banner
Thứ 3, ngày 24 tháng 12 năm 2024
Công điện về tập trung phòng, chống, giảm thiệt hại do mưa lớn và nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh Kon Tum
15-8-2023

Để chủ động phòng, chống, ứng phó mưa lớn, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân, ngày 11/8/2023 Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Công điện số 01/CĐ-UBND yêu cầu:

1. Các sở, ban ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Kon Tum và các đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện số 732/CĐ-TTg ngày 08 tháng 8 năm 2023 và Công điện số 607/CĐ-TTg ngày 01 tháng 7 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về chủ động phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân trước và trong mùa mưa lũ; Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 02 tháng 8 năm 2018 và Công văn số 2355/UBND-NNTN ngày 21 tháng 7 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh; theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết; nắm chắc tình hình, chủ động triển khai các biện pháp cần thiết theo thẩm quyền, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương để kiểm soát, giảm thiệt hại do sạt lở đất, lũ quét, sạt lở bờ sông; có kế hoạch, phương án dự trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu sẵn sàng ứng phó khi thiên tai xảy ra; kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền chỉ đạo xử lý đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Tiếp tục tổ chức rà soát kỹ, phát hiện kịp thời các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét, nhất là các khu vực có dân cư, trường học, công sở, doanh trại, nhà máy, xí nghiệp,...; thực hiện ngay một số giải pháp cấp bách: Đối với các khu vực đã phát hiện có nguy cơ sạt lở, lũ quét phải kiên quyết di dời người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc có phương án chủ động bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ; tổ chức hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm, chỗ ở theo quy định để ổn định đời sống cho các hộ bị mất nhà do sạt lở, lũ quét hoặc phải di dời để phòng, tránh sạt lở, lũ quét, không để người dân thiếu đói, không có chỗ ở.

- Chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhận biết về dấu hiệu, nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét để huy động sức mạnh của Nhân dân trong việc phát hiện, thông báo các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét; hướng dẫn kỹ năng để người dân chủ động ứng phó khi có sự cố, hạn chế thiệt hại, đặc biệt cần chú ý có hình thức tuyên truyền, hướng dẫn phù hợp, kịp thời đối với người dân ở thôn, làng vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

- Về lâu dài, tăng cường kiểm soát chặt chẽ công tác quy hoạch xây dựng và hoạt động xây dựng, nhất là việc xây dựng nhà cửa, công trình ở khu vực địa hình sườn dốc, ven sông, suối, vùng có nguy cơ xảy ra tai biến địa chất; phối hợp với các đơn vị chức năng, tăng cường kiểm tra, nghiêm cấm và xử lý nghiêm việc chặt phá rừng, nhất là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; tổ chức rà soát, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm, triệt để các trường hợp vi phạm các quy định về quản lý sử dụng đất; quản lý, bảo vệ rừng; hoạt động xây dựng (nhất là hoạt động xây dựng trái phép trên đất rừng phòng hộ, đặc dụng); khai thác, tập kết khoáng sản trái phép theo đúng quy định của pháp luật để giảm nguy cơ rủi ro thiên tai, hạn chế xảy ra sạt lở, lũ quét, ngập úng.

- Tổ chức rà soát, chỉ đạo xây dựng dự án, báo cáo cấp thẩm quyền bố trí và huy động nguồn lực để thực hiện các dự án mang tính căn cơ, bài bản, bền vững nhằm phòng, chống sạt lở, chủ động di dời dân cư ra khỏi vùng nguy hiểm do thiên tai, nhất là khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh và pháp luật nếu thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo dẫn tới thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng và tài sản của Nhân dân.

3. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ và sơ tán dân khi có thiên tai xảy ra, hỗ trợ chi viện khi có yêu cầu; rà soát, bổ sung phương án, kế hoạch phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các đơn vị, ứng phó kịp thời, đồng bộ với mọi tình huống thiên tai, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản; đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan thường trực về phòng chống thiên tai) theo chức năng, nhiệm vụ được giao:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Kon Tum theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành và thực hiện đúng quy trình vận hành các hồ chứa và liên hồ chứa; phương án phòng, chống lũ bão đảm bảo an toàn đập và vùng hạ du các công trình thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo các đơn vị thi công các công trình thủy lợi có phương án đảm bảo an toàn cho công trình trong mùa mưa lũ.

- Phối hợp với các đơn vị, địa phương tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; nghiêm cấm và xử lý nghiêm việc chặt phá rừng, nhất là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và các hoạt động xây dựng trái phép trên đất rừng phòng hộ, đặc dụng; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp theo đúng quy định.

5. Sở Xây dựng theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi, tăng cường kiểm soát chặt chẽ công tác quy hoạch xây dựng và hoạt động xây dựng, nhất là việc xây dựng nhà cửa, công trình ở khu vực địa hình sườn dốc, ven sông, suối, vùng có nguy cơ xảy ra tai biến địa chất; hoạt động xây dựng trái phép trên đất rừng phòng hộ, đặc dụng; tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các quy định pháp luật về xây dựng nhằm nâng cao trách nhiệm công tác quản lý nhà nước và ý thức, nhận thức của Nhân dân về chấp hành pháp luật; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các chủ đầu tư và nhà thầu chủ động xây dựng phương án thi công an toàn, nhất là trong điều kiện mưa bão đối với các công trường, dự án xây dựng trọng điểm, thi công gần khu dân cư.

6. Sở Giao thông vận tải tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện số 25/CĐ-BGTVT ngày 06 tháng 8 năm 2023 của Bộ Giao thông vận tải về việc tập trung ứng phó mưa lũ, sạt lở đất tại khu vực Bắc Bộ và Tây Nguyên; kiểm tra, rà soát lực lượng, vật tư phương tiện, triển khai các phương án đảm bảo an toàn giao thông trong trường hợp xảy ra mưa bão lớn và lũ, lụt kéo dài.

7. Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh và các đơn vị, địa phương liên quan triển khai biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh khi có thiên tai gây ra; lồng ghép, tuyên truyền, phổ biến các biện pháp ứng phó thiên tai, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, hiểu biết cho học sinh.

8. Sở Tài nguyên và Môi trường theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với các đơn vị, địa phương tăng cường kiểm tra, quản lý cấp phép, khai thác tài nguyên, khoáng sản, đặc biệt là khai thác cát, sỏi lòng sông, tránh gây sạt lở, tăng rủi ro thiên tai; kiểm tra các hoạt động khai thác, tập kết khoáng sản trái phép theo đúng quy định của pháp luật để giảm nguy cơ rủi ro thiên tai, hạn chế xảy ra sạt lở, lũ quét, ngập úng; tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý tài nguyên, khoáng sản luật để nâng cao nhận thức trong bảo vệ, sử dụng tiết kiệm, hợp lý và hiệu quả hoạt động khai thác khoáng sản.

9. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao làm tốt công tác thông tin, truyền thông về phòng, chống thiên tai, phổ biến kiến thức, hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó thiên tai cho Nhân dân để chủ động phòng tránh.

10. Công ty Điện lực Kon Tum tăng cường kiểm tra hệ thống truyền tải, thiết bị điện, trạm biến thế, công trình điện lực; có kế hoạch tổ chức kiểm tra, khắc phục nhanh chóng sự cố đường dây tải điện bị hư hỏng, đảm bảo cung cấp điện ổn định, liên tục và an toàn.

11. Đài khí tượng thủy văn tỉnh Kon Tum theo dõi sát diễn biến thời tiết, khí tượng thủy văn; cung cấp kịp thời các thông tin, diễn biến của cơn bão, mưa lũ để các đơn vị, địa phương liên quan và Nhân dân biết, chủ động phòng, tránh kịp thời.

12. Các chủ đập thủy lợi, thủy điện thực hiện nghiêm quy định về quản lý an toàn đập, quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa; thường xuyên theo dõi, kiểm tra đập, hồ chứa nước trước, trong và sau mùa mưa lũ nhằm phát hiện sớm những nguy cơ gây mất an toàn công trình; phối hợp với các địa phương kiểm tra xác định vùng có nguy cơ ngập lụt trong mùa mưa lũ, thông báo, di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

13. Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh theo dõi sát diễn biến thời tiết, khí hậu, mưa bão lũ; chủ động phối hợp với các địa phương và các đơn vị liên quan, tổng hợp tình hình thiệt hại do thiên tai, báo cáo đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán theo quy định.

 

Chi đoàn thanh niên
Số lượt xem:246

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ TỈNH KON TUM
Quản lý và nhập tin: Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum, số 12 Nguyễn Viết Xuân, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum.
Người chịu trách nhiệm chính: Ngô Việt Thành, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum.
Điện thoại: 02603.862710; Fax: 0603.864253; Email: skhdt@kontum.gov.vn, sokehoachdautu-kontum@chinhphu.vn.

Chung nhan Tin Nhiem Mang
5491357 Tổng số người truy cập: 5387 Số người online:
TNC Phát triển: