Thực hiện Quyết định số 127/QĐ-TTg ngày 26 tháng 01 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (TTNT) đến năm 2030 (Quyết định số 127/QĐ-TTg), Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện giai đoạn 2025-2030, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích: Triển khai hiệu quả các quan điểm chỉ đạo, định hướng chiến lược, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược theo Quyết định số 127/QĐ-TTg, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh Kon Tum.
2. Yêu cầu
- Xây dựng, ban hành và thực hiện Kế hoạch phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Quyết định số 127/QĐ-TTg.
- Phân công cụ thể trách nhiệm chủ trì, phối hợp cho các đơn vị, địa phương trong việc thực hiện Kế hoạch, đảm bảo phát huy hiệu quả vai trò của các cấp, ngành trong quá trình triển khai.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
- Tuyên truyền nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp và người dân về các nội dung của Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng TTNT đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
- Phấn đấu đến năm 2030, Kon Tum hình thành và triển khai hiệu quả hoạt động đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp ứng dụng TTNT ở một số ngành, lĩnh vực trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và phù hợp với đặc thù của tỉnh như: ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nông nghiệp công nghệ cao (cà phê, cao su, sâm Ngọc Linh,…) và quản lý rừng, bảo vệ môi trường; phát triển trí tuệ nhân tạo trong quản lý, bảo tồn di sản văn hóa và du lịch; …
- Về lâu dài, đẩy mạnh ứng dụng và phát triển TTNT ở tất cả các ngành, lĩnh vực của tỉnh.
2. Mục tiêu cụ thể
- Đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cơ bản về ứng dụng TTNT cho cán bộ các phòng, ban, đơn vị trực thuộc các sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, phục vụ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, trang bị các kỹ năng cơ bản cần thiết để chuẩn bị đón nhận, phát triển các ứng dụng TTNT giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động.
- Ứng dụng rộng rãi trợ lý ảo hỗ trợ cán bộ, công chức trong lĩnh vực hành chính công, dịch vụ công trực tuyến giúp giảm thời gian xử lý công việc, giảm thời gian chờ đợi và chi phí của người dân.
- Hoàn thành cơ sở dữ liệu mở, liên thông và kết nối trong các lĩnh vực ưu tiên: y tế, giáo dục - đào tạo, văn hóa du lịch, công nghiệp, nông nghiệp, tài nguyên - môi trường, khoa học và công nghệ phục vụ ứng dụng TTNT.
- Triển khai ít nhất 05 nhiệm vụ, dự án, mô hình ứng dụng TTNT trong lĩnh vực giáo dục, y tế, công nghiệp, nông nghiệp, quản lý đô thị, quản lý xã hội và hành chính công, du lịch; các hoạt động cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống thiên tai và ứng phó sự cố, dịch bệnh góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, trong đó chú trọng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nông nghiệp công nghệ cao (cà phê, cao su, sâm Ngọc Linh,…) và quản lý rừng, bảo vệ môi trường; phát triển trí tuệ nhân tạo trong quản lý, bảo tồn di sản văn hóa và du lịch; …
III. NỘI DUNG, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1. Cụ thể hóa, triển khai thực hiện chính sách pháp luật liên quan đến TTNT
Xây dựng, ban hành các quy định cụ thể hóa các chính sách, pháp luật của nhà nước phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, tạo hành lang pháp lý thông thoáng đáp ứng yêu cầu thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng TTNT vào phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh.
2. Xây dựng hạ tầng dữ liệu và tính toán cho nghiên cứu, phát triển và ứng dụng TTNT
- Thúc đẩy chia sẻ dữ liệu phục vụ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng TTNT; hình thành các cơ sở dữ liệu dùng chung, chia sẻ mở để nghiên cứu, phát triển các ứng dụng TTNT. Xây dựng cơ chế chia sẻ dữ liệu theo nguyên tắc các bên cùng có lợi, tạo động lực để chia sẻ, đồng thời bảo đảm được phân quyền truy cập dữ liệu, tránh để lộ, lọt thông tin dữ liệu có tính riêng tư của cá nhân hay tổ chức.
- Hoàn thiện nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP) kết nối liên thông với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; cơ sở dữ liệu các bộ, ngành, địa phương. Hoàn thành việc nâng cấp Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh, chuyển dịch sang sử dụng nền tảng điện toán đám mây và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tổng hợp, phân tích dữ liệu để lưu trữ tập trung phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh”.
3. Phát triển hệ sinh thái TTNT
- Phát triển nguồn nhân lực: Triển khai phổ cập kỹ năng cơ bản về ứng dụng TTNT và khoa học dữ liệu nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên. Tổ chức các cuộc thi về công nghệ thông tin và truyền thông, trong đó, ưu tiên đối với các chủ đề liên quan TTNT nhằm tìm kiếm nguồn nhân lực trẻ có tiềm năng cho tỉnh. Thúc đẩy triển khai các hình thức đào tạo chứng chỉ ngắn hạn và trung hạn về TTNT cho học sinh, sinh viên các trường cao đẳng, đại học, người lao động có nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp.
- Xây dựng, triển khai nghiên cứu và phát triển: Tập trung đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng và phát triển một số sản phẩm TTNT phục vụ thị trường và nhu cầu trên địa bàn tỉnh; khuyến khích ứng dụng TTNT để nâng cao hiệu quả đầu ra của các hoạt động nghiên cứu, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
- Thu hút các nguồn lực, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến phối hợp xây dựng các trung tâm, cơ sở đào tạo, phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu trên địa bàn tỉnh.
4. Thúc đẩy ứng dụng TTNT
- Phát triển doanh nghiệp ứng dụng TTNT: Khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh triển khai, phát triển và ứng dụng TTNT đối với các lĩnh vực đã sẵn sàng về dữ liệu, công nghệ và kinh phí đầu tư. Khuyến khích, đẩy mạnh triển khai các nền tảng phần mềm và ứng dụng mở về TTNT sẵn có.
- Ứng dụng TTNT trong quốc phòng, an ninh và các lĩnh vực kinh tế - xã hội, khuyến khích ứng dụng và phát triển một số sản phẩm TTNT đặc thù. Thúc đẩy các sở, ngành, địa phương sử dụng các ứng dụng, dịch vụ TTNT nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động trong phân phối, sử dụng nguồn lực xã hội, nâng cao chất lượng quản lý nhà nước, quản lý xã hội, quản lý đô thị.
- Nâng cao năng lực, trình độ, nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, doanh nghiệp, người dân về dữ liệu và ứng dụng TTNT.
5. Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực TTNT
Khuyến khích thúc đẩy các dự án hợp tác chuyển giao công nghệ, khai thác các sáng chế, quyền sở hữu công nghiệp giữa các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với các doanh nghiệp nước ngoài về TTNT. Tham gia các hội, hiệp hội quốc tế và tổ chức khác về phát triển ứng dụng TTNT.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Nguồn kinh phí thực hiện Kế hoạch bao gồm nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, vốn doanh nghiệp, tài trợ quốc tế và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
2. Đối với nguồn ngân sách nhà nước, thực hiện theo phân cấp nhà nước hiện hành. Căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch này để xây dựng dự toán kinh phí cụ thể để triển khai thực hiện theo quy định.
3. Đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực tài chính từ các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia thực hiện Kế hoạch theo quy định pháp luật; lồng ghép thực hiện các nhiệm vụ được giao cho các Sở, ban ngành, đơn vị trong các Chương trình mục tiêu quốc gia khác có liên quan.
V. Tổ chức thực hiện
1. Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì tổ chức thực hiện Kế hoạch, làm đầu mối tổng hợp tình hình thực hiện Kế hoạch; định kỳ hằng năm (trước ngày 15 thang 12) báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ, Uỷ Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Các Sở, ngành, đơn vị liên quan căn cứ nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này, hàng năm xây dựng Kế hoạch cụ thể để thực hiện; có trách nhiệm tổ chức triển khai trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao và theo quy định pháp luật hiện hành.
3. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm triển khai thực hiện, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đẩy nhanh ứng dụng các giải pháp TTNT trong quản lý đô thị, quản lý xã hội và hành chính công.
4. Các đơn vị, địa phương chủ động cân đối trong phạm vi dự toán được cấp thẩm quyền giao hằng năm theo phân cấp để triển khai thực hiện theo quy định. Định kỳ hàng năm (trước ngày 15 tháng 11) báo cáo kết quả triển khai thực hiện gửi Sở Khoa học và Công nghệ tổng hợp báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ và Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.
Căn cứ nội dung Kế hoạch; các đơn vị, địa phương tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo đạt hiệu quả, theo đúng quy định. Quá trình thực hiện phát sinh khó khăn, vướng mắc, các đơn vị, địa phương kịp thời báo cáo, đề xuất gửi Sở Khoa học và Công nghệ tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo./.