banner
Thứ 3, ngày 30 tháng 7 năm 2024
Thành tựu kinh tế - xã hội sau 25 năm tái lập tỉnh và những định hướng lớn trong thời gian tới
10-8-2016

Tháng 8 năm 1991, tỉnh Kon Tum chính thức được tái lập từ tỉnh Gia Lai-Kon Tum (cũ), mở ra một thời kỳ mới trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trải qua 25 năm phấn đấu liên tục không mệt mỏi, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức như xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng còn sơ khai, kém phát triển, thiên tai, bão lũ, hạn hán,….và sự biến động thất thường của thị trường thế giới, cũng như suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng kinh tế - xã hội của tỉnh Kon Tum đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được những thành tựu đáng khích lệ.

 Thành tựu nổi bật nhất về kinh tế của tỉnh là duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao và liên tục qua các năm, bình quân giai đoạn 1992-2015, kinh tế tăng trưởng với tốc độ 11,52%/năm. Đây là mức tăng trưởng cao so với khu vực Tây Nguyên và cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ trong GDP tăng dần và tỷ trọng nông lâm nghiệp giảm dần. Năm 1991, tỷ trọng nông lâm nghiệp là 67,3%; công nghiệp - xây dựng là 7,4%; thương mại - dịch vụ là 25,3%, thì đến năm 2015, tỷ trọng của các lĩnh vực trên tương ứng là: 34,72%; 27,17% và 38,11%. Thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng, năm 2015 đạt gần 1.555 USD, cao gấp 30,7 lần so với năm 1991. Thu ngân sách nhà nước tại địa bàn tăng cao qua các năm, năm 2015 đạt hơn 2.050 tỷ đồng. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt nhiều kết quả, nếu như năm 1991 vốn đầu tư xã hội chủ yếu là vốn ngân sách, thì năm 2015, vốn ngoài ngân sách  chiếm tỷ trọng 47,7%.

Là một tỉnh miền núi với cơ cấu nông lâm nghiệp là chủ yếu, trong những năm qua lĩnh vực nông lâm nghiệp của tỉnh có những chuyển biến rất tích cực; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 1992-2015 đạt 7,29%/năm. Khi mới tái lập tỉnh, ngành nông nghiệp của tỉnh chủ yếu là sản xuất theo hướng tự cung, tự cấp, tình trạng thiếu đói giáp hạt xảy ra thường xuyên và ở diện rộng. Tỉnh đã tăng cường khai hoang, cải tạo đồng ruộng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và áp dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất để tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi. Diện tích lúa đông xuân tăng từ 2.685 ha năm 1991 lên 7.586 ha năm 2015. Các loại cây hàng hóa gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ như: sắn, mía, cao su và cà phê được tiếp tục được mở rộng. Đến năm 2015, so với năm 1991: diện tích cao su của tỉnh đạt 74.776 ha, gấp 82,4 lần; diện tích cà phê của tỉnh đạt 15.265 ha, gấp 5 lần. Cây mía, cây sắn liên tục tăng cả về diện tích, năng suất và sản lượng. Nhiều loại cây trồng có lợi thế so sánh của tỉnh được quan tâm đầu tư, các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất được chú trọng và triển khai thực hiện đạt kết quả tích cực, đặc biệt là đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh, như: Rau, hoa, quả xứ lạnh, Sâm Ngọc Linh. Cùng với ngành trồng trọt, ngành chăn nuôi dần dần chuyển sang sản xuất hàng hóa, nhiều chương trình, dự án được đưa vào triển khai tại một số địa bàn; một số cơ sở sản xuất giống vật nuôi chất lượng cao đã được hình thành; chăn nuôi động vật hoang dã đã được một số tổ chức và cá nhân đưa vào thử nghiệm, bước đầu  đạt kết quả tốt, mở ra hướng đi mới cho phát triển kinh tế nông thôn. 

Thành tựu lớn nhất mà ngành lâm nghiệp đạt được trong những năm qua là vốn rừng được giữ vững và phát triển. Việc phát triển rừng có nhiều chuyển biến đáng kể, diện tích rừng trồng ngày càng tăng, góp phần duy trì độ che phủ rừng (đến năm 2015 đạt 62,4%), khả năng phòng hộ và cung cấp lâm sảntăng cường khả năng phòng hộ đầu nguồn cho các công trình thủy điện như: Ia ly, Sê San 3, Sê San 3A, Sê San 4, PleiKrông và một số thủy điện, thủy lợi khác.

Ngành thủy sản bước đầu phát triển, thông qua thực hiện một số chương trình, dự án nhằm khai thác tiềm năng lợi thế của các lòng hồ thủy điện, thủy lợi; Nghề nuôi cá lồng bè được mở rộng về quy mô; nuôi cá nước lạnh được quan tâm đầu tư phát triển, một số mô hình nuôi thủy sản có giá trị kinh tế, mang tính hàng hóa như: cá Tầm, cá Hồi ở Kon Plông; cá Bống tượng ở Đăk Tô, Ba Ba ở Sa Thầy, cá Lăng ở Đăk Hà, ...

Khi mới tái lập, cơ sở vật chất kỹ thuật ngành công nghiệp của tỉnh hết sức nghèo nàn, lạc hậu. Trải qua 25 năm, hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh đã có những thay đổi vượt bậc và góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 1991-2010 lĩnh vực công nghiệp-xây dựng đạt 25,05%/năm. Các ngành công nghiệp có lợi thế được quan tâm đầu tư (thủy điện, chế biến nông lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng…). Việc khôi phục, phát triển các làng nghề thủ công, mỹ nghệ truyền thống đã được chú trọng thực hiện. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh còn 41 vị trí công trình thuỷ điện vừa và nhỏ trong quy hoạch với tổng công suất 433 MW; hình thành 03 khu công nghiệp; đầu tư cơ sở hạ tầng và đưa vào hoạt động 10 cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề tiểu thủ công nghiệp.

Lĩnh vực thương mại - dịch vụ có sự phát triển tương đối khá, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 1992-2015 đạt 12,56%/năm. Thị trường nội địa trong 25 năm qua liên tục phát triển với tốc độ cao, chủng loại và cơ cấu hàng hóa ngày càng phong phú, đa dạng, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân trong tỉnh. Dịch vụ bưu chính, viễn thông, bảo hiểm, nhà hàng, khách sạn...có bước phát triển mạnh mẽ. Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh năm 2015 đạt 57 triệu USD, tăng gấp 52 lần so với năm 1991, các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu gồm: Cà phê, cao su, sắn lát khô, tinh bột sắn....Tỉnh đang quyết tâm xây dựng ngành du lịch phát triển nhanh và bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; các chương trình du lịch mang nét đặc trưng Kon Tum được khẩn trương xây dựng; vùng du lịch sinh thái Măng Đen đã được Thủ tướng Chính phủ đưa vào danh mục ưu tiên đầu tư hình thành vùng du lịch quốc gia với quy mô khoảng 138.116 ha; các hoạt động quảng bá, xúc tiến tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và quảng bá hình ảnh cho ngành du lịch tỉnh nhà.

Là một tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội rất khó khăn, nhưng lĩnh vực giáo dục và đào tạo của tỉnh đã được chú trọng, ưu tiên và được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình phát triển. Đến nay, chất lượng giáo dục nói chung, giáo dục học sinh dân tộc thiểu số nói riêng có sự chuyển biến tích cực. Công tác xã hội hóa giáo dục đã thu hút sự quan tâm, tham gia của toàn xã hội. Nếu như năm 1991, tỷ lệ mù chữ trong độ tuổi 15-25 là 46,6%, thì đến năm 2015, tỷ lệ này chỉ còn 0,37%. Tỉnh đã hoàn thành công tác phổ cập giáo dục: tiểu học năm 2000; trung học cơ sở năm 2009; giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi năm 2015 và đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về PCGD tiểu học đúng độ tuổi mức độ 1 năm 2010. Với một tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn thì đây là một thành công lớn, rất đáng ghi nhận.

Khi mới tái lập tỉnh, dân cư còn khá thưa thớt, đến năm 2015 dân số trung bình trên địa bàn tỉnh là 500.000 người, tăng gấp 2,05 lần so với năm 1991. Công tác y tế và chăm sóc sức khoẻ nhân dân có nhiều tiến bộ. Khi mới tái lập tỉnh, cơ sở vật chất của ngành y tế thiếu thốn nghiêm trọng; đội ngũ cán bộ y tế vừa thiếu, vừa yếu… Đến nay, mạng lưới y tế được xây dựng, củng cố và kiện toàn từ tỉnh đến cơ sở; toàn tỉnh 100% trạm y tế xã có bác sỹ; 100% thôn, làng có nhân viên y tế hoạt động. Đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên sâu và trang thiết bị hiện đại cùng với việc nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý điều hành giúp ngành y tế tỉnh nâng cao năng lực và chất lượng khám, chữa bệnh; đáp ứng ngày càng tốt hơn công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ của nhân dân.

Đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng phong phú, công tác bảo tồn, khôi phục, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống được tăng cường. Đến nay, tỉnh Kon Tum có 24 di tích được xếp hạng, trong đó có 01 di tích cấp quốc gia đặc biệt. Tỉnh đã phát hiện và tiến hành khai quật di chỉ khảo cổ học Lung Leng (di chỉ khảo cổ lớn nhất Tây Nguyên). Thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở từng bước được đầu tư xây dựng; một số phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ được nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng; công tác quản lý nhà nước về văn hóa, giao lưu và hợp tác quốc tế về văn hóa có nhiều khởi sắc. Cơ sở hạ tầng lĩnh vực thể dục, thể thao từng bước được hoàn thiện; công các xã hội hóa thể dục, thể thao được nhiều tổ chức và cá nhân hưởng ứng. Phong trào tập luyện thể dục thể thao trong quần chúng được duy trì, nhiều môn thể thao dân tộc được bảo tồn và phát triển...

Thành tựu nổi bật nữa của Kon Tum là công tác xoá đói giảm nghèo được triển khai một cách đồng bộ và đạt được kết quả tương đối tốt. Khi mới tái lập tỉnh, tỉ lệ hộ đói nghèo trên 65%, thì đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo là 10,26% và theo tiêu chí nghèo đa chiều là 26,11%. Các chính sách giải quyết đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số; chính sách hỗ trợ nhà ở đối với gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo được triển khai tích cực, có hiệu quả. Chính sách khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo được tỉnh quan tâm chỉ đạo và đạt kết quả đáng khích lệ. Những kết quả này đã góp phần tăng cường và củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Việc củng cố, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh hết sức quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Sau 25 năm tái lập, kết cấu hạ tầng của tỉnh đã phát triển mạnh: 100% số xã có đường ô tô vào đến trung tâm xã; Điện lưới đã đến 98,4% thôn, làng với trên 97,78% số hộ được sử dụng điện; 88% hộ được phủ sóng truyền hình; 100% xã có trạm y tế; tỷ lệ phòng học kiên cố và bán kiên cố đạt 96,8%; 84,1% dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh; sóng điện thoại di dộng đã phủ đến tất cả các huyện, thành phố… Hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh không ngừng được đầu tư, nâng cấp và mở mới (Đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Kon Tum; các Quốc lộ: 24, 14C, 40, 40B; các tỉnh lộ 671, 672, 673, 674, 675, 676, 677, 678; đường Ngọc Hoàng - Măng Bút - Tu Mơ Rông - Ngọc Linh, đường Ya Tăng – Sê San – Quốc lộ 14C, các đường liên xã…), cơ bản bảo đảm lưu thông thuận lợi trong cả hai mùa và tạo điều kiện giao thương và hợp tác phát triển. Nhiều công trình thủy lợi lớn đã được tu bổ, nâng cấp và xây mới, như: Thủy lợi Đăk Toa, hồ chứa Đăk Uy… Trên địa bàn tỉnh hiện có 523 công trình thủy lợi phục vụ sản xuất với tổng diện tích tưới theo thiết kế là 16.742 ha; tập trung nguồn lực xây dựng thành phố Kon Tum đạt tiêu chuẩn của đô thị loại II vùng cao, vùng sâu, biên giới trước năm 2020; xây dựng huyện Ngọc Hồi trở thành thị xã thuộc tỉnh... Các công trình hạ tầng thiết yếu của Khu hành chính mới các huyện: Kon Rẫy, Ngọc Hồi, Ia H’Drai được tăng cường đầu tư và đưa vào hoạt động. Các công trình, dự án có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương được tập trung đẩy nhanh thực hiện.

Có được những thành tựu to lớn trên đây, phải khẳng định rằng: Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã có tinh thần tự lực, tự cường, cần cù sáng tạo, đoàn kết một lòng, phát huy truyền thống cách mạng, phát huy những tiềm năng thế mạnh sẵn có, tranh thủ được sự giúp đỡ, hỗ trợ thiết thực của Trung ương và bên ngoài. Những thành tựu nói trên sẽ là cơ sở, là tiền đề quan trọng, thúc đẩy sự phát triển của tỉnh nhà trong các năm tiếp theo.

Giai đoạn 2016- 2020, bên cạnh các thuận lợi, cơ hội vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức; Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã xác định mục tiêu tổng quát cho 5 năm tới là: Khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực và tiềm năng, lợi thế của tỉnh; đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, trọng tâm là xây dựng nông thôn mới; bảo đảm duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả; xây dựng kết cấu hạ tầng từng bước đồng bộ, hiện đại. Phát triển toàn diện các lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao; nâng cao rõ rệt chất lượng nguồn nhân lực và mức sống của Nhân dân gắn với giảm nghèo, giải quyết việc làm đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội. Tăng cường bảo vệ tài nguyên môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh trong mọi tình huống. Củng cố và mở rộng liên kết, hợp tác nội vùng, liên vùng và quốc tế. Phấn đấu xây dựng tỉnh Kon Tum ổn định, phát triển bền vững”.

Đồng thời xác định các nhiệm vụ trọng tâm: (1) Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế- xã hội. Tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội; tiếp tục phát triển mạnh các vùng kinh tế động lực xây dựng nông thôn mới; (2) Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Khai thác và sử dụng có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; phát triển nhanh các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực; hình thành và phát triển các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; (3) Tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống; (4) Chú trọng đầu tư xây dựng và phát triển văn hóa, con người tỉnh Kon Tum; quan tâm chăm lo an sinh và phúc lợi xã hội cho Nhân dân; (5) Tăng cường quản lý, khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai; đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu về tăng trưởng xanh; (6) Tiếp tục cải cách hành chính, tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh; (7) Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, năng lực, trách nhiệm, tâm huyết với nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; (8) Giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống.

Một số định hướng lớn của tỉnh trong 5 năm tới:

Về kinh tế, đầu tư: huyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, cây công nghiệp, rau quả; ưu tiên phát triển mạnh các loại cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao như: Cao su, cà phê chè, rau hoa củ quả xứ lạnh xuất khẩu, các loại dược liệu quý (Sâm Ngọc Linh, Hồng Đẳng Sâm...), phát triển chăn nuôi gia cầm, gia súc, đại gia súc; tập trung phát triển nông nghiệp theo chiều sâu. Thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng bền vững; chú trọng đầu tư trồng rừng sản xuất theo hướng thâm canh. Phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản trên các lòng hồ thủy điện Ya Ly, PleiKrông, Sê San, Thượng Kon Tum…đặc biệt là mô hình nuôi cá xứ lạnh. Tổ chức triển khai xây dựng các xã đạt tiêu chí nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Tập trung đầu tư phát triển công nghiệp theo hướng ưu tiên các ngành có lợi thế của địa phương. Đẩy nhanh quá trình đầu tư xây dựng để đưa các dự án kết cấu hạ tầng thiết yếu tại các khu, cụm công nghiệp vào sử dụng; khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống, tạo điều kiện thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn nông thôn. Xã hội hóa việc phát triển hệ thống siêu thị, chợ, trung tâm thương mại ở vùng thuận lợi, hỗ trợ, khuyến khích đầu tư chợ, cửa hàng ở vùng khó khăn, nơi có điều kiện. Nâng cao chất lượng dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, thông tin, tư vấn, chăm sóc sức khỏe, giải trí... Phát triển hệ thống khách sạn, nhà hàng và hạ tầng thiết yếu khác để phục vụ du lịch.

Tiếp tục huy động các nguồn vốn từ các chương trình, dự án, vốn ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn đầu tư từ các bộ, ngành, vốn đối tác công tư (PPP); khai thác các nguồn thu của địa phương, nhất là nguồn thu từ khai thác quỹ đất và các nguồn lực trong dân để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi, an toàn nhằm thu hút các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Đẩy mạnh thực hiện quảng bá,  xúc tiến thương mại, du lịch và thu hút đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm.

Tranh thủ tối đa nguồn vốn Trung ương và các thành phần kinh tế để xây dựng kết cấu hạ tầng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thành tuyến tránh đường Hồ Chí Minh đoạn qua thành phố Kon Tum, Quốc lộ: 24, 14C, 40, 40B, đường Ngọc Hoàng - Măng Bút - Tu Mơ Rông - Ngọc Linh; đường Hồ Chí Minh đi Quốc lộ 24; Tỉnh lộ 678; đường giao thông kết nối từ Quốc lộ 14C đi cửa khẩu Hồ Đá và đường tuần tra biên giới,… Ưu tiên đầu tư, thông tuyến các đường giao thông đi huyện mới thành lập Ia H’Drai. Phát triển thủy lợi đảm bảo phục vụ cấp nước; chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Tiếp tục đầu tư mở rộng mạng lưới điện trên địa bàn tỉnh, phấn đấu đến cuối năm 2020 có trên 99% hộ dân được sử dụng điện. Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị; tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng ba vùng kinh tế động lực. Phấn đấu xây dựng thành phố Kon Tum thành đô thị loại II vào năm 2020; thành lập thị xã Ngọc Hồi, hoàn thiện kết cấu hạ tầng của đô thị loại V để thành lập thị trấn tại huyện Kon Plông vào nửa đầu nhiệm kỳ 2016 - 2020. 

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Xây dựng lực lượng doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đủ sức cạnh tranh với nhiều thương hiệu mạnh trong khu vực. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển các loại hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác, nhóm hộ, nhất là những vùng có nông sản hàng hóa, phù hợp với khả năng, điều kiện của từng địa phương. Phát triển các hình thức liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã và kinh tế hộ gia đình.

- Về văn hóa - xã hội:  Tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học. Sắp xếp lại tổ chức và hoạt động của các cơ sở đào tạo, giáo dục chuyên nghiệp. Tiếp tục củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, nâng cao khả năng tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ y tế thiết yếu. Tiếp tục có giải pháp duy trì xu thế giảm sinh để có quy mô, cơ cấu và chất lượng dân số phù hợp.

Từng bước hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao từ tỉnh đến cơ sở; phục hồi, tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng, di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia và cấp tỉnh. Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; xây dựng nếp sống văn minh, phong trào thể dục thể thao. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác xuất khẩu lao động, dạy nghề. Đẩy mạnh xã hội hóa dạy nghề, phát triển và nhân rộng các mô hình tạo việc làm, hỗ trợ phát triển các làng nghề, doanh nghiệp nhỏ và vừa để thu hút lao động.

Tiếp tục xây dựng các mô hình giảm nghèo bền vững; thực hiện các mục tiêu vì trẻ em, kế hoạch bảo vệ trẻ em và các chương trình chăm sóc trẻ em; thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Tổ chức triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách cho người nghèo, người có công với cách mạng; các chính sách dân tộc, an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là hỗ trợ định canh, định cư, đất ở, đất sản xuất, nhà ở.

- Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu: Khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo cân bằng sinh thái, bảo tồn và giữ gìn đa dạng sinh học, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngăn ngừa và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường. Chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Ngăn chặn có hiệu quả việc khai thác trái phép, lãng phí các nguồn tài nguyên thiên nhiên, nạn phá rừng, cháy rừng. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản và bảo vệ môi trường.

Phát huy những thành quả đạt được trong thời gian qua và truyền thống đoàn kết, thống nhất; với quyết tâm chính trị cao và sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, nhất định Kon Tum sẽ hoàn thành các mục tiêu quan trọng mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra.


 

 
Phòng Tổng hợp, Quy hoạch
Số lượt xem:69

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ TỈNH KON TUM
Quản lý và nhập tin: Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum, số 12 Nguyễn Viết Xuân, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum.
Người chịu trách nhiệm chính: Ngô Việt Thành, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum.
Điện thoại: 02603.862710; Fax: 0603.864253; Email: skhdt@kontum.gov.vn, sokehoachdautu-kontum@chinhphu.vn.

Chung nhan Tin Nhiem Mang
5124029 Tổng số người truy cập: 318 Số người online:
TNC Phát triển: