banner
Thứ 6, ngày 10 tháng 1 năm 2025
Những đổi thay của tỉnh Kon Tum sau 30 năm thành lập lại tỉnh
12-8-2021

---

   Ngày 12/8/1991, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII đã ra Nghị quyết giải thể tỉnh Gia Lai - Kon Tum và thành lập lại 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Ba mươi năm qua, kể từ ngày thành lập lại tỉnh Kon Tum (12/8/1991- 12/8/2021) là một giai đoạn lịch sử có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của tỉnh nhà; đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh...

    Những kết quả đạt được và đổi thay sau 30 năm thành lập lại tỉnh

   Khi mới thành lập lại, tình hình kinh tế xã hội của tỉnh còn rất nhiều khó khăn, cơ sở vật chất lạc hậu, tỷ lệ nghèo đói luôn ở mức cao: Bình quân lương thực đầu người chỉ đạt 295 kg, thu nhập bình quân đầu người 88,6 USD; công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp có quy mô nhỏ bé, sản phẩm chưa nhiều, chất lượng thấp; thương mại - dịch vụ yếu kém; giao thông trong thế ngõ cụt, nhiều xã không có đường giao thông đến trung tâm; thu ngân sách tỉnh chỉ có 7,8 tỷ đồng, đáp ứng một phần rất nhỏ so với nhu cầu chi lúc bấy giờ; đời sống Nhân dân còn khó khăn về nhiều mặt, tỷ lệ hộ nghèo trên 60%. Hệ thống giáo dục còn sơ khai, thiếu thốn, với 110 trường các cấp, 108 làng trắng về giáo dục, tỷ lệ người mù chữ lên tới 17,7%; hệ thống y tế vừa thiếu, vừa yếu, chỉ có 855 giường bệnh với 49 bác sỹ; cơ sở vật chất văn hóa, thông tin lạc hậu, nhiều xã vùng sâu, vùng xa còn trắng về thông tin; hoạt động của hệ thống chính trị còn nhiều hạn chế, đội ngũ cán bộ cơ sở thiếu và yếu, trên 50% thôn, làng trắng tổ chức đảng...

   Đến nay, tỉnh Kon Tum đã từng bước vươn lên, đạt nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực...

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm điểm trồng sâm

trên núi Ngọc Linh vào ngày 05/09/2018 (Ảnh: chinhphu.vn)

   Thành tựu nổi bật nhất về kinh tế của tỉnh là duy trì được tốc độ tăng trưởng liên tục qua các năm trên 9%/năm, đây là mức tăng trưởng cao so với khu vực Tây Nguyên và cả nước. Quy mô nền kinh tế của tỉnh năm 2020 tăng gấp 124 lần so với năm 1992. Thu nhập bình quân đầu người được cải thiện rõ rệt, tăng 21 lần, từ khoảng 89 USD năm 1992 lên 1.864 USD năm 2020. Thu ngân sách nhà nước tăng nhanh qua các năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng. Ngành công nghiệp chuyển biến cả về quy mô và chất lượng. Du lịch đang từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo chiều sâu. Một số loại cây công nghiệp chủ lực của tỉnh phát triển ổn định, trở thành mặt hàng nông sản quan trọng xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu khác tiếp tục được mở rộng, tạo ra được các vùng chuyên canh nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến. Đặc biệt, Sâm Ngọc Linh được mệnh danh là thần dược cho sức khỏe, được Thủ tướng Chính phủ công nhận là “Quốc bảo” của Việt Nam.

   Hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, diện mạo đô thị từng bước đổi mới. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả có ý nghĩa, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, góp phần cải thiện đời sống của người dân cả về vật chất lẫn tinh thần. Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện, điểm sáng nổi bật là một số nhà đầu tư, tập đoàn kinh tế lớn đã lựa chọn Kon Tum là địa điểm đầu tư lý tưởng và triển khai nhiều dự án tổ hợp trung tâm thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, nông nghiệp công nghệ cao... có quy mô lên tới hàng nghìn tỷ đồng, như Tập đoàn TH, Vingroup, FLC,...

Một góc thành phố Kon Tum hôm nay (Ảnh: Báo Kon Tum điện tử)

   Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; các chính sách an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm,... được quan tâm thực hiện. Từ một tỉnh với tỷ lệ hộ đói, nghèo trên 65%, đến năm 2005 toàn tỉnh không còn hộ đói và đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 10,29%. Giáo dục, y tế có nhiều thành tựu mới. Cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính được thực hiện mạnh mẽ; việc ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa nền hành chính được triển khai rộng rãi. Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được sắp xếp theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Đối ngoại và hội nhập quốc tế được chủ động đẩy mạnh. Quân sự, quốc phòng địa phương được tăng cường, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

    Định hướng phát triển của tỉnh trong thời gian tới

Khai mạc Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ tỉnh Kon Tum nhiệm kỳ 2020-2025

   Tại Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ tỉnh Kon Tum nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định các chỉ tiêu chủ yếu giai đoạn 2020-2025: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2020 - 2025 từ 10%/năm trở lên. Đến năm 2025, tỷ trọng nông - lâm - thuỷ sản 19-20%, công nghiệp - xây dựng 32-33%, thương mại - dịch vụ 42-43%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội cả giai đoạn 2021-2025 đạt 118.000 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người 70 triệu đồng trở lên (tương đương trên 3.000 USD); Thu ngân sách Nhà nước tại địa bàn tăng bình quân 8,2%/năm và đạt trên 5.000 tỷ đồng vào năm 2025. Đến năm 2025, quy mô dân số khoảng 620.000 người; trên 60% lao động qua đào tạo; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3-4%/năm; có 60 xã (70,5% số xã) trở lên đạt chuẩn nông thôn mới, 04 huyện và thành phố Kon Tum đạt chuẩn nông thôn mới hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường 85%; tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 64%. Tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hằng năm đạt trên 90%; đến năm 2025, có trên 80% xã, phường, thị trấn mạnh về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đến năm 2025, kết nạp trên 5.000 đảng viên mới; tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên hằng năm đạt trên 75%; trên 76% quần chúng được tập hợp vào các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội.

   Theo đồng chí Lê Ngọc Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum: Giai đoạn 2021 - 2025, bên cạnh các yếu tố thuận lợi vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là đại dịch COVID-19 đã và đang tác động rất tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Kon Tum nói riêng và cả nước nói chung.

   Trong bối cảnh đó, trên cơ sở tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được trong thời gian qua, tỉnh Kon Tum xác định những định hướng phát triển trong thời gian tới như:

   Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; tập trung phát triển các vùng kinh tế động lực và xây dựng nông thôn mới.

   Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị; phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; mở rộng và phát triển các cây dược liệu, đa dạng hóa các sản phẩm từ chế biến dược liệu, trọng tâm là tập trung phát triển Sâm Ngọc Linh Kon Tum.

   Tăng cường các giải pháp tăng thu ngân sách, nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu bền vững. Phát triển mạnh du lịch, đặc biệt du lịch chất lượng cao để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, điểm đến du lịch có thương hiệu trong khu vực và cả nước. Tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Tạo lập môi trường bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển.

   Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, tập trung phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn lao động chất lượng cao. Chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Quan tâm chăm lo an sinh và phúc lợi xã hội cho nhân dân. Quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh.

   Tiếp tục cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, đổi mới sáng tạo gắn với ứng dụng khoa học, công nghệ trong phát triển kinh tế - xã hội và đời sống Nhân dân.

   Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; đảm bảo an ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế; tăng cường hợp tác phát triển với các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan và các nước khác.

   Phát huy những thành quả đạt được trong thời gian qua và truyền thống đoàn kết, thống nhất; với quyết tâm chính trị cao và sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, tin tưởng rằng tỉnh Kon Tum sẽ hoàn thành các mục tiêu quan trọng mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra cho giai đoạn 2021-2025./.

Nguồn: Cổng TTĐT tỉnh.

Phòng Kinh tế ngành
Số lượt xem:159

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ TỈNH KON TUM
Quản lý và nhập tin: Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum, số 12 Nguyễn Viết Xuân, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum.
Người chịu trách nhiệm chính: Ngô Việt Thành, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum.
Điện thoại: 02603.862710; Fax: 0603.864253; Email: skhdt@kontum.gov.vn, sokehoachdautu-kontum@chinhphu.vn.

Chung nhan Tin Nhiem Mang
5532710 Tổng số người truy cập: 253 Số người online:
TNC Phát triển: