banner
Thứ 6, ngày 22 tháng 11 năm 2024
Quốc hội thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các CTMTQG
18-1-2024
Sáng 18/01, tại Phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia với tỉ lệ tán thành cao. Đáng chú ý, 8 cơ chế, chính sách đặc thù được nêu rõ trong Nghị quyết này để tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia thời gian qua và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình này trong thời gian tới.

Sau khi nghe Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết này.
Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 455 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 92,29%). Như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Theo đó, Nghị quyết này quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (sau đây viết tắt là các chương trình mục tiêu quốc gia).
Nghị quyết này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Đáng chú ý, Nghị quyết nêu rõ 8 cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia được quy định tại Điều 4.

Với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 92,29%), Quốc hội đã chính thức thông qua
Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
(1) Về phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm, Quốc hội quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm cho từng địa phương theo tổng mức kinh phí từng chương trình mục tiêu quốc gia; Thủ tướng Chính phủ giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm cho từng địa phương theo tổng kinh phí chi thường xuyên từng chương trình mục tiêu quốc gia; Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định hoặc phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp huyện phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm của từng chương trình mục tiêu quốc gia chi tiết đến dự án thành phần.
(2) Về điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn hằng năm, Nghị quyết quyết nghị Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước 2024 (chi thường xuyên) và dự toán ngân sách nhà nước chưa giải ngân hết trong năm 2023 (bao gồm chi đầu tư, chi thường xuyên được chuyển nguồn từ các năm trước sang năm 2023) của các chương trình mục tiêu quốc gia đã được chuyển sang năm 2024 theo quy định tại các Nghị quyết số 104/2023/QH15 ngày 10 tháng 11 năm 2023 và Nghị quyết số 108/2023/QH15 ngày 29 tháng 11 năm 2023 của Quốc hội;
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, theo thẩm quyền phân cấp, quyết định việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước của các chương trình mục tiêu quốc gia chưa giải ngân hết trong năm 2023 đã được kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân sang năm 2024 theo quy định tại các Nghị quyết số 104/2023/QH15 ngày 10 tháng 11 năm 2023 và Nghị quyết số 108/2023/QH15 ngày 29 tháng 11 năm 2023 của Quốc hội.
(3) Về ban hành quy định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất, Nghị quyết nêu rõ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được quyết định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất trong thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc nội dung của chương trình mục tiêu quốc gia trong trường hợp Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chưa ban hành quy định về các nội dung này;
Trường hợp cần sửa đổi, bổ sung trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trước khi quyết định sửa đổi, bổ sung và báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp tại kỳ họp gần nhất.
(4) Về sử dụng ngân sách nhà nước trong trường hợp giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa, dịch vụ để thực hiện dự án phát triển sản xuất, Nghị quyết cũng quyết nghị chủ dự án phát triển sản xuất quyết định mua sắm hàng hóa, dịch vụ trong nội dung của dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện dự án phát triển sản xuất. Căn cứ quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, cơ quan quản lý dự án thanh toán tiền hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho chủ dự án thực hiện việc mua sắm hàng hóa, dịch vụ.
(5) Về quản lý, sử dụng tài sản hình thành trong dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, Nghị quyết quy định tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất không áp dụng quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công trong trường hợp sau:
- Tài sản có giá trị dưới 500 triệu đồng, có vốn hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần từ ngân sách nhà nước;
- Tài sản hỗ trợ cho cộng đồng người dân tham gia thực hiện dự án;
- Tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên, có vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước không quá 20% giá trị tài sản.
Cơ quan quản lý dự án hỗ trợ phát triển sản xuất có trách nhiệm theo dõi, giám sát việc quản lý, sử dụng tài sản trong quá trình thực hiện dự án.
(6) Về ủy thác vốn cân đối của ngân sách địa phương qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội, Nghị quyết nêu rõ, căn cứ khả năng cân đối ngân sách, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện được quyết định việc bố trí vốn ngân sách cân đối của địa phương, bao gồm vốn đầu tư công, vốn đầu tư phát triển khác, kinh phí thường xuyên, giao Ủy ban nhân dân cùng cấp ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội tại địa phương để hỗ trợ thực hiện một số hoạt động sau đây của các chương trình mục tiêu quốc gia: phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, ổn định sinh kế, hỗ trợ cải thiện nhà ở; phát triển các sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm; duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống; phát triển du lịch nông thôn.
Đối tượng được hỗ trợ vay vốn ưu đãi bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng nông thôn, huyện nghèo; cá nhân người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình, người lao động tại địa bàn thuộc phạm vi thực hiện của các chương trình mục tiêu quốc gia.
(7) Về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2024-2025, Nghị quyết quy định Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được quyết định lựa chọn không quá hai (02) huyện thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao mục tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu cụ thể đối với từng chương trình mục tiêu quốc gia cho huyện được lựa chọn thí điểm;
Hội đồng nhân dân cấp huyện được quyết định điều chỉnh phương án phân bổ vốn đầu tư công, kinh phí thường xuyên giữa các chương trình mục tiêu quốc gia trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm, dự toán ngân sách nhà nước hằng năm đã được cấp có thẩm quyền giao.
(8) Về giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, đầu tư vốn hằng năm đối với dự án đầu tư xây dựng có quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp, Nghị quyết nêu rõ, căn cứ danh mục dự kiến đã báo cáo Hội đồng nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cùng cấp giao kế hoạch đầu tư công trung hạn thực hiện các dự án đầu tư xây dựng quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp theo tổng vốn thực hiện các dự án; không bắt buộc giao tên danh mục dự án trong trung hạn;
Phân bổ, giao kế hoạch đầu tư vốn hằng năm thực hiện các dự án đầu tư xây dựng quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp chi tiết đến từng dự án theo nguyên tắc tổng vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước lũy kế đến thời điểm giao vốn không vượt quá tổng vốn thực hiện các dự án này trong kế hoạch trung hạn.
Liên quan đến tổ chức thực hiện, Nghị quyết quyết nghị Chính phủ có trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị quyết này; tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp đầu năm 2026 hoặc cùng thời điểm đề xuất chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2026 - 2030.
Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết này.
Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đại biểu Quốc hội giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày được Quốc hội thông qua cho đến khi Quốc hội có quy định khác./.
Phòng Kinh tế ngành
Số lượt xem:244

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ TỈNH KON TUM
Quản lý và nhập tin: Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum, số 12 Nguyễn Viết Xuân, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum.
Người chịu trách nhiệm chính: Ngô Việt Thành, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum.
Điện thoại: 02603.862710; Fax: 0603.864253; Email: skhdt@kontum.gov.vn, sokehoachdautu-kontum@chinhphu.vn.

Chung nhan Tin Nhiem Mang
5407044 Tổng số người truy cập: 5859 Số người online:
TNC Phát triển: