Hội thảo tham vấn Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
17-4-2023
Ngày 11/4/2023, tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã diễn ra Hội thảo tham vấn Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (Báo cáo ĐMC) của quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học có kinh nghiệm trong lĩnh vực môi trường.

 

 Quang cảnh Hội thảo      

         Theo Báo cáo ĐMC đươc trình bày tại Hội thảo, một số nội dung chính của quy hoạch có khả năng tác động đến môi trường được xác định là phát triển nông nghiệp, phát triển ngành công nghiệp, công nghiệp khai thác và chế biến khoảng sản, công nghiệp cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng, thủy điện,...

Các vấn đề môi trường chính liên quan đến quy hoạch được xem xét gồm: suy giảm tài nguyên và chất lượng nước; suy giảm tài nguyên và môi trường đất; suy giảm hệ sinh thái rừng tự nhiên và đa dạng sinh học; suy giảm chất lượng môi trường do gia tăng phát sinh chất thải rắn; biến động môi trường xã hội, di cư; gia tăng rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu. Việc xây dựng các công trình du lịch, khách sạn, xây dựng giao thông đang làm thay đổi cảnh quan, tài nguyên đất, gây hư hại đối với di tích lịch sử văn hóa, tăng lượng chất thải gây ô nhiễm môi trường đất; các hệ sinh thái rừng dễ bị tổn thương do các hoạt động du lịch bị suy giảm gây nguy cơ xói mòn đất.

Khi thực hiện quy hoạch kinh tế - xã hội các hệ sinh thái đặc thù ở tỉnh Kon Tum sẽ phải gánh chịu những nguy cơ tiềm ẩn do tác động của các yếu tố tự nhiên và hoạt động của con người. Việc suy giảm tài nguyên rừng và đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh chủ yếu do chuyên đổi sử dụng đất, phát triển hạ tầng kinh tế, các hoạt động du lịch và khai thác quá mức và không hợp lý, như: thay đổi cơ cấu sử dụng đất, tài nguyên rừng, hoạt động khai thác khoáng sản, phát triển xây dựng thủy điện, phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, giao thông.

Báo cáo ĐMC đã đưa ra một số giải pháp duy trì xu hướng tích cực, giảm thiểu xu hướng tiêu cực của các vấn đề môi trường chính được tỉnh đưa ra là hoàn thiện cơ chế, tổ chức cho hệ thống quản lý môi trường các cấp; xây dựng, hoàn thiện hệ thống cảnh báo thiên tai; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải các-bon thấp,…

Để thực hiện quy hoạch tỉnh phù hợp với định hướng bảo vệ môi trường, tỉnh Kon Tum đưa ra một số kiến nghị cụ thể như lồng ghép việc phát triển và ứng dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong nội dung quy hoạch, đặc biệt là các lĩnh vực công nghiệp, năng lượng, nông nghiệp, du lịch, xử lý chất thải. Phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, dân cư, công nghiệp, giao thông cần bổ sung các giải pháp hạn chế tối đa tác động đến tài nguyên rừng và đa dạng sinh học, phân bổ, xác định các điểm dân cư dựa trên cơ sở phân vùng nguy cơ rủi ro do thiên tai và biến đổi khí hậu.

Tham gia ý kiến đối với Báo cáo ĐMC quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các đại biểu cho rằng Báo cáo được trình bày chi tiết, tóm tắt đầy đủ nội dung quy hoạch, tuy nhiên cần bổ sung tác động tích cực quy hoạch tới môi trường; các giải pháp bảo vệ môi trường cần làm rõ hơn về tính khả thi và phù hợp với điều kiện tỉnh Kon Tum.

Một số chuyên gia cho rằng, Báo cáo ĐMC của quy hoạch tỉnh Kon Tum cần bám sát văn bản pháp lý, cơ sở tăng trưởng của vùng Tây Nguyên để lồng ghép vào quy hoạch tỉnh. Bổ sung các văn bản, định hướng phát triển mới như Quyết định 450/QĐ-TTg 13/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Ông Ngô Việt Thành, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại Hội Thảo

Phát biểu tại Hội thảo, ông Ngô Việt Thành, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum nhấn mạnh, công tác quy hoạch luôn được tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu và đã tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, các bộ, ngành và các tỉnh lân cận trong vùng Tây Nguyên để xây dựng hồ sơ quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các ý kiến, chia sẻ quý báu từ các chuyên gia sẽ giúp tỉnh tiếp tục hoàn thiện Báo cáo ĐMC và tổ chức thẩm định theo đúng quy định trong thời gian tới./.

Phòng Tổng hợp, Quy hoạch  
Số lượt xem:467