Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo yêu cầu các Sở, ngành, địa phương thực hiện các nội dung chính như sau:
- Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh: Yêu cầu các ngành chức năng thường xuyên theo dõi tình hình và hỗ trợ người dân trong sản xuất nông nghiệp, tái cơ cấu cây trồng, phòng chống dịch bệnh, đẩy nhanh tiến độ và quy mô tái đàn; tạo điều kiện, vận động doanh nghiệp đẩy mạnh khai thác và phát triển thị trường. Thực hiện các chính sách hỗ trợ về tín dụng, lãi vay, các quy định về chính sách cho vay nhà ở xã hội; nâng cao trình độ, tay nghề cho người lao động; đề xuất phương án miễn, giảm học phí cho các cấp học. Khuyến khích, thúc đẩy khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, khôi phục các hoạt động du lịch; bên cạnh đó vẫn thực hiện các giải pháp đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Tiếp tục thực hiện theo Kế hoạch số 1071/KH-UBND ngày 03/4/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh; giảm tiền thuê đất phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định, Hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hằng năm phải ngừng sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo quy định…
- Về điều hành thu, chi ngân sách: Thực hiện tốt các luật thuế và nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước; điều hành, quản lý chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, đúng quy định, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả; chủ động rà soát, đẩy nhanh tiến độ đấu giá các khu đất, quỹ đất, trụ sở làm việc các cơ quan, đơn vị để đảm bảo tiến độ nguồn thu các dự án có sử dụng đất, trụ sở, nhà đất..
Trong đó yêu cầu thực hiện một số chính sách, giải pháp như: Giảm lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 nhằm kích thích tiêu dùng trong nước theo Nghị quyết 84/NQ-CP; tập trung xử lý, thu hồi nợ đọng thuế, phấn đấu số nợ thuế đến ngày 31/12/2020 không quá 5% so với số thực thu ngân sách nhà nước năm 2020; kiên quyết từ chối không thanh toán, thu hồi để bổ sung dự phòng ngân sách địa phương đối với kinh phí chi thường xuyên đã giao trong dự toán đầu năm của các đơn vị, địa phương nhưng đến ngày 30/6/2020 chưa phân bổ; hạn chế tham mưu tạm ứng ngân sách thực hiện các nhiệm vụ khi chưa thật sự cần thiết cấp bách; dành 50% dự phòng ngân sách (cấp tỉnh, huyện, xã) cân đối thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; nguồn cải cách tiền lương còn dư; tăng thu ngân sách địa phương năm 2019 chuyển nguồn sang năm 2020 (phần còn lại sau khi đã dành nguồn 70% để cải cách tiền lương, nếu có) và các nguồn tài chính hợp pháp khác chủ động chi thực hiện phòng chống thiên tai, dịch bệnh và chi thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trước tác động dịch Covid-19; các huyện, thành phố chủ động sử dụng dự phòng ngân sách địa phương để chi phòng chống, khắc phục hậu quả hạn hán, dịch bệnh Covid-19, tạm giữ lại 50% nguồn dự phòng ngân sách để chủ động xử lý khi nguồn thu ngân sách địa phương giảm lớn.
- Về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công: Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các giải pháp về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; phấn đấu hoàn thành giải ngân 100% số vốn kế hoạch. Cho phép không áp dụng quy định tiết kiệm 10% tổng mức đầu tư đối với dự án khởi công mới trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 và được bố trí vốn từ kế hoạch đầu tư công năm 2020. Trước ngày 31/7/2020 hoàn thành thủ tục đầu tư đối với các dự án đã được bố trí vốn trong kế hoạch năm 2020 (bao gồm các dự án sử dụng nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2019) để phân bổ kế hoạch vốn thực hiện. Đến 31/8/2020 tất cả các dự án phải giải ngân đạt trên 60% kế hoạch vốn năm 2020 đã giao. Yêu cầu các đơn vị rà soát, điều chỉnh hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2020, vốn ngân sách nhà nước năm 2019 kéo dài sang năm 2020 của các dự án chậm tiến độ sang các dự án khác có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn. Trường hợp kết quả giải ngân năm 2020 đạt dưới 100% thì không xét thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ cho người đứng đầu, chủ đầu tư dự án và các cá nhân liên quan năm 2020.
- Thực hiện hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19: Yêu cầu các đơn vị tuyên truyền, vận động, thực hiện nghiêm túc và kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ, đảm bảo hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, định mức, chế độ và quy trình, thủ tục chính sách hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn, bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 theo đúng quy định tại Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ; nghiên cứu tham mưu thực hiện việc gia hạn nợ, miễn giảm lãi vay,… cho khách hàng là hộ nghèo, đối tượng chính sách gặp khó khăn do dịch bệnh; thực hiện cho vay đối với người sử dụng lao động gặp khó khăn về tài chính để chi trả tiền lương ngừng việc cho người lao động theo đúng quy định.
Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc việc triển khai Chỉ thị này. Chi tiết nội dung Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 10 tháng 6 năm 2020 tại file kèm theo.