Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kon Tum, có đồng chí Nguyễn Ngọc Sâm - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các cơ quan liên quan của tỉnh; lãnh đạo cơ quan và các phòng, đơn vị thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Theo báo cáo tại hội nghị, 6 tháng đầu năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao; phần lớn các đề án, phương án, kiến nghị của Bộ đã được cấp có thẩm quyền thông qua; đồng thời Bộ đã theo dõi sát sao và thường xuyên phân tích, dự báo tình hình để kịp thời đề xuất các giải pháp tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong điều hành phát triển KTXH; các giải pháp, chiến lược chỉ đạo, điều hành, quy hoạch, kế hoạch phát triển KTXH, đầu tư công, bảo đảm các cân đối vĩ mô, các mục tiêu kế hoạch… do Bộ tham mưu đều được các cấp có thẩm quyền đánh giá cao; Bộ đã kịp thời triển khai danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (KTXH); môi trường đầu tư kinh doanh có sự cải thiện tích cực, các doanh nghiệp, các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã trong cả nước phát triển mạnh mẽ, sáng tạo.
Bên cạnh đó, công tác quy hoạch được đẩy nhanh tiến độ, Bộ đã chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đã thẩm định xong quy hoạch tỉnh của 44/63 tỉnh, trong đó 10/63 quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Bộ đã hoàn tất xử lý 166/177 kiến nghị, đề xuất của địa phương, bộ, ngành, đạt 94%, được Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao trong việc quyết liệt, nỗ lực, cố gắng trong rà soát, giải quyết, hướng dẫn, trả lời các kiến nghị, đề xuất được gửi đến; từng bước tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, góp phần thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH của địa phương, bộ, ngành và cả nước.
Tại hội nghị, đại diện các đơn vị, địa phương đã tham luận trao đổi một số kết quả nổi bật đã đạt được, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ ngành kế hoạch và đầu tư; đồng thời đề xuất, kiến nghị các giải pháp tháo gỡ trong thời gian đến.
Về nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như: Tiếp tục cụ thể hóa, triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng XIII và các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển kinh tế tư nhân, định hướng thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển kinh tế tuần hoàn. Tổ chức thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Không ngừng đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành, bám sát tình hình kinh tế thế giới và trong nước để kịp thời tham mưu giải pháp, chính sách phù hợp nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển KTXH đã đề ra.
Tiếp tục rà soát cơ chế chính sách để tham mưu điều chỉnh, xử lý kịp thời những vấn đề thực tiễn đặt ra trong quản lý đầu tư công, rà soát, sửa đổi theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân công, phân nhiệm bảo đảm quản lý thống nhất, hiệu lực, hiệu quả hoạt động, thúc đẩy giải ngân đầu tư công.
Chủ trì tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện các mục tiêu dài hạn về cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Tập trung tháo gỡ các rào cản để thúc đẩy phát triển KTXH, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và hỗ trợ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước cho phát triển kinh tế.
Tăng cường nghiên cứu, cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư khi gia nhập và hoạt động trên thị trường theo quy định của pháp luật; theo dõi sát tình hình, tháo gỡ kịp thời các khó khăn trong sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Tổ chức đánh giá giữa kỳ đối với các nội dung như: việc thực hiện Đề án thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2021 - 2025; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021 – 2025,...
Triển khai thực hiện đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng đối với các đề án, nhiệm vụ được giao, trong đó, tập trung vào một số đề án, nhiệm vụ trọng tâm như: Báo cáo điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Đề án tăng cường năng lực thống kê quốc gia; Xây dựng Quy hoạch 05 vùng...