Theo đó, Đề án nhằm triển khai cụ thể Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành phù hợp với tiềm năng, điều kiện của tỉnh Kon Tum; xây dựng định hướng, thiết lập mục tiêu và giải pháp phát triển kinh tế ban đêm (KTBĐ) cho tỉnh Kon Tum trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu tổng quát: "Định hướng hình thành và đầu tư phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn có tiềm năng, thế mạnh để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ ngành du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, qua đó lan tỏa phát triển các ngành kinh tế khác; đẩy mạnh hơn tốc độ tăng trưởng và phát triển của ngành thương mại dịch vụ nói chung, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hướng đến nền kinh tế 24 giờ; nâng cao thu nhập và đời sống của người dân; đồng thời hạn chế những rủi ro, tác động tiêu cực đối với công tác bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ an ninh trật tự và tài nguyên môi trường".
Mục tiêu cụ thể của Đề án là:
- Giai đoạn 2021-2025:
+ Tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 10%/năm. Đến năm 2025, tỷ trọng của khu vực dịch vụ đạt 42-43% GRDP của tỉnh.
+ Đến năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 205 cơ sở lưu trú với 2.890 buồng lưu trú phục vụ khách qua đêm; trong đó phấn đấu kêu gọi xây dựng và đưa vào vận hành ít nhất 05 khách sạn cao cấp hạng từ 4 đến 5 sao. Nâng tổng số ngày lưu trú trung bình của khách du lịch tại tỉnh từ 02 ngày trở lên.
+ Triển khai thí điểm các mô hình KTBĐ phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của từng địa phương; trong đó tập trung quy hoạch, triển khai các khu, điểm phát triển KTBĐ với phố đi bộ, chợ đêm, khu phố mua sắm - ẩm thực, dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm, trình diễn văn hóa - nghệ thuật về đêm tại thành phố Kon Tum và thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông.
- Giai đoạn 2026-2030:
+ Tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ bình quân giai đoạn 2026-2030 đạt trên 10%, cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Đến năm 2030, tỷ trọng của khu vực dịch vụ chiếm khoảng 43-45% GRDP của tỉnh.
+ Đến năm 2030, toàn tỉnh có ít nhất 255 cơ sở lưu trú với 3.640 buồng lưu trú phục vụ khách qua đêm; trong đó phấn đấu có ít nhất 09-10 khách sạn, khu nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn hạng từ 4 đến 5 sao. Phấn đấu nâng tổng số ngày lưu trú trung bình của khách du lịch tại tỉnh từ 2,5 ngày trở lên. Thu hút thành lập mới ít nhất 01 công ty chuyên kinh doanh dịch vụ lữ hành về đêm trên địa bàn tỉnh.
+ Triển khai chính thức các mô hình KTBĐ như phố đi bộ, chợ đêm, khu phố mua sắm - ẩm thực, dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm, trình diễn văn hóa - nghệ thuật về đêm; đồng thời bổ sung loại hình dịch vụ du lịch, thể dục thể thao tại các địa phương với trọng tâm là tại thành phố Kon Tum và thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông.
+ Hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị tại các khu vực, địa điểm được quy hoạch phát triển KTBĐ như phố đi bộ, bãi đỗ xe, đèn chiếu sáng, cấp thoát nước,… Thu hút đầu tư các dịch vụ hỗ trợ, phục vụ phát triển KTBĐ như trung tâm thương mại; hệ thống cửa hàng tiện lợi 24/24 giờ; dịch vụ vận chuyển về đêm như xe buýt, xe điện, xe đạp, tàu thuyền…
- Giai đoạn 2031-2050:
+ Khu vực dịch vụ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế, chiếm tỷ trọng khoảng 47-50% GRDP của tỉnh.
+ Phấn đấu thu hút đầu tư xây dựng các quần thể cơ sở lưu trú du lịch cao cấp tiêu chuẩn 5 sao; nâng tổng số ngày lưu trú trung bình của khách du lịch tại tỉnh từ 3 ngày trở lên.
+ Tiếp tục triển khai có hiệu quả các mô hình KTBĐ truyền thống. Đồng thời, tập trung thu hút đầu tư các mô hình KTBĐ hiện đại, phù hợp với xu hướng phát triển như công viên vui chơi, giải trí quy mô lớn; nâng cấp và tổ chức các show diễn ban đêm, các lễ hội, sự kiện quy mô mang tầm khu vực; các khu vui chơi giải trí cao cấp, có thưởng;... Từng bước kéo dài thời gian hoạt động của một số loại hình dịch vụ đến 06 giờ sáng hôm sau tại các địa bàn trọng điểm phát triển KTBĐ, hướng đến nền kinh tế 24 giờ.
+ Đẩy mạnh triển khai áp dụng, phát triển các mô hình KTBĐ tại địa bàn các huyện, thành phố gắn với thế mạnh, nét đặc trưng và điều kiện thực tế để từng bước đưa KTBĐ trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Ngoài ra, Đề án còn có nhiều nội dung về định hướng và giải pháp thực hiện. Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị các cơ quan, đơn vị và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chủ động, nghiêm túc nghiên cứu, xem xét các định hướng và giải pháp của Đề án (cụ thể tại Mục III Phần thứ hai và Mục I Phần thứ ba của Đề án kèm theo) để triển khai thực hiện đảm bảo đồng bộ, linh hoạt và phù hợp với nhu cầu, thực tiễn phát triển của địa từng phương.
Tải Quyết định số 521/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh tại đây.
Tải Đề án kèm theo tại đây./.