Tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (Sửa đổi)
10-1-2023
Thực hiện Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 ngày 23 tháng 12 năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức lấy ý kiến của Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên địa bàn tỉnh, tổng hợp tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh góp ý, theo yêu cầu tại Văn bản số 66/UBND-NNTM ngày 09 tháng 01 năm 2023.

  Đất đai là vật chất mà bất kỳ hoạt động nền sản xuất nào cũng cần đến. Hội nghị quốc tế về Môi trường ở Rio de Janeiro, Brazil, 1993 đã định nghĩa đất đai “là một diện tích cụ thể của bề mặt trái đất bao gồm tất cả những gì cấu thành của môi trường sinh thái ở trên và dưới bề mặt đó như: khí hậu bề mặt, thổ nhưỡng, các dạng địa hình, mặt nước, các lớp trầm tích sát bề mặt cùng với mạch nước ngầm và các khoáng sản có trong lòng đất, động thực vật, trạng thái định cư của con người, các kết quả của con người trong quá khứ và hiện tại để lại (san nền, hồ chứa nước hay hệ thống tưới tiêu thoát nước, đường sá, nhà cửa…)”

   Với ý nghĩa quan trọng của mình, trong Hiến pháp năm 2013, Điều 53 xác lập hình thức sở hữu của đất đai “là tài sản công, thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”, đồng thời khẳng định tính chất và vai trò của đất đai tại Điều 54 là “đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước….”.

   Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được thực hiện nhằm cụ thể hóa mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý và sử dụng đất đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đt, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”, và Kế hoạch số 329/KH-UBTVQH15 ngày 30 tháng 9 năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

   Mục đích của việc lấy ý kiến Nhân dân nhằm “phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thể hiện nguyện vọng của Nhân dân…; tạo sự thống nhất và đồng thuận của Nhân dân….; nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật…”, Điều 2 Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 có nêu.

   Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 cũng đề ra yêu cầu của việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân; đối tượng, nội dung và hình thức lấy ý kiến; thời gian lấy ý kiến Nhân dân; Phân công trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến Nhân dân.

   Theo Điều 5, thời gian lấy ý kiến Nhân dân bắt đầu từ ngày 03 tháng 01 năm 2023 và kết thúc vào ngày 15 tháng 3 năm 2023.

Phòng Kinh tế Ngành  
Số lượt xem:189