Ngày 21/4/2014, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tổ chức Diễn đàn Đối tác Phát triển cho Khu vực Tam giác Phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV). Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh và ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam đồng chủ tọa Diễn đàn.
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ tham dự và phát biểu khai mạc Diễn đàn. Tham dự Diễn đàn còn có Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên: đồng chí Trần Đại Quang; đại diện các cơ quan Trung ương của Chính phủ Việt Nam; đại diện cho Chính phủ Hoàng gia Campuchia, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa; cùng đại diện các đối tác phát triển, lãnh đạo các tỉnh và đại diện khu vực tư nhân tại các tỉnh ba nước trong Khu vực Tam giác Phát triển CLV.
Đồng chí Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum: Lê Ngọc Tuấn; Đồng chí Phó giám đốc Sở: Nguyễn Đình Bắc, cùng phòng Kinh tế - Đối ngoại đã tham dự Diễn đàn này.
Trong bài phát biểu khai mạc Diễn đàn, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh sự cần thiết phải triển khai có hiệu quả Quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng ba nước thông qua, và phải gắn kết giữa quy hoạch của từng địa phương với quy hoạch của vùng và của cả Khu vực Tam giác Phát triển.
Tại Diễn đàn, các đại biểu tham gia thảo luận Chiến lược phát triển Tam giác Phát triển dựa trên Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của và đánh giá tình hình kinh tế-xã hội của
Năm tỉnh Việt Nam nằm trong khu vực Tam giác Phát triển gồm: Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai và Kon Tum. Các đại biểu cũng đã trao đổi về đẩy mạnh quan hệ đối tác và hợp tác trong Khu vực Tam giác Phát triển nhằm tạo ra những động lực mới để hỗ trợ thực hiện các chương trình và dự án hợp tác đã được ưu tiên theo Quy hoạch.
Trong việc thực hiện Quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế-xã hội Khu vực Tam giác Phát triển đến năm 2020, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh có lưu ý: “Mặc dù đã đạt được tiến bộ trên rất nhiều lĩnh vực kể từ khi thông qua Quy hoạch này, song kết quả còn khiêm tốn so với những mục tiêu đề ra trong Quy hoạch”.
Đồng chí Trần Đại Quang đã có ý kiến chỉ đạo các đại biểu thảo luận, đi sâu phân tích hiện trạng, xác định phương hướng cụ thể và đề xuất các giải pháp để thúc đẩy phát triển, làm sâu sắc hơn và nâng cao hiệu quả hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa các địa phương trong Khu vực Tam giác Phát triển và các đối tác phát triển nhằm huy động các nguồn lực và triển khai có hiệu quả các dự án trong Quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Khu vực Tam giác Phát triển.
Bộ trưởng Trần Đại Quang nhấn mạnh: “Phải xem việc tăng cường quan hệ hợp tác giữa các tỉnh vùng Tây Nguyên với các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Campuchia là vấn đề có ý nghĩa chiến lược lâu dài; vì vậy cần xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển đối ngoại vùng biên giới Việt Nam-Lào và Việt Nam-Campuchia ”.
Phát biểu tại Diễn đàn, bà Victoria Kwakwa, đại diện các đối tác phát triển cho rằng: Sự liên kết tiểu vùng và năng lực cạnh tranh rất cần để hỗ trợ những nỗ lực ở cấp độ quốc gia nhằm giảm nghèo và tăng trưởng cho mọi người.
Đại diện của Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra rằng tuy chỉ chiếm 0,32% tổng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của cả nước, song nguồn vốn này chiếm khoảng từ 10-12,23% tổng vốn đầu tư xã hội của năm tỉnh trong Khu vực Tam giác Phát triển. Để thu hút nguồn vốn đầu tư, trong đó có ODA, năm tỉnh đã đề xuất 29 dự án ưu tiên trong các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, cấp thoát nước, phát triển hạ tầng đô thị và giao thông vận tải.
Trong khuôn khổ Diễn đàn, các đại biểu tham gia sẽ đi thăm thực địa và một số dự án tại tỉnh Đăk Nông trong ngày 22/4/2014.
Diễn đàn lần này diễn ra trong hai ngày 21 và 22/4 đã mở ra triển vọng và những cơ hội mới cho mối quan hệ hợp tác giữa các tỉnh trong Khu vực Tam giác Phát triển và các đối tác phát triển để khai thác tiềm năng, hướng tới sự phát triển bền vững, đồng thời thu hẹp khoảng cách phát triển của Khu vực Tam giác Phát triển này với phần còn lại của nó./.