Tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2022 trên địa bàn tỉnh Kon Tum
25-10-2022
Tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2022 trên địa bàn tỉnh Kon Tum tiếp tục ổn định, phát triển và đạt được nhiều kết quả, nhiều chỉ tiêu quan trọng của tỉnh tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ...Tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được kiểm soát tốt; hoạt động tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 được đẩy mạnh; các chế độ, chính sách bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội được triển khai đầy đủ, kịp thời; quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

 Sơ bộ đánh giá những kết quả quan trọng như sau:

Trồng trọt, chăn nuôi

Ước tính đến thời điểm ngày 15/10/2022, tổng diện tích gieo trồng (DTGT) cây hàng năm vụ mùa 2022 tỉnh Kon Tum là 66.824 ha, tăng 3,86% (+2.486 ha) so với cùng kỳ vụ mùa năm 2021.

Tổng đàn trâu 24.530 con, giảm 1,01% (-250 con) so với cùng kỳ năm trước. Tổng đàn bò 84.370 con, tăng 0,98% (+820 con) so với cùng kỳ năm trước. Tổng đàn lợn 156.150 con, tăng 5,21% (+7.728 con) so với cùng kỳ năm trước.

 

Lâm nghiệp

Ước tính đến thời điểm 31/10/2022, công tác trồng rừng tập trung trên địa bàn tỉnh là 4.911,6 ha, tăng 24,2% (+956,6 ha) so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay các đơn vị chủ rừng đã thực hiện: Khoán bảo vệ rừng 79.301,64 ha; chăm sóc rừng 1.739,57 ha; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh 1.467,59 ha.

 

Thuỷ sản

Ước đến 31/10/2022, diện tích nuôi trồng thủy sản là 797 ha, tăng 8,28% (+61 ha) so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thuỷ sản là 5.451 tấn, tăng 7,35 % (+373 tấn) so với cùng kỳ năm trước.

 

Sản xuất công nghiệp

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 10 năm 2022 ước tính tăng 18,48% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó tăng chủ yếu ở ngành sản xuất và phân phối điện (+28,82%); ngành công nghiệp khai khoáng tăng 13,61% do các đơn vị tăng sản lượng khai thác đá để đủ cung cấp cho các công trình xây dựng trên địa bàn; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 2,17% chủ yếu do lượng tinh bột sắn sản xuất giảm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 2,82%.

Tính chung 10 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 19,38% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó ngành công nghiệp khai khoáng tăng 10,56%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 8,08%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 35,64%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 5,17%.

Ước tính một số sản phẩm sản xuất tháng 10 năm 2022 so với cùng kỳ năm trước như sau: Đá xây dựng khai thác 43.535 m3, tăng 15,16%; Tinh bột sắn ước tính sản xuất 31.595 tấn, giảm 6,36%; Gạch xây dựng bằng đất sét nung (trừ gốm, sứ) quy chuẩn đạt 23 triệu viên, tăng 1,94%; điện sản xuất 324 triệu Kwh, tăng 29,36%.

 

Tình hình đăng ký doanh nghiệp

Tính chung 10 tháng năm 2022 (tính đến ngày 20/10/2022) có 296 doanh nghiệp thành lập mới, đạt 95,5% kế hoạch và tăng 21,8% so với cùng kỳ; tổng vốn đăng ký khoảng 5.629 tỷ đồng, đạt 103,1% kế hoạch và giảm 2,15% so với cùng kỳ. Có 107 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước; 28 doanh nghiệp đã giải thể, giảm 15,15% so với cùng kỳ năm trước; 153 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước.

 

Hoạt động ngân hàng

Lãi suất huy động: Các TCTD trên địa bàn chấp hành tốt các quy định về lãi suất huy động. Mặt bằng lãi suất huy động tại các TCTD trong tháng tương đối ổn định, trong tháng các TCTD đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động từ 1-1,3%/năm so với các tháng trước. Theo đó, mức lãi suất phổ biến đối với kỳ hạn dưới 6 tháng từ 4,1-4,4%/năm; đối với kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng từ 4,7-6,4%/năm; đối với các kỳ hạn trên 12 tháng từ 6,4%- 7,1%/năm. Lãi suất huy động bằng USD thực hiện theo mức quy định tối đa 0% đối với tiền gửi cá nhân và tổ chức.

Lãi suất cho vay: Mặt bằng chung lãi suất cho vay trong tháng tiếp tục duy trì ổn định. Mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn thông thường duy trì ở mức từ 7,0-10,5%/năm; cho vay trung và dài hạn ở mức từ 10-11%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm. Lãi suất cho vay bằng USD phổ biến ở mức 3%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn và một số nhóm đối tượng ưu tiên; cho vay trung và dài hạn phổ biến ở mức 5,0-6,8%/năm.

 

Vốn đầu tư

Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong tháng 10 năm 2022 đạt 374,59 tỷ đồng, tăng 61,48% so với cùng kỳ năm trước. Trong tổng số nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý, bao gồm: Nguồn vốn thuộc ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 325,5 tỷ đồng, chiếm 86,89% trong tổng số nguồn vốn; Nguồn vốn thuộc ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 49,1 tỷ đồng, chiếm 13,11% trong tổng số nguồn vốn.

Tính chung 10 tháng năm 2022  vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh Kon Tum đạt 2.463,41 tỷ đồng, tăng 11,54% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là do các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh đã chủ động triển khai đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công nên vốn đầu tư tăng so với cùng kỳ năm trước.

Nhìn chung, trong 10 tháng năm 2022 tình hình triển khai thực hiện các dự án thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai đúng theo kế hoạch vốn đã được giao từ nguồn vốn chuyển từ năm 2021 và nguồn vốn theo kế hoạch trung và dài hạn, bên cạnh đó nguồn vốn theo kế hoạch năm 2022 đang được các đơn vị triển khai các khâu chuẩn bị thực hiện dự án. Cụ thể một số dự án trọng điểm như: Đường giao thông kết nối từ Đường Hồ Chí Minh đi Quốc Lộ 24; Đường Giao thông tiếp nối tỉnh lộ 674 đi đường tuần tra Biên giới xã Mo Ray huyện Sa Thầy, Đường trục chính phía tây thành phố Kon Tum, Đường vào Trụ sở làm việc các cơ quan thành phố Kon Tum, Đường Trường Chinh (đoạn từ đường Phan Đình Phùng đến đường Đào Duy Từ)

 

Thương mại, dịch vụ

Tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ước tính tháng 10 năm 2022 đạt 2.212,31 tỷ đồng, giảm 5,68% so với tháng trước và tăng 0,71% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 10 tháng năm 2022 tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ước tính đạt 26.152,9 tỷ đồng, tăng 22,06% so với cùng kỳ năm trước.

 

Giá cả thị trường

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 năm 2022 tăng 0,09% so với tháng trước; tăng 2,82% so với cùng tháng năm trước; tăng 3,38% so với tháng 12 năm trước; tăng 7,68% so với kỳ gốc 2019; CPI bình quân 10 tháng năm 2022 so với cùng kỳ năm trước tăng 2,54%.

Nguồn: Báo cáo số 333/BC-CTK ngày 24/10/2022 Cục Thống kê tỉnh Kon Tum về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2022. 

Phòng Kinh tế ngành  
Số lượt xem:170