.