Ngày 20/02/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum có Công văn số 418/UBND-KTTH báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022, năm 2023 và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, theo đó:
1. Đối với Kế hoạch đầu tư công năm 2022:
Tính đến 31/01/2023, toàn tỉnh đã giải ngân được khoảng 2.749.841 triệu đồng, đạt khoảng 81,2% so với thực nguồn kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 địa phương đã giao (3.386.709 triệu đồng) và đạt khoảng 92% kế hoạch vốn Trung ương giao (3.012.836 triệu đồng). Ngoài ra, địa phương còn giải ngân 77.929 triệu đồng kế hoạch năm 2021 được kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2022, đạt 97% kế hoạch.
Nhìn chung, kết quả là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt tỷ lệ tương đối khá, trong đó một số dự án thuộc ngành/ lĩnh vực hỗ trợ từ ngân sách trung ương trong nước giải ngân đạt tỷ lệ rất cao như: Ngành/ lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy lợi và thủy sản đạt 100%, Ngành/lĩnh vực giao thông đạt khoảng 99%,…Tỷ lệ giải ngân thấp đối với nguồn vốn ngân sách trung ương chủ yếu do nguồn vốn được giao bổ sung trong năm, như: nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia đạt 53,26%; nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đạt 76,4%; các dự án ODA giải ngân theo cơ chế của nhà tài trợ chỉ đạt 43%.
Ngoài các nguyên nhân khách quan như vướng mắc trong chính sách giải phóng mặt bằng, tái định cư; tác động của đại dịch COVID-19; Trung ương bổ sung vốn nhiều đợt kế hoạch vốn vào thời điểm giữa và cuối năm;... thì Ủy ban nhân dân tỉnh cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân chủ quan, cụ thể:
- Chất lượng hồ sơ một số dự án chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu của dự án, trong quá trình triển khai vẫn còn điều chỉnh, bổ sung nhiều lần... làm chậm tiến độ; Trình độ năng lực, kinh nghiệm của một số đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công và chủ đầu tư còn hạn chế.
- Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được phát huy đầy đủ. Còn chậm trễ trong công tác hoàn thiện thủ tục đầu tư, chậm trễ trong công tác nghiệm thu, thanh toán khối lượng hoàn thành, chưa sâu sát công việc và thiếu quyết liệt xử lý vướng mắc, dẫn đến bồi thường, giải phóng mặt bằng kéo dài làm chậm tiến độ thực hiện dự án.
Hiện nay, địa phương đang chỉ đạo thực hiện rà soát, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan trong việc để xảy ra tình trạng giải ngân kế hoạch năm 2022 đạt kết quả thấp của từng dự án.
2. Đối với Kế hoạch đầu tư công năm 2023:
Theo số liệu báo cáo của Kho bạc Nhà nước tỉnh, tính đến ngày 31/01/2023, toàn tỉnh đã giải ngân được khoảng 119.909 triệu đồng, đạt khoảng 4,05% so với thực nguồn kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 địa phương đã giao (2.962.159 triệu đồng). Ước thực hiện hết quý I năm 2023, toàn tỉnh giải ngân được khoảng 20% so với thực nguồn kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 địa phương giao (cùng kỳ năm 2022 đạt 16%).
Cũng tại Công văn nêu trên, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng có một số kiến nghị, đề xuất đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để giải quyết một số khó khăn trong công tác giải ngân và tăng cường phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp huyện, xã quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân tỉnh.