banner
Thứ 3, ngày 21 tháng 1 năm 2025
Học tập tấm gương mẫu mực, sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
29-11-2024
Nhận thức sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí luôn là việc làm có ý nghĩa quan trọng đối với cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh, tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng.
 
1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thể hiện năng lực tư duy khoa học, sáng tạo và phẩm chất đạo đức, phong cách, lối sống thanh cao của một danh nhân văn hóa kiệt xuất nhưng lại rất gần gũi với cuộc sống, công việc hàng ngày, ai cũng có thể học tập, làm theo được. Theo Người, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí không chỉ là một yêu cầu trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, là điều kiện bắt buộc trong thực thi đời sống mới mà còn là một phẩm chất đạo đức cần phải có của người cách mạng. Ngay từ năm 1927, trong tác phẩm Đường Kách mệnh dùng để huấn luyện lớp cán bộ cách mạng đầu tiên, Hồ Chí Minh đã chỉ ra tư cách của người cách mệnh: tự mình phải cần kiệm, vị công vong tư, không hiếu danh, không kiêu ngạo, nói thì phải làm, ít lòng ham muốn vật chất... Trong nhiều bài viết và nói sau này, Người đều đề cập đến bốn đức quan trọng là cần, kiệm, liêm, chính. Theo Người, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu. “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải có con người xã hội chủ nghĩa và có tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Phải đánh bạt những tư tưởng công thần, địa vị, danh lợi của chủ nghĩa cá nhân, làm cho tư tưởng của chủ nghĩa tập thể thắng lợi, tức là phát huy tinh thần cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ của công, chống tham ô, lãng phí”(1).
 
Tấm gương mẫu mực Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí biểu hiện xuyên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Rất nhiều câu chuyện được kể lại từ những người được sống và làm việc cùng Bác đã minh chứng cho nhân cách của vị lãnh tụ “một đời thanh bạch, chẳng vàng son”, “nâng niu tất cả, chỉ quên mình”: Trong kháng chiến chống Pháp, Bác cũng sinh hoạt như anh em bảo vệ, ăn chung với mọi người… Trời rét (...), chỉ đắp chiếc chăn cũ nhuộm nâu, quần áo của Bác đều nhuộm nâu. Bác tự đánh máy (...). Văn phòng Trung ương cử một đồng chí sang giúp Bác đánh máy, Bác phê bình là lãng phí(2). Chỉ khi sắp sang Pháp, vào cuối tháng 5/1946, Bác mới may thêm một bộ dạ đen, cũng cùng một kiểu với bộ kaki vẫn mặc. Hành lý của một vị Chủ tịch nước sang đàm phán về việc sống còn của dân tộc với Chính phủ Pháp, xếp không đầy một vali khổ nhỡ. Ngoài mấy bộ quần áo nói trên, có một đôi giầy da. Không có bác sĩ đi theo để săn sóc Bác dọc đường. Đồ dùng riêng của Bác là cái đồng hồ cũ kỹ(3).
 
Đồng chí Việt Phương, nguyên Thư ký của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nhớ mãi về một chi tiết trong đời sống hàng ngày của Bác: Đó là bất kỳ cái gì có tí lãng phí cũng quyết không để lãng phí nhưng đã cần thì dùng cho đủ mức cần. Tháng 2/1969, Bác muốn đi thăm rừng quốc gia Cúc Phương. Một số đồng chí lãnh đạo giới thiệu ở đó có nhiều cái hay. Anh em xin Bác đi máy bay lên thẳng cho đỡ mệt nhưng Bác không chịu và nói rằng: “Các chú cho hễ là Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước thì đi đâu muốn dùng phương tiện gì thì dùng à? Không phải thế đâu. Để Bác khỏe lên, Bác đi ô tô đến thăm rừng Cúc Phương (...). Máy bay lên thẳng, để khi nào có người của chúng ta bị tai nạn hoặc bị đau nặng ở vùng hẻo lánh khó chạy chữa thì dùng máy bay lên thẳng đón về nơi trung tâm có bệnh viện lớn. Hoặc lúc nào nước sông lên to, mùa bão cần đi hộ đê thì lấy máy bay lên thẳng mà dùng. Chứ không phải bất kỳ đi đâu, Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước cứ dùng máy bay lên thẳng mà đi”. Bác nhất định như vậy và vì thế ý muốn của Bác là đi thăm rừng Cúc Phương cuối cùng Bác không thực hiện được. Nhưng thà thế chứ Bác không dùng máy bay lên thẳng(4).
 
Đồng chí Lê Hữu Lập, nguyên cán bộ văn phòng Bác kể lại: “Bác Hồ tiết kiệm, cũng cần hiểu tiết kiệm của Bác. Một buổi sáng làm việc với Bác bên d­ưới nhà sàn, tôi đã chuẩn bị tài liệu và một chiếc bút chì xanh đỏ để trên bàn, ra ngoài một lát trở vào không biết anh nào đã cầm cây bút đi mất. Tìm không thấy mà Bác đang ngồi chờ, tôi lục ống bút chì chỉ còn một mẩu xanh đỏ bằng ngón tay, đành phải cầm vậy. Sang đọc tài liệu đến chỗ cần đánh dấu, tôi cẩn thận cầm kín mẩu bút trong lòng bàn tay, sợ Bác nhìn thấy. Lần thứ hai, Bác phát hiện. Bác với tay lấy cây bút xanh đỏ trong ống bút của Bác đ­ưa cho tôi và vẫn nhẹ nhàng bảo: “Làm gì mà chú phải khổ sở thế!”. Bác giản dị nhưng đàng hoàng. Trời nóng ngồi làm việc một mình với chúng tôi có thể Bác mặc áo may ô, quần cộc, nhưng đi ra ngoài dù kaki, quần áo nâu cũng phải phẳng phiu. Không chỉ một lần Bác phê bình đồng chí cán bộ cao cấp ra chỗ tiếp khách không ăn mặc chỉnh tề, tuy đồng chí này không phải nhân vật chủ chốt”(5).
 
Cả một đời vì nước, vì dân, tất cả những gì Bác tiết kiệm trong cuộc sống cá nhân đều là để dành phục vụ tổ chức, đoàn thể, cách mạng. Đồng bào trong nước và các bạn nước ngoài tặng Bác nhiều vải lụa tốt, nhưng Bác không cho may mà dùng để làm tặng phẩm cho đồng bào và chiến sĩ có thành tích trong kháng chiến. Với sách cũng vậy, dù Bác nhận được rất nhiều sách của các tác giả, các nhà xuất bản gửi biếu, sách của những cá nhân và tổ chức nước ngoài gửi tặng qua Bộ Ngoại giao hoặc các đoàn của ta đi công tác mang về... nhưng Bác không có thư viện riêng. Sách báo đọc xong, Bác thường gửi tới các nơi cần sử dụng. Những sách báo cần làm tư liệu, Bác giữ lại, nhưng sử dụng xong Bác cũng gửi đi tới các nơi cần sử dụng. Bác có một cuốn sổ tiết kiệm (đứng tên đồng chí Lê Hữu Lập) gửi ở quầy tiết kiệm phố Hàng Gai, Hà Nội. Tiền tiết kiệm được dành dụm từ tiền lương hàng tháng còn lại sau khi trừ mọi chi tiêu sinh hoạt và tiền nhuận bút mà Bác viết bài cho báo Nhân dân. Bác thường dùng tiền tiết kiệm làm quà tặng trong những dịp cần thiết (như có dịp đi công tác về, Bác thấy bộ đội phòng không trực chiến dư­ới ánh nắng chói chang của mùa hè, Bác đã chỉ thị rút số tiền tiết kiệm trong sổ trao cho Bộ Quốc phòng làm quà tặng bộ đội phòng không để có thêm nước giải khát). Dịp Bác đi nước ngoài dự Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô, là đại biểu mời, Bác được Đảng bạn tặng một số tiền và Bác đã dặn thư ký Vũ Kỳ nhập số tiền đó vào quỹ Đảng. Bác coi số tiền đó là của chung chứ không để vào sổ tiết kiệm của Người.
 
Trong tình hình kinh tế và chính trị của dân ta hồi đó, việc Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh hoạt bình thường như cán bộ và nhân dân chứng tỏ Bác hiểu rất rõ, rất sát tình hình đời sống vật chất của nhân dân và cán bộ, đồng thời thể hiện tấm lòng của Bác, một lãnh tụ muốn cùng chịu gian khổ với dân. Sự giản dị ấy, phong thái ung dung ấy kết hợp nhuần nhị những nét cao đẹp của tính cách dân tộc với đạo đức cộng sản, có sức thu hút mạnh mẽ trái tim mọi người và khiến cho Bác càng trở nên vĩ đại.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, yêu nước thì phải thi đua thực hành tiết kiệm, tích cực chống lãng phí để xây dựng đất nước, xây dựng CNXH. Người luôn nhấn mạnh đến vấn đề này tại mỗi hội nghị, mỗi đại hội, mỗi kỳ họp Quốc hội và nhiều bài nói, bài viết khác. Trong bài Quốc hội ta vĩ đại thật (Báo Nhân dân, số 2304, ngày 10/7/1960) Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói đến nhiệm vụ của mỗi vị đại biểu Quốc hội để xứng đáng là người đày tớ trung thành của nhân dân là phải: “- Thực hành cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; - Một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phục vụ chủ nghĩa xã hội; - Làm gương mẫu trong việc thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham ô”. Người còn viết nhiều tài liệu để tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân, yêu cầu trong mọi hành động, mọi lĩnh vực và mỗi người đều phải tiết kiệm, chống lãng phí. Bác lưu ý đặc biệt việc phải triệt để tiết kiệm của công vì đó là mồ hôi, công sức của dân, xương máu của bộ đội, chiến sĩ. Với viên chức tại các công sở, Bác yêu cầu: “phải biết tiết kiệm đồng tiền kiếm được, cũng như các vật liệu và đồ dùng trong các sở. Rút bớt hết những sự gì không cần thiết, chớ phao phí giấy má và các thứ của công(6). Với bộ đội, Bác căn dặn rất cụ thể về việc giữ gìn, bảo vệ chiến lợi phẩm bởi đó cũng là của công, của nhân dân, của quốc gia, không phải của địch; chiến sĩ ta phải đổ máu mới lấy lại được cho nên “Không được phung phí, hoặc chiếm làm của riêng cá nhân, khi canh gác phải biết thu dọn cho ngăn nắp, và che mưa nắng cho chu đáo”(7). Bác còn chỉ dẫn các cấp chỉ huy trong quân đội: “Không tiêu hoang phí tiền riêng của các chú cũng chưa phải là Kiệm. Các chú còn phải biết tiết kiệm của công, dạy cho bộ đội biết tiết kiệm của công, thì mới thật là Kiệm. Các chú không lấy của công làm của tư, không lấy chiến lợi phẩm về cho gia đình bè bạn mới chỉ là Liêm một nửa. Các chú phải dạy cho bộ đội và khuyến khích nhân dân không lấy của công, không lấy chiến lợi phẩm làm của riêng mới thật là Liêm”(8). Với thanh niên là những chủ nhân tương lai của nước nhà, Bác đặt ra yêu cầu không chỉ giáo dục cho họ về vấn đề tiết kiệm, chống lãng phí mà còn phải rèn luyện tạo thành thói quen trong công việc và cuộc sống hàng ngày. Từ tháng 2/1955, trong bài viết “Bảo vệ tài sản công”, Bác đã căn dặn: “Các ngành giáo dục cần phải bồi dưỡng cho thanh niên thói quen tiết kiệm, bảo vệ của chung; chống lãng phí xa hoa, xem khinh lao động” . Với chị em phụ nữ Việt Nam vốn có tính cách tốt đẹp là cần cù, chịu khó, biết lo toan, Bác khuyến khích chị em hăng hái thi đua thực hiện “cần kiệm xây dựng Tổ quốc, cần kiệm xây dựng gia đình”. Với cán bộ ngành ngoại giao, Bác căn dặn những điều cần chú ý: “Cán bộ ngoại giao ta ra ngoài phải có hình thức làm sao cho gọn ghẽ, sạch sẽ, nhưng không được lãng phí, xa hoa. Tr­ường hợp làm tiệc mặn, song nếu ta làm được tiệc trà thay vào là tốt nhất. Ta không thể đua với người được. Người giàu có, còn ta thì nghèo. Chính vì vậy, phải hết sức tiết kiệm. Ngoại giao càng phải tiết kiệm”(9). Trong Thư gửi đồng bào công giáo nhân dịp lễ Nôen 1953, Bác kêu gọi đồng bào công giáo tham gia kháng chiến cứu nước, thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm, cải cách ruộng đất làm cho người cày có ruộng, tín ngưỡng tự do. Bác khẳng định đó cũng chính là “làm trọn chính sách của Chính phủ cũng là làm trọn tinh thần của Chúa Cơ đốc”.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn viết nhiều bài báo biểu dương trực tiếp các cá nhân, tập thể kiểu mẫu, gương mẫu, điển hình trong sản xuất và tiết kiệm, chống lãng phí như trong bài báo Một làng tiến đến kiểu mẫu (Báo Cứu quốc số 2141, ngày 12/8/1952) Người đã làm thơ ca ngợi gương của làng Thọ Xuân (Thanh Hóa):“Phân công hợp lý cả làng/ Sản xuất tiết kiệm rõ ràng thi đua/ Một mùa gặt bằng hai mùa/ Dân no, nước mạnh tha hồ đánh Tây”; bài báo Công nhân gương mẫu và gương mẫu của công nhân (Báo Nhân dân, số 247, ngày 27/10/1954) ca ngợi các cá nhân và tập thể công nhân các nhà máy Gia Lâm, nhà máy điện Bờ Hồ trong thực hiện cần kiệm, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng; bài báo Gương tốt của thanh niên Lỗ Khê (Báo Nhân dân, số 3582, ngày 18/1/1964) với kế hoạch Tết tươi vui và tiết kiệm, tạo phong trào thi đua cho các chi đoàn Hà Nội và nhiều tỉnh khác… Bởi theo quan niệm của Người, một tấm gương sống, một điển hình thực tế và sinh động có giá trị thuyết phục hơn nhiều lần những bài diễn văn tuyên truyền. Nếu cán bộ, đảng viên, công chức kêu gọi nhân dân cần kiệm mà mình lười biếng, sống xa xỉ, lãng phí thì tuyên truyền một trăm năm cũng vô ích.
 
Cùng với tuyên truyền, kêu gọi thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bản thân Người luôn gương mẫu cho cán bộ, đảng viên, nhân dân làm theo. Những ngày đầu vừa thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, trước nạn đói đang trầm trọng, trên tinh thần “sẻ cơm nhường áo”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị với đồng bào cả nước và bản thân Người đã gương mẫu thực hiện trước: “Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo”(10). Đồng chí Vũ Kỳ, Thư ký của Bác kể lại: Nhân dân ta lúc đó dù còn nhiều khó khăn nhưng Cụ Hồ đã kêu gọi thì từ Nam chí Bắc đều hưởng ứng nhiệt liệt. Bởi, không phải Cụ Hồ chỉ kêu gọi mà chính Cụ Hồ đã làm, đã thực hiện và là người thực hiện đầu tiên... Nhớ hồi đó có nhiều thư từ khắp nơi gửi đến, có thư của các cụ già, của phụ nữ, của cả các cháu thiếu nhi... gửi đến Chính phủ, đến Cụ Hồ, đề nghị Bác đừng nhịn ăn. Cảm động hơn có nhiều người xin nhịn thêm để thay phần cho Bác. Nhưng câu trả lời là: “Tôi là người nêu ra, tôi phải làm gương mẫu”(11). Chỉ trong một thời gian ngắn, nhân dân cả nước đã quyên góp được hàng vạn tấn gạo cứu đói. Phong trào tăng gia sản xuất được đẩy mạnh, diện tích trồng lúa và hoa màu tăng lên, nạn đói đã sớm được khắc phục.
 
Tấm gương đạo đức sống trong sạch, tiết kiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là mẫu mực cho mọi người Việt Nam học tập, làm theo mà còn được báo chí nước ngoài, bạn bè quốc tế nhiều lần nhắc đến, mến phục. Học giả Trung Quốc Cốc Nguyên Dương nhận xét: “Suốt đời, Người luôn luôn gìn giữ đạo đức cao đẹp “cần kiệm liêm chính” và “chí công vô tư”, dùng 8 chữ đó để giáo dục cán bộ và nhân dân”(12). Đồng chí Gian-nét Véc-mét Tô-rê, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Pháp viết: “Người sống trong một căn nhà nhỏ đơn sơ, trong đó chỉ có một cái giường con, và một chiếc bàn làm việc. Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn mặc chiếc áo khoác ngoài cũ, đi đôi dép cao su làm bằng lốp ô tô, không có gì hơn thế. Giữa bạn bè người ta không biết lấy gì biếu Chủ tịch mà hình như Chủ tịch cũng không cần điều gì khác hơn là sự ủng hộ chính nghĩa đối với Việt Nam”(13). Nhà báo Pháp Phơ-răng-xoa Phông-vi-ây An-ki-ê ca ngợi: “Vinh quang đến tột đỉnh, nhưng con người Cụ vẫn như trước kia, nghĩa là vẫn ghét xa hoa, hào nhoáng, vẫn giản dị về ăn mặc cũng như trong tác phong sinh hoạt. Khi Cụ để cho các em học sinh vuốt râu mình lúc đến thăm trường, hoặc khi Cụ đi đôi dép bằng lốp cao su, thì đều không có chút gì là mị dân hoặc giả tạo cả”(14). Như vậy, nếp sống giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đơn thuần là tiết kiệm mà mang ý nghĩa rất cao đẹp.
 
2. Chủ tịch Hồ Chí Minh tiết kiệm không chỉ xuất phát từ hoàn cảnh cụ thể của đất nước, mà còn từ tấm lòng yêu nước thương dân tha thiết. Điều này không chỉ cần thiết trong thời kỳ đất nước còn trong chiến tranh, mà còn có giá trị thực tiễn đối với giai đoạn hiện nay, khi nền kinh tế nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, đời sống của nhân dân lao động được cải thiện rõ rệt. Dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí luôn được Ðảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm chỉ đạo, là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, xuyên suốt từ chủ trương, đường lối, cơ chế chính sách đến tổ chức thực hiện, nhằm quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế cho phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã góp phần đưa công cuộc đổi mới đạt những thành tựu vĩ đại; đạt và vượt hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội qua các nhiệm kỳ; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn nhân lực, vật lực, tài lực, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của đất nước.
 
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả, lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển. Trong văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta đã coi lãng phí là một căn bệnh - “bệnh lãng phí”, nếu không có những giải pháp đồng bộ phòng ngừa và đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả sẽ gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển. Mới đây, trong bài viết Chống lãng phí, Tổng bí thư Tô Lâm cũng chỉ ra thực trạng lãng phí đã và đang còn tồn tại ở nước ta, thậm chí là tồn tại dai dẳng, không chỉ khiến mất đi tài sản công, lãng phí nguồn lực quốc gia, thu hẹp những cơ hội phát triển mà đau xót hơn là gây mất lòng tin trong nhân dân đối với Đảng cầm quyền.
 
Việc tiếp tục vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống lãng phí vào thực tiễn để đưa ra giải pháp phù hợp đối với mỗi tổ chức, đơn vị trong giai đoạn hiện nay là nhiệm vụ có ý nghĩa hết sức quan trọng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ những giải pháp để chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Người nhấn mạnh, muốn đánh thắng nó, phải có chuẩn bị thật chu đáo, có kế hoạch, có tổ chức, có lãnh đạo và điều quan trọng là phải đào tạo được một đội ngũ cán bộ trung kiên làm nòng cốt để chống. Người phản đối việc bố trí những người đã “nhúng chàm” làm nhiệm vụ chống tham ô, lãng phí, quan liêu, vì làm như vậy, thực chất là “nối giáo cho giặc”. Theo quan điểm, tư tưởng của Người, các bước cần tiến hành để trừ khử tham ô, lãng phí, quan liêu là:
 
Một là, phải làm tốt công tác tư tưởng, làm cho mọi người hiểu tham ô, lãng phí, quan liêu có hại cho dân, cho nước như thế nào và vì sao phải chống những nạn ấy? Phải kiên quyết sửa chữa những nhận thức không đúng về chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Để có thể tiết kiệm, chống lãng phí, cán bộ, đảng viên cũng cần rèn luyện phẩm chất đạo đức, tác phong làm việc từ đó tạo ra sự tin tưởng, đồng thuận trong dân, tạo ảnh hưởng tích cực đến công tác xây dựng và phát triển đất nước.
 
Hai là, phải nghiên cứu để có lý luận chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Nghiên cứu kỹ và vận dụng tốt đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc chống tham ô, lãng phí, quan liêu; phải sửa đổi lối làm việc; nêu cao tinh thần phê bình và tự phê bình. Đặc biệt, đối với cán bộ cao cấp phải “thật thà tự kiểm thảo để làm gương mẫu”; phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm. Phải kiên quyết “nhổ cỏ” và khi đã nhổ thì phải nhổ tận gốc rễ.
 
Ba là, phải nâng cao ý thức trách nhiệm trong công việc, nâng cao trình độ quản lý kinh tế - tài chính; tăng cường kiểm tra, giám sát, không để tạo kẽ hở cho bọn tham ô, lãng phí, quan liêu đục khoét. Trong cuộc đấu tranh này, phải dựa vào nhân dân, thực hành dân chủ rộng rãi, huy động lực lượng quần chúng tham gia. “Quần chúng tham gia càng đông, thành công càng đầy đủ, mau chóng”.
 
Bốn là, phải có phương pháp giữ gìn tiền bạc, phải thực hành một chế độ tiết kiệm nghiêm ngặt, nhất là tiết kiệm trong chi tiêu ở các cơ quan hành chính, giảm thiểu việc họp hành nếu xét thấy nó không cần thiết.
 
Năm là, trong công cuộc đấu tranh chống lãng phí, các cơ quan thanh tra nhà nước đóng vai trò rất quan trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh huấn thị: “các ban thanh tra phải chú ý kiểm tra chống lãng phí, tham ô. Phát hiện ra những việc lãng phí, tham ô, chẳng những cần báo cáo với Trung ương và Chính phủ biết và giải quyết mà còn giúp các cấp lãnh đạo địa phương tìm ra những biện pháp để tích cực chống lãng phí, tham ô”. Như vậy, thanh tra, kiểm tra không những để phát hiện vi phạm, phát hiện lãng phí để xử lý. Quan trọng hơn, qua kiểm tra, các cơ quan thanh tra nhà nước tìm hiểu nguyên nhân, tìm ra biện pháp chống lãng phí, từ đó, kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, với bản thân các cơ quan là đối tượng thanh tra, kiểm tra để có các giải pháp hữu hiệu nhằm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có hiệu quả.
 
Cuộc đấu tranh chống lãng phí là một nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng, là nhiệm vụ trực tiếp, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trong cuộc chiến với thứ “giặc nội xâm” đầy cam go, phức tạp này, cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên và người lao động, trước hết là sự nêu gương của người đứng đầu tại từng cơ quan, tổ chức, cá nhân khu vực công, khu vực tư để từ đó “tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành tự nguyện, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân, văn hóa ứng xử trong thời đại mới” như Tổng bí thư Tô Lâm đã kêu gọi./.
ThS. VŨ THỊ KIM YẾN
_________________
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.12, tr.604.
(2) (3) Bác Hồ sống mãi với chúng ta, Nxb, Chính trị quốc gia, H, 2005, t.1, tr.341-343, 234-235.
(4) (5) (9) Bác Hồ sống mãi với chúng ta, Sđd, t.2, tr.560-561, 731-733, 924-925.
(6) Báo Cứu quốc, số 146, ngày 19/1/1946.
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.458-459.
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.220.
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr. 31.
(11) Vũ Kỳ: Thư ký Bác Hồ kể chuyện, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2005.
(12) UNESCO và Uỷ ban KHXH Việt Nam: Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb. Khoa học xã hội, H, 1990, tr.121.
(13) Bác Hồ ở Pháp, Nxb. Văn học, H, 1970, tr.66-75.
(14) Thế giới ca ngợi và thương tiếc Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, H,1976, tr.447-450.

Chi đoàn thanh niên
Số lượt xem:66

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ TỈNH KON TUM
Quản lý và nhập tin: Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum, số 12 Nguyễn Viết Xuân, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum.
Người chịu trách nhiệm chính: Ngô Việt Thành, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum.
Điện thoại: 02603.862710; Fax: 0603.864253; Email: skhdt@kontum.gov.vn, sokehoachdautu-kontum@chinhphu.vn.

Chung nhan Tin Nhiem Mang
5549819 Tổng số người truy cập: 1833 Số người online:
TNC Phát triển: