Sáng 18/10, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa - thể thao và Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hội nghị được tổ chức trực tuyến đến điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh Kon Tum
Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Ngọc Sâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố.
Tại hội nghị các đại biểu được nghe thông qua Quyết định số 509/QĐ-TTg, ngày 13/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quyết định số 991/QĐ-TTg, ngày 16/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo Quyết định số 509/QĐ-TTg, năm 2025 phấn đấu đón từ 25 - 28 triệu lượt khách quốc tế; 130 triệu lượt khách nội địa tạo ra khoảng 6,3 triệu việc làm. Đến năm 2030, đón 35 triệu lượt khách quốc tế; đón 160 triệu lượt khách nội địa tạo ra khoảng 10,5 triệu việc làm. Đến năm 2045 phấn đấu đón 70 triệu lượt khách quốc tế tạo ra tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 7.300 nghìn tỷ đồng.
Tại Quyết định này sẽ quy hoạch phát triển không gian du lịch Việt Nam chia làm 06 vùng, 03 cực tăng trưởng, 08 khu vực động lực, 05 hành lang du lịch chính, 11 trung tâm du lịch; hình thành hệ thống các Khu du lịch quốc gia và địa điểm tiềm năng phát triển thành Khu du lịch quốc gia. Trong đó, định hướng phát triển của vùng Tây Nguyên (các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng) sẽ phát triển các sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác thế mạnh từ cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái đa dạng và bản sắc văn hóa đặc trưng. Ưu tiên phát triển các sản phẩm mang đặc trưng riêng của vùng: du lịch khám phá, trải nghiệm thiên nhiên vùng đất cao nguyên, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; du lịch “Con đường xanh Tây Nguyên”; du lịch nghỉ dưỡng núi, du lịch sinh thái.
Quyết định số 991/QĐ-TTg đặt ra mục tiêu là phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa quốc gia đồng bộ, hiện đại, bản sắc, hướng đến xây dựng hình ảnh quốc gia gắn với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại, đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định và nhu cầu thực tiễn; bảo đảm công bằng trong tham gia, hưởng thụ của Nhân dân các vùng, khu vực trong cả nước; bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc; bảo đảm liên kết vùng và liên kết với các kết cấu hạ tầng khác trong phạm vi lãnh thổ.
Mạng lưới cơ sở thể dục, thể thao quốc gia được phát triển đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu tập luyện và hưởng thụ của Nhân dân; yêu cầu tập luyện và thi đấu đạt chuẩn quốc tế đối với các môn thể thao trọng điểm, có mục tiêu giành huy chương châu lục, thế giới; đủ điều kiện tổ chức các sự kiện thể thao có quy mô lớn ở khu vực và châu lục.
Phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao gắn với cơ chế thị trường, là nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa và kinh tế thể thao. Hình thành các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của xã hội, phục vụ học tập, rèn luyện suốt đời của người dân, góp phần xây dựng xã hội học tập và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, cho ý kiến góp ý để sớm hoàn chỉnh và ban hành 2 đồ án quy hoạch cụ thể về mạng lưới cơ sở văn hóa - thể thao và hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum./.