Nhìn lại nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh Kon Tum
28-7-2023
Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh, bức tranh kinh tế-xã hội của Kon Tum đậm gam màu sáng…
Nhìn lại nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh Kon Tum
Một góc thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum

 Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh Kon Tum đã đề ra mục tiêu tổng quát cho nhiệm kỳ 2020-2025: "Tiếp tục xây dựng Đảng bộ, hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ và hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền; tăng cường đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội; củng cố niềm tin của Nhân dân và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết các dân tộc; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ và đẩy mạnh đổi mới sáng tạo; huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của tỉnh; tập trung phát triển dược liệu, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đầu tư phát triển đô thị, du lịch, dịch vụ và tăng cường cải cách hành chính; bảo đảm duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và mức sống của Nhân dân; bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Giữ vững ổn định quốc phòng, an ninh trong mọi tình huống, không để bị động bất ngờ. Đưa tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững”.

Để thực hiện được mục tiêu quan trọng này, Đảng bộ tỉnh đã đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm:

(1) Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

(2) Tiếp tục tái cơ cấu đồng bộ kinh tế của tỉnh theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

(3) Thực hiện đầy đủ, đồng bộ 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

(4) Tập trung bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn.

(5) Đẩy mạnh cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

(6) Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; đảm bảo an ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội.

Xác định 3 lĩnh vực đột phá:

(1) Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với công nghiệp chế biến.

(2) Đẩy mạnh phát triển du lịch với nhiều loại hình.

(3) Tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng (đô thị, các khu, cụm công nghiệp-đô thị-dịch vụ).

Trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh đề ra, gần 3 năm qua, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tập trung cao độ cho công tác quán triệt, triển khai, cụ thể hóa, thể chế hóa kịp thời các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, pháp luật của Nhà nước; trọng tâm là các chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06-10-2022 của Bộ Chính trị "về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”... Chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương để tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc; đồng thời, tổ chức sơ kết, tổng kết và ban hành nhiều nghị quyết, kết luận, đề án quan trọng để khai thác và phát huy các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, tập trung xây dựng tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững.

Nhờ triển khai nhiều chủ trương, giải pháp phù hợp, đúng đắn với quyết tâm cao, nên mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19, nhưng bức tranh tổng thể kinh tế-xã hội của tỉnh Kon Tum vẫn tiếp tục khởi sắc.

Quy mô tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn tỉnh (GRDP) đến cuối năm 2023 ước đạt khoảng 34.100 tỷ đồng, gấp 1,32 lần năm 2020; tốc độ tăng trưởng hằng năm ở mức khá, bình quân giai đoạn 2021-2023 đạt 8,8%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng các ngành nông, lâm, thủy sản (ngành nông, lâm, thủy sản giảm từ 19,75% năm 2020 xuống còn 19,06; ngành công nghiệp-xây dựng tăng từ 26,83% năm 2020 lên 31,26%). GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 57,8 triệu đồng, gấp 1,24 lần năm 2020 và đạt 82,53% mục tiêu đến năm 2025. Thu ngân sách nhà nước năm 2023 ước đạt 4.500 tỷ đồng, gấp 1,28 lần năm 2020 và đạt 90% mục tiêu.

Công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được triển khai quyết liệt. Chỉ số PCI của tỉnh Kon Tum năm 2022 đạt 64,89 điểm, xếp thứ 37/63 tỉnh, thành phố, tăng 24 bậc so với năm 2021, là thứ hạng cao nhất tỉnh đạt được kể từ năm 2006 đến nay. Điều này là minh chứng rõ nét nhất cho quyết tâm của tỉnh trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Công tác xúc tiến đầu tư được đổi mới; đã có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đến tìm hiểu và đầu tư (như: Tập đoàn Sun Group, Công ty Intracom, Tổng công ty Vinaconex, Vimeco, Công ty Alphanam, Công ty Vị Trí Vàng...); đã thu hút được 53 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 16.226,9 tỷ đồng; có 985 doanh nghiệp thành lập mới (đạt 65,7% mục tiêu đến năm 2025). Hoạt động hợp tác xã được quan tâm phát triển, hiện toàn tỉnh có 232 hợp tác xã với 1.250 hội viên; 225 tổ hợp tác và 2.390 thành viên tổ hợp tác.

Lĩnh vực nông nghiệp từng bước phát triển theo chiều sâu; các loại cây trồng chủ lực của tỉnh tiếp tục được mở rộng diện tích: cà phê khoảng 29.018 ha, đạt 116%; cao su khoảng 77.341 ha, đạt 110,5%; cây Mắc ca khoảng 3.363 ha, đạt 168,15%; cây ăn quả ước khoảng 10.695 ha, đạt 106,95%; Sâm Ngọc Linh khoảng 2.284 ha, đạt 50,76%; cây dược liệu khác khoảng 7.606 ha, đạt 76,06%. Đã thu hút được một số dự án chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi, như: Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao tại huyện Sa Thầy; Trang trại chăn nuôi lợn thịt tại huyện Ia H'Drai... Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được quan tâm triển khai, có 188 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, dự kiến cuối năm 2023 có 07 sản phẩm được công nhận đạt 5 sao cấp quốc gia. Công tác quản lý, bảo vệ rừng được triển khai quyết liệt; đã thực hiện khoán bảo vệ rừng với tổng diện tích khoảng 264.393,48 lượt ha cho các cộng đồng, hộ gia đình. Ước đến cuối năm 2023, trồng mới được 14.120 ha, đạt 94,13% mục tiêu; nâng độ che phủ rừng của tỉnh lên 63,12%.

Công nghiệp phát triển cả về quy mô và chất lượng, chỉ số phát triển công nghiệp giai đoạn 2021-2023 bình quân tăng 16,51%/năm. Công nghiệp chế biến có bước phát triển mạnh, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản. Tiềm năng, thế mạnh về thủy điện, điện gió, điện năng lượng mặt trời được chú trọng phát triển và khai thác hiệu quả.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tăng trưởng 15,37%/năm; kim ngạch xuất khẩu duy trì mức tăng trưởng bình quân 7,39%/năm, ước thực hiện năm 2023 đạt khoảng 353 triệu USD, đạt 141,2% mục tiêu. Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhưng ngành du lịch của tỉnh vẫn có nhiều khởi sắc và tăng trưởng mạnh mẽ, tổng lượng khách bình quân giai đoạn 2021-2023 tăng 38,59%/năm, ước năm 2023 đạt khoảng 1,5 triệu lượt khách; tổng doanh thu năm 2023 ước 450 tỷ đồng, gấp 3,75 lần so với năm 2020.

Đã tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội để đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội. Hệ thống đường giao thông được tập trung đầu tư, nâng cấp, bảo đảm sự kết nối giữa các vùng trong tỉnh và giữa các tỉnh trong khu vực. Nhiều dự án về phát triển, chỉnh trang đô thị được triển khai thực hiện. Công tác xây dựng nông thôn mới đem lại kết quả tích cực. Đến cuối năm 2023 dự kiến có 47 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 78,33% mục tiêu Nghị quyết; có 10 thôn được công nhận khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; 19 thôn (thuộc xã đặc biệt khó khăn, biên giới) đạt chuẩn thôn nông thôn mới.

Bên cạnh những dấu ấn nổi bật trên lĩnh vực kinh tế, thì các hoạt động văn hóa-xã hội tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác phát triển nguồn nhân lực tiếp tục được chú trọng triển khai và đạt hiệu quả; tỷ lệ lao động qua đào tạo ước năm 2023 đạt 55,7%, đạt 92,83% mục tiêu; số lao động được tạo việc làm là 13.456 người. Chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục vùng dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện và có nhiều chuyển biến tích cực; phổ cập giáo dục tiếp tục được giữ vững và nâng cao.

Mạng lưới y tế được đầu tư, nâng cấp, đảm bảo phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Chất lượng khám chữa bệnh có bước cải thiện rõ rệt; tinh thần, thái độ, chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ y tế ngày một tốt hơn (năm 2022, tỷ lệ hài lòng chung của người dân đối với các dịch vụ y tế công đạt 88,6%). Đặc biệt, tỉnh đã chủ động phân tích, đánh giá sát, đúng tình hình, thực hiện quyết liệt các phương án, kịch bản, biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 phù hợp với từng thời điểm, địa bàn và đem lại hiệu quả cao, được nhân dân ghi nhận.

Công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh và văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ được chú trọng. Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở được đầu tư xây dựng, nâng cấp; các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào thể dục thể thao quần chúng tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Đã chuẩn bị và tổ chức thành công chuỗi sự kiện và Lễ kỷ niệm 110 năm thành lập tỉnh (09/02/1913-09/02/2023).

Công tác giảm nghèo được chỉ đạo triển khai quyết liệt, có sự chuyển biến rõ rệt; giảm từ 10,29% năm 2020 xuống còn 6,32% năm 2021 (theo chuẩn cũ) và giảm từ 15,32 năm 2021 xuống còn 10,86% năm 2022 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025). Các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số được  tổ chức thực hiện tốt. Việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm chỉ đạo thực hiện, tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số có đất ở, đất sản xuất đạt khoảng 98,5%.

Chính trị ổn định, quốc phòng-an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế và liên kết, hợp tác với các tỉnh bạn được tăng cường. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh toàn diện, liên tục, đồng bộ, quyết liệt, chất lượng hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn. Đã triển khai thực hiện kịp thời, nghiêm túc, sáng tạo các Nghị quyết của Trung ương, nhất là Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương "về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"". Tập trung rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn bộ máy gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, đơn vị sự nghiệp công lập từ tỉnh đến cơ sở. Đoàn kết trong Đảng, trong nhân dân được củng cố. Niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền, vào Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tiếp tục được nâng lên. Những kết quả đó, tiếp tục nhân lên niềm tin và khát vọng, tạo ra khí thế mới, động lực mới để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum thực hiện thành công các mục tiêu của nhiệm kỳ 2020-2025, đưa Kon Tum phát triển nhanh và bền vững hơn trong giai đoạn tới.

Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang (bìa phải) trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Thành phố Kon Tum là đô thị loại 2 tại Lễ Kỷ niệm 110 năm Ngày thành lập tỉnh Kon Tum

Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh Kon Tum, tại Hội nghị lần thứ mười hai, Tỉnh ủy đã thảo luận và rút ra một số kinh nghiệm:

Một là, Nghiên cứu, vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ trương, nghị quyết của Đảng vào điều kiện thực tế của địa phương; trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện phải có trọng tâm, trọng điểm, sâu sát, có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, năng động, sáng tạo, tích cực, có bước đi phù hợp, phát huy mọi nguồn lực; thường xuyên kiểm tra đôn đốc, kịp thời xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và những vấn đề phát sinh.

Hai là, Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với tăng cường, đảm bảo quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị; độc lập, tự chủ với tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế; thực hiện công bằng xã hội; phát huy tối đa nội lực gắn với huy động các nguồn lực từ bên ngoài.

Ba là, Thường xuyên sâu sát cơ sở, gần dân, sát dân, tăng cường đối thoại, lắng nghe và kịp thời giải quyết các vấn đề bức xúc, những nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của Nhân dân. Quan tâm chăm lo và nâng cao đời sống mọi mặt của Nhân dân.

Bốn là, Chú trọng công tác củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, nhất là công tác cán bộ. Xử lý nghiêm, kịp thời cán bộ, công chức vi phạm pháp luật, thiếu tinh thần trách nhiệm. Đồng hành với doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình phát triển.

Tỉnh Kon Tum nhận thấy, những kết quả đạt được trong thời gian qua mới chỉ là bước đầu; tỉnh vẫn còn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, đó là: Các nhân tố tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn còn rất lớn với nhiều yếu tố khó dự báo hơn, thách thức lớn hơn và khó lường hơn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu để ra và chưa thực sự bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của các sản phẩm, của các doanh nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp. Kết cấu hạ tầng vẫn còn thiếu và yếu, chưa đồng bộ và chưa đáp ứng  yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của tỉnh. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng một số dự án quan trọng của tỉnh còn gặp khó khăn; tiến độ triển khai các dự án thu hút đầu tư còn chậm. Thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường... Đây là những yếu tố tác động bất lợi đến sự phát triển của tỉnh.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho cả nhiệm kỳ, trong thời gian tới, Đảng bộ tỉnh Kon Tum sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025 và các các nghị quyết, chỉ thị, kết luận mới ban hành.

Hoàn thiện, tổ chức triển khai thực hiện có kết quả Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch, kế hoạch có liên quan để thực hiện công tác thu hút đầu tư, nhất là đối với các ngành có lợi thế như: công nghiệp chế biến nông, lâm sản, dược liệu và năng lượng tái tạo. Duy trì và nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); cải thiện, nâng cao Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) và Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX). Tạo lập môi trường bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển.

Tập trung huy động, khai thác nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế để đầu tư kết cấu hạ tầng; kịp thời tháo gỡ khó khăn, theo dõi, đôn đốc các dự án đã thu hút đầu tư hoàn thành dự án theo tiến độ đã đăng ký. Khai thác và sử dụng có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để phát triển kinh tế tăng trưởng cao và bền vững, có cơ cấu hợp lý. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ. Thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai ở những nơi có điều kiện để hình thành vùng sản xuất lớn phục vụ phát triển nông nghiệp. Mở rộng và phát triển bền vững các loại  cây trồng chủ lực như cây ăn quả, Mắc ca, Sâm Ngọc Linh và các cây dược liệu khác. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi. Tiếp tục huy động, lồng ghép các nguồn lực để phát triển rừng bền vững. Phát triển các loại hình du lịch sinh thái, khám phá, du lịch văn hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Tăng cường quảng bá, xây dựng Khu du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen thành khu du lịch tầm cỡ quốc gia và khu vực.

Song song với các giải pháp về kinh tế, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, nhất là nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ; tăng cường liên kết, hợp tác để đào tạo nhân lực trình độ cao, các ngành nghề đáp ứng cho yêu cầu phát triển. Tăng cường công tác y tế dự phòng, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững; triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội; quan tâm chăm lo đời sống cho các đối tượng chính sách, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số, các di tích lịch sử cách mạng gắn với phát huy các tuyến, điểm du lịch.

Kịp thời phát hiện và xử lý có hiệu quả những vấn đề liên quan đến an ninh - chính trị. Chủ động đấu tranh, ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn, lật đổ” của các thế lực thù địch, phản động. Thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa, chủ động tấn công, trấn áp các loại tội phạm. Tiếp tục củng cố và phát triển có chiều sâu các mối quan hệ hợp tác đã được thiết lập, nhất là với các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia...

Tiếp tục chăm lo xây dựng Đảng bộ đoàn kết, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; trọng tâm là xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn các biểu hiện quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của các cấp ủy. Xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả công tác chính trị, tư tưởng, công tác dân vận, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; tăng cường quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân; xây dựng, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển của tỉnh.

Nguồn: Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum.

 

Chi đoàn thanh niên  
Số lượt xem:436