banner
Thứ 5, ngày 26 tháng 12 năm 2024
Hội nghị triển khai Chương trình MTQG các tỉnh Tây Nguyên
13-2-2023

Sáng ngày 10/02, tại tỉnh Gia Lai, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với các tỉnh Vùng Tây Nguyên (Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng) về tình hình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG). Thay mặt UBND tỉnh Kon Tum, đồng chí Nguyễn Hữu Tháp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan liên quan của tỉnh trực tiếp tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Gia Lai.

Hội nghị triển khai Chương trình MTQG các tỉnh Tây Nguyên

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu chính tỉnh Gia Lai

     Theo đánh giá tại hội nghị, Tây Nguyên là địa bàn đặc thù, có ý nghĩa quan trọng về địa chính trị, QPAN với diện tích rộng lớn, chiếm khoảng 1/6 diện tích cả nước nhưng chỉ có khoảng 6,3 triệu người sinh sống (chiếm tỉ lệ 6% dân số cả nước), trong đó đồng bào người dân tộc thiểu số chiếm 36,5%. Đời sống Nhân dân tại một số khu vực vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn, số xã đạt chuẩn nông thôn mới bình quân của vùng năm 2022 mới chỉ đạt khoảng 52%, thấp hơn bình quân chung của cả nước (khoảng 72%); thu ngân sách còn hạn chế, cần hỗ trợ nhiều từ ngân sách Trung ương…

Giai đoạn 2021-2025, Trung ương đã giao tổng vốn đầu tư phát triển cho 5 tỉnh Tây Nguyên trên 11.731 tỷ đồng, chiếm 11,73% tổng nguồn vốn đầu tư phát triển cả nước; Năm 2022, ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện 3 Chương trình MTQG cho vùng là 3.878,700 tỷ đồng (bao gồm cả vốn năm 2021 được chuyển sang năm 2022), chiếm 11,38% tổng nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho toàn quốc.

Trong quá trình thực hiện, các tỉnh Tây Nguyên gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong triển khai các Chương trình MTQG, nhất là Chương trình về Giảm nghèo bền vững và Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số - miền núi.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Hữu Tháp đề cập những vướng mắc liên quan đến thể chế, chính sách trong quá trình triển khai các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh, như: Công tác phân bổ, giao kế hoạch vốn ngân sách Trung ương thực hiện các Chương trình chậm so với thời điểm giao kế hoạch hàng năm của địa phương nên khó khăn cho việc cân đối nguồn lực đối ứng từ ngân sách địa phương, huy động nguồn lực hợp pháp để thực hiện các Chương trình; gây khó khăn trong công tác tổng hợp nhu cầu từ các cấp để xác định Danh mục dự án đầu tư trình HĐND tỉnh. Về thực hiện cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các Chương trình MTQG, kế hoạch, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị đều có thời gian thực hiện từ 2-3 năm, trong khi việc giao dự toán ngân sách nhà nước (kinh phí sự nghiệp) lại theo hàng năm.

Đồng chí cũng đề nghị các bộ, ngành Trung ương xem xét nghiên cứu, hợp nhất các văn bản quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện để địa phương dễ dàng nghiên cứu, áp dụng đồng bộ...

Tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên; các bộ, ngành liên quan đã trao đổi các ý kiến, kiến nghị các giải pháp để tìm ra hướng tháo gỡ khó khăn, phát huy hiệu quả trong thực hiện các Chương trình MTQG trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang kết luận hội nghị

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đánh giá cao công tác triển khai các Chương trình MTQG tại các tỉnh; đồng thời chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc mà các địa phương vùng Tây Nguyên đang gặp phải. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ việc triển khai các Chương trình MTQG tại khu vực còn chậm, nhiều khó khăn do hệ thống văn bản, hướng dẫn quy định của Trung ương có những quy định còn chưa rõ, nhiều cách hiểu khác nhau nên địa phương khó thực hiện; các tiêu chí, tiêu chuẩn, quy định, quy trình còn có tình trạng vênh nhau do sự tiếp nối các Chương trình trước đây và lồng ghép các Chương trình hiện nay...

Nhấn mạnh việc triển khai 3 Chương trình MTQG có ý nghĩa rất lớn cho các tỉnh Tây Nguyên; trong khi đó, thời gian để hoàn thành các Chương trình MTQG không còn nhiều, các địa phương vùng Tây Nguyên cần phải tập trung triển khai và cần nhanh chóng khắc phục những hạn chế cũng như bổ sung những vấn đề còn bất cập, còn thiếu... Do đó, trong quý I/2023, các bộ, ngành Trung ương phải hoàn tất việc ban hành văn bản hướng dẫn, sửa đổi hoặc đề xuất sửa đổi những quy định không phù hợp theo thứ tự ưu tiên, bảo đảm hiệu quả, cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại các tỉnh Tây Nguyên.

Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương sử dụng, bố trí vốn các Chương trình MTQG chậm, chưa hợp lý, cần rút kinh nghiệm và nhanh chóng khắc phục; tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát việc bố trí, sử dụng nguồn vốn hiệu quả, tránh dàn trải; khẩn trương hoàn thành công tác phân bổ, giao chi tiết kế hoạch vốn năm 2023. Các tỉnh phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, điều phối các sở, ngành khẩn trương hoàn tất những nhiệm vụ đã được phân cấp, tránh tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm...

Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum. 

Phòng Kinh tế ngành
Số lượt xem:452

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ TỈNH KON TUM
Quản lý và nhập tin: Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum, số 12 Nguyễn Viết Xuân, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum.
Người chịu trách nhiệm chính: Ngô Việt Thành, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum.
Điện thoại: 02603.862710; Fax: 0603.864253; Email: skhdt@kontum.gov.vn, sokehoachdautu-kontum@chinhphu.vn.

Chung nhan Tin Nhiem Mang
5493887 Tổng số người truy cập: 1405 Số người online:
TNC Phát triển: