Căn cứ vị trí, chức năng và thực tiễn quản lý các hoạt động có liên quan đến tài nguyên nước, có 5 chủ thể/nhóm chủ thể được Ủy ban nhân dân tỉnh phân công, yêu cầu tổ chức một số nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường – Cơ quan giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh - có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan tổ chức nghiên cứu, quán triệt và tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Nghị định số 02/2023/NĐ-CP; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai các công việc thuộc nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; đôn đốc các tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục đăng ký hoặc nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép trong trường hợp quy định phải có; đăng ký và xác nhận đăng ký khai thác, sử dụng nước mặt, khai thác, sử dụng nước dưới đất theo thẩm quyền quy định; khoanh định, công bố danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; cập nhật thông tin của giấy phép tài nguyên nước.
“Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc các đơn vị, địa phương trao đổi, phối hợp và có văn bản gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, hướng dẫn”, Văn bản số 454/UBND-NNTN yêu cầu.
Nghị định số 02/2023/NĐ-CP quy định về “lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư và công khai thông tin trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước; điều tra cơ bản tài nguyên nước; trồng bù diện tích rừng bị mất và đóng góp kinh phí cho bảo vệ, phát triển rừng; chuyển nhượng quyền khai thác tài nguyên nước; đăng ký, cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước; thăm dò, khai thác nước dưới đất; tổ chức lưu vực sông và việc điều phối, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trên lưu vực sông”, Khoản 1 Điều 1 quy định.
Nghị định số 02/2023/NĐ-CP có cấu trúc 05 Chương với 51 Điều. Trong đó, Chương III quy định về “Bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước” chiếm đa số dung lượng, với 31 Điều – từ Điều 13 đến Điều 43. Nội dung Chương này tập trung quy định về nguyên tắc, căn cứ, điều kiện, trình tự và thủ tục trong cấp, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ, trả lại, cấp lại… các loại giấy phép. Thẩm quyền cấp, gia hạn, điều chỉnh, thu hồi và cấp lại Giấy phép theo Điều 28 được phân cấp cho 03 cơ quan, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường.
“Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 3 năm 2023”, đồng thời “bãi bỏ Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước.” – Điều 51 Nghị định số 02/2023/NĐ-CP nêu rõ.