Theo đó, để tạo nền tảng, cơ sở vững chắc cho việc xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới và xây dựng các thôn (làng) ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển đồng bộ và bền vững, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có từ 50% trở lên số thôn (làng) vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn thôn nông thôn mới.
Để thực hiện mục tiêu trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu:
1. Các cơ quan tham mưu giúp việc Tỉnh ủy, các ban cán sự đảng, đảng đoàn, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn
- Thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền, cụ thể hóa và triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, đảm bảo sát hợp với đặc điểm, tình hình ở địa phương mình. Phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự tham gia của các đoàn thể chính trị-xã hội ở cơ sở; có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng, cụ thể, gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả hoàn thành nhiệm vụ được giao.
- Nâng cao ý thức, nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân đối với công tác xây dựng thôn (làng) nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, khơi dậy ý chí chủ động, tự lực vươn lên, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước và xã hội; xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
2. Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh
- Xây dựng, ban hành tiêu chí thôn (làng) nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với bộ tiêu chí Thôn nông thôn mới; xác định rõ lộ trình và giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện đạt hiệu quả. Lựa chọn 01 thôn (làng) đồng bào dân tộc thiểu số để làm điểm cấp tỉnh về xây dựng nông thôn mới để rút kinh nghiệm và triển khai ra diện rộng.
- Nghiên cứu phân bổ, bố trí nguồn lực phù hợp theo phân cấp và khả năng để hỗ trợ các huyện, thành phố xây dựng các thôn (làng) vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới theo kế hoạch.
- Chỉ đạo tăng cường theo dõi, hướng dẫn, giúp đỡ các địa phương triển khai các tiêu chí xây dựng thôn (làng) vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới, kịp thời giải quyết hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền tháo gỡ, giải quyết các khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tham gia đổ bê tông đường giao thông nông thôn tại xã Pờ Ê, Kon Plông
3. Các huyện ủy, thành ủy
- Mỗi huyện, thành phố lựa chọn 01 thôn (làng) và chỉ đạo mỗi xã chọn 01 thôn (làng) làm điểm xây dựng nông thôn mới ở cấp mình để rút kinh nghiệm và triển khai ra diện rộng.
- Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở trong công tác xây dựng thôn (làng) nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên. Phát huy vai trò của chi bộ, ban công tác mặt trận, các đoàn thể thôn, già làng, người có uy tín, cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn trong công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn và gương mẫu thực hiện các tiêu chí xây dựng thôn (làng) nông thôn mới tại địa phương.
- Hằng năm tiến hành rà soát, đánh giá đúng thực trạng, trên cơ sở đó xây dựng mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp cụ thể, chi tiết xây dựng thôn (làng) nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Huy động, lồng ghép, cân đối, bố trí, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình, dự án trên cùng một địa bàn để tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới; chú trọng các dự án phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân như nước sạch, thủy lợi, giao thông nông thôn, dịch vụ viễn thông, cơ sở giáo dục, y tế...; khuyến khích xã hội hóa theo phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm.
- Thực hiện tốt việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, gắn với bố trí, sắp xếp dân cư phù hợp. Rà soát, có phương án chuyển đổi một số cây trồng, vật nuôi để mang lại giá trị kinh tế cao hơn. Đẩy mạnh thành lập và phát triển hợp tác xã kiểu mới; rà soát, đánh giá và định hướng, quản lý các hợp tác xã hiện có trên địa bàn đảm bảo hoạt động đúng quy định của pháp luật và có hiệu quả thực chất. Thực hiện có hiệu quả Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên cơ sở khai thác các sản phẩm truyền thống, đặc trưng của địa phương; tăng cường xúc tiến, quảng bá sản phẩm, kết nối cung - cầu, đảm bảo thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm OCOP.
- Tăng cường mối gắn kết trong cộng đồng dân cư, giữa các thôn (làng) để hỗ trợ nhau phát triển sản xuất; kịp thời giải quyết các mâu thuẫn phát sinh, không để trở thành vụ việc phức tạp, kéo dài gây mất an ninh nông thôn trên địa bàn.
- Chú trọng xây dựng các thiết chế văn hóa và phục dựng, bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trong quá trình xây dựng nông thôn mới, đảm bảo mỗi thôn (làng) có bản sắc đặc trưng riêng, hướng tới phát triển du lịch cộng đồng ở nơi có điều kiện.
- Tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm đảm bảo theo đúng quy trình, chính xác, dân chủ, công khai, minh bạch, công bằng và đúng quy định. Thực hiện tốt việc phân loại hộ nghèo theo từng nhóm nguyên nhân để có giải pháp hỗ trợ phù hợp hoặc đề xuất các chính sách, cơ chế ưu tiên cho nhóm đối tượng hộ nghèo. Tăng cường hỗ trợ đào tạo nghề gắn với tạo việc làm.
- Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ngân hàng chính sách xã hội. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn Nhân dân mạnh dạn vay vốn ngân hàng chính sách xã hội và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay để phát triển kinh tế.
4. Các Đảng ủy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh lãnh đạo thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là triển khai có hiệu quả phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" tại các thôn (làng) vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn cấp ủy, chính quyền cơ sở thực hiện tốt công tác xây dựng thôn (làng), khu dân cư an toàn về an ninh trật tự.
5. Đảng đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn chỉ đạo tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội ở cơ sở; triển khai thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững", gắn với thực hiện phong trào thi đua “Kon Tum chung sức xây dựng nông thôn mới”. Trong đó, tập trung tuyên truyền, vận động làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất và cuộc sống của các hộ gia đình nghèo để vươn lên khá giả, từ bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp, xây dựng cảnh quan môi trường khu dân cư xanh, sạch, đẹp, xây dựng đời sống văn hóa trong cộng đồng dân cư... Đồng thời, tăng cường các hoạt động giám sát và phản biện xã hội trong xây dựng thôn (làng) nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
6. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tăng cường định hướng, chỉ đạo Báo Kon Tum, Đài Phát thanh -Truyền hình tỉnh và các cơ quan thông tấn báo chí của tỉnh xây dựng các chuyên mục, chuyên đề tuyên truyền thường xuyên, sâu rộng, thiết thực, hiệu quả về xây dựng thôn (làng) nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Chi tiết Chỉ thị tại file đính kèm.