banner
Thứ 6, ngày 10 tháng 5 năm 2024
UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo thực hiện các giải pháp trọng tâm đẩy mạnh việc phân bổ, triển khai thực hiện và giải ngân các dự án sử dụng vốn đầu tư công năm 2023
17-4-2023

Ngày 13/4/2023, UBND tỉnh Kon Tum ban hành Công văn số 1078/UBND-KTTH về việc đẩy mạnh phân bổ, triển khai thực hiện và giải ngân các dự án sử dụng vốn đầu tư công năm 2023.

UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo thực hiện các giải pháp trọng tâm đẩy mạnh việc phân bổ, triển khai thực hiện và giải ngân các dự án sử dụng vốn đầu tư công năm 2023

Hình ảnh minh họa

Năm 2022, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương, của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, công tác quản lý về đầu tư công được quan tâm, chỉ đạo sát sao, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Điều này đã tạo ra tác động tích cực, kết quả là tỷ lệ giải ngân của tỉnh Kon Tum năm 2022 nằm trong các địa phương có tỷ lệ giải ngân khá cao trong cả nước. 

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, vẫn còn một số dự án có tỷ lệ giải ngân thấp; phải trình cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm sau; nhiều dự án chất lượng vẫn chưa cao, chưa phát huy được hiệu quả đầu tư, công tác hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án còn chậm trễ làm ảnh hưởng đến việc phân bổ kế hoạch hàng năm. Nguyên nhân chủ yếu thuộc về yếu tố chủ quan của các chủ đầu tư, một số nơi, cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu còn thiếu quyết tâm, chưa sâu sát đôn đốc thực hiện, chưa làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, chưa tập trung xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc phát sinh của các dự án; công tác chuẩn bị đầu tư còn sơ sài, chất lượng chưa tốt, công tác giải phóng mặt bằng còn chậm trễ; một số Ban quản lý, chủ đầu tư, nhà thầu còn yếu kém về năng lực... Đối với các dự án giải ngân thấp (tỷ lệ đạt dưới 50%), vừa qua Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Công văn số 879-CV/TU ngày 15 tháng 3 năm 2023 chỉ đạo việc thực hiện kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.

Thời gian tới, dự báo tình hình quốc tế còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Ở trong nước, có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, nhất là áp lực giá vật liệu xây dựng làm tăng chi phí đầu vào của hoạt động xây dựng, quy mô vốn đầu tư công năm 2023 tăng 23% so với năm 2022, khối lượng công việc nhiều, yêu cầu tiến độ và chất lượng cao. Trong bối cảnh đó, việc đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu công, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia là yêu cầu vừa mang tính cấp bách, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Để phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt kết quả cao nhất, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương nghiêm túc thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như:

1. Về phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công:

-  Khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 được giao, tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại các Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm; bảo đảm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải.

- Lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ nghiêm kế hoạch theo từng tháng, quý (hoàn thành trong tháng 4 năm 2023). Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ. Phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện; bám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án, coi đây là căn cứ đánh giá xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao trong năm 2023.

- Các đơn vị được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư khẩn trương hoàn tất các thủ tục đầu tư dự án (trong tháng 4 năm 2023) để trình cơ quan chuyên môn thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt dự án theo đúng quy định; chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nếu để xảy ra chậm trễ trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.

- Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về đất đai, tài nguyên...; có chế tài xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công, điều chuyển kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà,...

2. Đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội: 

Các chủ đầu tư phân công cụ thể lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo theo dõi tiến độ thực hiện dự án thuộc Chương trình, đảm bảo dự án hoàn thành đúng tiến độ, phát huy hiệu quả đầu tư và chịu trách nhiệm giải ngân toàn bộ số vốn được giao từ Chương trình trong năm 2023 theo đúng quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và các quy định pháp luật có liên quan.

3. Đối với việc thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia: 

- Rà soát danh mục các dự án đầu tư, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên về tính khả thi, hiệu quả, bảo đảm trọng tâm trọng điểm, dứt khoát không dàn trải, manh mún trong quá trình tổ chức thực hiện.

- Phối hợp với Kho bạc Nhà nước làm thủ tục kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương trong nước năm 2022 (bao gồm cả kế hoạch năm 2021 đã được kéo dài sang năm 2022) của 03 Chương trình mục tiêu quốc gia chưa giải ngân đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2023.

4. Về thực hiện chế độ báo cáo định kỳ:

- Các chủ đầu tư rà soát, tổng hợp dữ liệu thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, danh mục dự án đầu tư, kết quả giải ngân kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2023 đến ngày 20 hàng tháng (bao gồm cả vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nguồn dự phòng ngân sách Trung ương), định kỳ báo cáo về Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính trước ngày 21 hằng tháng.

- Trường hợp tỷ lệ giải ngân hằng tháng dưới mức trung bình của cả nước (tính theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Phiên họp thường kỳ hàng tháng và được công khai trên Công thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công): Yêu cầu các đơn vị báo cáo qua Sở Kế hoạch và Đầu tư để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch trước ngày 04 hàng tháng theo đề cương quy định tại Công văn số 1985/BKHĐT-TH ngày 20 tháng 3 năm 2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

 

Phòng Tổng hợp, Quy hoạch
Số lượt xem:388

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ TỈNH KON TUM
Quản lý và nhập tin: Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum, số 12 Nguyễn Viết Xuân, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum.
Người chịu trách nhiệm chính: Ngô Việt Thành, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum.
Điện thoại: 02603.862710; Fax: 0603.864253; Email: skhdt@kontum.gov.vn, sokehoachdautu-kontum@chinhphu.vn.

Chung nhan Tin Nhiem Mang
4965350 Tổng số người truy cập: 2720 Số người online:
TNC Phát triển: