I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu và định hướng phát triển lâm nghiệp bền vững, xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp và phân công cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, các địa phương để tổ chức triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 25 tháng 11 năm 2021 của Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững đến 2025 và định hướng đến 2030 trên địa bàn tỉnh Kon Tum (Sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 06-NQ/TU).
2. Yêu cầu
- Việc xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch phải đảm bảo đầy đủ nội dung, các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển lâm nghiệp bền vững đến 2025 và định hướng đến 2030 của Nghị quyết số 06-NQ/TU đến các cơ quan, đơn vị, các tổ chức liên quan.
- Trên cơ sở nội dung các quan điểm, mục tiêu và định hướng phát triển lâm nghiệp bền vững của Nghị quyết 06-NQ/TU và Kế hoạch này, các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 06-NQ/TU thuộc phạm vi quản lý.
- Tổ chức thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU và Kế hoạch này phải đúng theo các quy định của pháp luật hiện hành, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động sản xuất lâm nghiệp.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
- Quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng bền vững; đảm bảo có sự tham gia rộng rãi của các thành phần kinh tế và tổ chức xã hội vào phát triển lâm nghiệp nhằm đóng góp ngày càng tăng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và cung cấp các dịch vụ môi trường, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người dân nông thôn, miền núi và giữ vững an ninh quốc phòng.
- Phát triển lâm nghiệp của tỉnh thành ngành kinh tế - kỹ thuật hiện đại, có đóng góp ngày càng cao cho tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh. Định hướng đến năm 2030, ngành lâm nghiệp của tỉnh giàu sức cạnh tranh, tạo ra sản phẩm và dịch vụ đa dạng, giá trị gia tăng cao, tham gia trong chuỗi cung ứng giá trị lâm sản quốc gia
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030
- Độ che phủ rừng đạt 64%.
- Trồng mới được 15.000 ha rừng tập trung và trồng 03 triệu cây phân tán; khoanh nuôi phục hồi rừng được ít nhất 7.300 ha; nuôi dưỡng làm giàu rừng được ít nhất 1.000 ha; diện tích rừng có trồng Sâm Ngọc Linh khoảng 4.500 ha; giải quyết được việc làm cho khoảng 23.000 lao động/năm.
- Bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, trọng tâm là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp; phấn đấu hằng năm giảm ít nhất 10% số vụ, khối lượng gỗ vi phạm, diện tích rừng bị mất so với năm trước.
- Đảm bảo 100% diện tích rừng có chủ quản lý thực sự theo quy định của Luật Lâm nghiệp; cho thuê đất, thuê rừng để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội với diện tích khoảng 50.000 ha.
- Khai thác, sử dụng hiệu quả rừng trồng nguyên liệu và rừng trồng cao su, giai đoạn 2021 - 2025 khai thác và chế biến 520.000m3 gỗ từ rừng trồng, gỗ cao su thành các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, tiến tới chấm dứt xuất gỗ nguyên liệu thô.
- Ngành công nghiệp chế biến gỗ của tỉnh cơ bản hiện đại, đủ năng lực về công nghệ tham gia hội nhập thị trường trong nước và quốc tế, xây dựng được ít nhất 01 nhà máy chế biến gỗ công suất trên 50.000m3/năm.
- Huy động tối đa các nguồn lực để tập trung phát triển ngành kinh tế lâm nghiệp, giai đoạn 2021-2025 huy động khoảng 1.500 tỷ đồng, đóng góp của ngành lâm nghiệp vào tổng giá trị GRDP của tỉnh đến năm 2025 đạt khoảng 7%.
- Đến năm 2030 duy trì độ che phủ rừng đạt 64%, tập trung nâng cao chất lượng rừng; phấn đấu hình thành vùng rừng trồng nguyên liệu tập trung có chất lượng đáp ứng nhu cầu cho công nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh; công nghiệp chế biến gỗ trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn, đến năm 2030 có ít nhất 03 nhà máy chế biến gỗ với công suất 200.000m3/năm; khai thác, chế biến khoảng 1 triệu m3 gỗ rừng trồng; phấn đấu đóng góp của ngành lâm nghiệp vào tổng giá trị GRDP của tỉnh đến năm 2030 đạt khoảng 10%.
Ủy ban nhân dân tỉnh xác định 06 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện:
1. Tuyên truyền, vận động thực hiện chủ trương phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững
2. Nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp, các ngành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong công tác phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững
3. Nâng cao hiệu quả thực hiện các cơ chế, chính sách về lâm nghiệp
4. Tập trung phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng bền vững
5. Bố trí, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển ngành lâm nghiệp
6. Tổ chức giám sát và đánh giá hoạt động phát triển lâm nghiệp
Tại Kế hoạch số 443/KH-UBND ngày 17/02/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tham mưu thực hiện 04 nhiệm vụ:
1. Tập trung thu hút đầu tư trong lĩnh vực kinh tế lâm nghiệp, nhất là thu hút các mô hình nông - lâm kết hợp, trồng rừng, trồng dược liệu dưới tán rừng, đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến gỗ, phát triển du lịch sinh thái. Đến năm 2030 hình thành được Khu sản xuất lâm nghiệp công nghệ cao với quy mô khoảng 200 ha.
2. Lồng ghép, bố trí, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ đầu tư cho ngành lâm nghiệp.
3. Tăng cường xã hội hóa, vận động, huy động các nguồn đầu tư, tài trợ, đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước vào lĩnh vực lâm nghiệp.
4. Xây dựng, triển khai hiệu quả quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Chi tiết Kế hoạch tại file đính kèm.