Trên địa bàn tỉnh Kon Tum, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản luôn được các cấp, các ngành hết sức quan tâm chỉ đạo. Nhiều mô hình sản xuất ứng dụng kỹ thuật và công nghệ tiên tiến ở quy mô hộ gia đình và doanh nghiệp như: trồng rau hoa xứ lạnh; chăn nuôi gia súc áp dụng công nghệ cao (huyện Kon Plông), trồng sâm Ngọc Linh gắn với công tác nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông); trồng cà phê theo tiêu chuẩn VietGap (huyện Đăk Hà). Một số dự án lớn dự kiến triển khai như: đầu tư khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Kon Plông (các doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh đầu tư), chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt áp dụng công nghệ cao tại huyện Ia H’Drai. Đặc biệt là công tác chọn, tạo, nhân giống mới và chuyển giao các giống cây trồng - vật nuôi chất lượng cao, chuyển giao các quy trình canh tác, sơ chế biến và bảo quản sản phẩm tiên tiến được các cơ quan của ngành nông nghiệp quan tâm triển khai. Tuy nhiên, mức độ triển khai của các mô hình còn ít, chất lượng giống cây trồng và vật nuôi chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất trên diện rộng. Từ những tồn tại trên đã làm cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh chưa có đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, sức cạnh tranh chưa cao, hiệu quả còn thấp.
Để tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, nhằm tạo ra những sản phẩm nông nghiệp thân thiện với môi trường, có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền sản suất nông nghiệp trong quá trình hội nhập quốc tế, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để thành lập Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen, Đồng thời thu hút các nhà đầu tư và người dân mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ cao và phát triển sản suất nông nghiệp, từng bước thay đổi phương thức sản xuất truyền thống, cải thiện năng suất, tăng giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích, góp phần nâng cao đời sống cho nông dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện Kon Plông nói riêng và tỉnh Kon Tum nói chung.
Ngày 31 tháng 10 năm 2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã phê duyệt đầu tư dự án "Xây dựng cơ sở hạ tầng Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen - Giai đoạn 1". Dự án có tổng mức đầu tư 60.800 triệu đồng, đầu tư bằng nguồn vốn Ngân sách tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác, với các nội dung, quy mô đầu tư chủ yếu như:
San nền, khối lượng đào 28.843m3, khối lượng đắp 24.902m3.
Đường giao thông: Tuyến N1 dài L = 254,4m; Tuyến N2 dài L = 616,8m; Tuyến N3, L = 991,9m. Tất cả tuyến đường có bề rộng nền Bn = 6m, kết cấu mặt bằng đất lu lèn k = 0,98. Trên các tuyến bố trí hệ thống thoát nước, các biển báo an toàn giao thông.
Nhà màng sản xuất: Nhà màng trồng rau, hoa dược liệu cao cấp, diện tích 2.880m2 (01 nhà màng);
Nhà màng trồng rau, quả xử lạnh, diện tích 47.539m2 (14 nhà màng).
Hệ thống cấp nước: Tận dụng lại 01 giếng khoan; xây bổ sung 01 giếng khoan và 02 bể nước ngâm (mỗi bể có dung tích 380m3). Hệ thống đường ống cấp nước, tưới nước,...
Hệ thống cấp điện: Đường dây trung hạ thế 22kV; trạm biến áp 03 pha 22/0,4kV; đường dây hạ thế 0,4kV; trụ điện bằng BTLT.
Trang thiết bị: Tủ vi sinh; máy đo PH để bàn; giá nuôi cây mô với đèn Led chuyên dùng; bếp điện từ.
Dự kiến tiến độ thực hiện dự án đến năm 2020 sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng. Đây cũng chính là cơ hội thu hút các nhà đầu tư và người dân mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ cao và phát triển sản suất nông nghiệp, từng bước thay đổi phương thức sản xuất truyền thống, cải thiện năng suất, tăng giá trị sản phẩm, góp phần nâng cao đời sống cho nông dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện Kon Plông nói riêng và tỉnh Kon Tum nói chung.