Tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh tháng 01/2024
31-1-2024
Theo Cục Thống kê tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội tháng 01 năm 2024 trên địa bàn tỉnh nhìn chung ổn định, hoạt động sản xuất, kinh doanh và sức mua trên địa bàn có tăng so với cùng kỳ.
Tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh tháng 01/2024
CT
Theo Cục Thống kê tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội tháng 01 năm 2024 trên địa bàn tỉnh nhìn chung ổn định, hoạt động sản xuất, kinh doanh và sức mua trên địa bàn có tăng so với cùng kỳ.
 




Trên cơ sở kế hoạch phát triển sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản năm 2024, ngay từ đầu năm, Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động triển khai, chỉ đạo, theo dõi và nắm bắt tình hình sản xuất; Tập trung chủ yếu vào công tác gieo trồng lúa vụ đông xuân và các cây rau, quả phục vụ dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024; Ngành chăn nuôi kiểm soát được dịch bệnh, chăn nuôi gia cầm phát triển tốt; Sản xuất lâm nghiệp và thủy sản tương đối ổn định.
 

Tình hình hoạt động sản xuất ngành công nghiệp của các đơn vị, cơ sở tương đối ổn định và có mức tăng trưởng khá cao cùng kỳ năm trước. Hầu hết các ngành sản xuất đều có chỉ số sản xuất tăng; một số nhóm ngành tăng cao như ngành chế biến thực phẩm, sản xuất hóa chất, sản xuất bàn ghế, chế biến gỗ... Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 01/2024 ước tính giảm 8,94% so với tháng trước và tăng 22,09% so với cùng kỳ năm trước.
 

Trong tháng 01/2024, ước tính có 14 doanh nghiệp thành lập mới, đạt 3,88 % kế hoạch và tăng 16,66% so với cùng kỳ; tổng vốn đăng ký khoảng 79 tỷ đồng, đạt 1,97 % kế hoạch và tăng 1,28% so với cùng kỳ. Có 25 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 13,79%; 04 doanh nghiệp đã giải thể, giảm 20%; 90 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, giảm 5,26% so với cùng kỳ năm trước.
 
Với tác động có độ trễ của chính sách sau những lần giảm lãi suất điều hành và các biện pháp đồng bộ khác của NHNN, từ cuối năm 2023 đến nay, mặt bằng lãi suất trên địa bàn đã có xu hướng giảm khá nhiều so với đầu năm 2023. Mặt bằng lãi suất huy động trên địa bàn hiện nay đang ở mức rất thấp; các tổ chức tín dụng đã triển khai đa dạng, linh hoạt các sản phẩm tín dụng, các gói tín dụng ưu đãi của riêng từng hệ thống để phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn.
 

Hoạt động đầu tư trong tháng tập trung chủ yếu vào thi công các công trình, dự án trọng điểm chuyển tiếp từ năm trước, hoàn tất các thủ tục nghiệm thu, thanh toán khối lượng hoàn thành của năm 2023. Đối với các công trình mới được bố trí vốn năm 2024 chủ yếu đang trong trong thời gian hoàn tất các thủ tục, hồ sơ chuẩn bị đầu tư nên chưa có khối lượng thực hiện.
 

Doanh thu hoạt động thương mại, dịch vụ trong tháng có mức tăng trưởng đáng kể. Tháng Một năm 2024 là thời điểm trước tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 nên hoạt động bán lẻ và kinh doanh dịch vụ tiêu dùng tăng so với tháng trước và cùng kỳ năm trước, các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị và cơ sở kinh doanh chủ động chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào, phong phú, đa dạng và đưa ra nhiều chương trình, hình thức khuyến mại, giảm giá nhằm kích cầu, thu hút tiêu dùng của người dân trong dịp tết Nguyên đán.
 

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 01/2024 tăng 0,5% so với tháng trước liền kề (khu vực thành thị tăng 0,48%; khu vực nông thôn tăng 0,51%), tác động chính là do giá gạo tăng và một số mặt hàng tiêu dùng chuẩn bị Tết Nguyên đán tăng nhẹ; tăng 0,68% so với cùng kỳ năm trước (tháng 01/2023).
 
Tháng 01/2024, các cấp, các ngành đã tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024; quốc phòng, an ninh trên địa bàn được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Phòng Kinh tế ngành  
Số lượt xem:196