Hội nghị trực tuyến Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia với các địa phương
1-8-2022
Sáng 29/7, tại Trụ sở Chính phủ, đồng chí Phạm Bình Minh - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương chủ trì Hội nghị trực tuyến của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 với các địa phương về kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm.

 

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh chủ trì Hội nghị trực tuyến của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc giai đoạn 2021-2025     

      Dự và chủ trì Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có đồng chí Nguyễn Ngọc Sâm - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; tham dự Hội nghị còn có các thành viên Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025.

Dự Hội nghị tại điểm cầu các huyện, thành phố có các thành viên Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 của các huyện, thành phố.

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kon Tum

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025, dự toán ngân sách Trung ương năm 2022 cho các bộ, cơ quan và địa phương thực hiện.

Cụ thể, tổng số vốn đã giao đạt 92.057,861 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2015, chiếm 92,06% tổng vốn cho các địa phương; giao kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2022 là trên 34.000 tỷ đồng cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, đạt 100% kế hoạch vốn năm 2022.

Báo cáo từ các địa phương cho thấy, đến hết ngày 26/7, đã có 33/52 địa phương đã trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua nghị quyết phân bổ vốn ngân sách Trung ương, trong đó có 22 địa phương đã hoàn thành việc giao kế hoạch vốn; 7/52 địa phương đang trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; 12/52 địa phương còn lại đang trong quá trình xây dựng nghị quyết trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Các bộ, cơ quan và địa phương, các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương đã chỉ đạo tập trung xây dựng, ban hành, hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp luật, hệ thống cơ chế, chính sách khung để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, tiến độ xây dựng, trình ban hành và ban hành các văn bản quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia còn chậm, chưa đồng bộ, kịp thời. Việc giao kế hoạch vốn năm 2022 chậm dẫn đến việc địa phương chậm triển khai và giải ngân nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia.

Tại hội nghị đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cũng báo cáo kết quả triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, những vướng mắc, khó khăn; đồng thời đề xuất, kiến nghị nhiều nội dung nhằm giúp các địa phương đẩy nhanh tiến độ...

 

Đối với tỉnh Kon Tum

Ủy ban nhân dân tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025; ban hành Quy chế hoạt động, Chương trình công tác, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan thành viên của Ban chỉ đạo; thành lập 03 Tổ công tác và chỉ đạo ban hành Quy chế hoạt động các Tổ công tác của các Chương trình mục tiêu quốc gia; tiếp tục duy trì Văn phòng điều phối chương trình nông thôn mới cấp tỉnh, cấp huyện; 10/10 huyện, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo, đồng thời ban hành quy chế hoạt động để triển khai thực hiện. Ở cấp xã, một số địa phương đã hoàn thành công tác kiện toàn, thành lập Ban quản lý xã, Ban giám sát của cộng đồng xã, Ban phát triển thôn đảm bảo năng lực quản lý, tổ chức triển khai thực hiện các nội dung, hoạt động thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia.

Công tác rà soát, ban hành các văn bản lãnh đạo, các cơ chế, chính sách và các văn bản hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện các chương trình được tỉnh chú trọng và chủ động triển khai. Trong 7 tháng đầu năm 2022, đã trình cấp có thẩm quyền ban hành khoảng 38 văn bản quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện liên quan đến các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó: đã trình Tỉnh ủy ban hành 01 Nghị quyết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành 01 Chỉ thị, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành 05 Nghị quyết, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành 14 Quyết định, 01 Chỉ thị và 04 Kế hoạch, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành 10 Quyết định, Ban Chỉ đạo tỉnh ban hành 02 Quyết định, Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ngành đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh.

Công tác phân bổ, giao kế hoạch vốn ngân sách Trung ương đảm bảo theo tiến độ yêu cầu của Trung ương (trước ngày 01 tháng 7 năm 2022). Trong đó:

Tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 đã phân bổ, giao cho các đơn vị, địa phương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia là 2.752.664 triệu đồng. Trong đó: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 1.728.068 triệu đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 637.726 triệu đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 386.870 triệu đồng.

Tổng dự toán ngân sách Trung ương năm 2022 (đã bao gồm vốn kế hoạch năm 2021 được chuyển nguồn sang năm 2022) đã giao các sở, ngành và địa phương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia là 898.432 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển 672.411 triệu đồng; vốn sự nghiệp 226.021 triệu đồng). Trong đó: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 471.305 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển 323.925 triệu đồng; vốn sự nghiệp 147.380 triệu đồng); Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 265.917 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển 213.436 triệu đồng; vốn sự nghiệp 52.481 triệu đồng); Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 161.210 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển là 135.050 triệu đồng, vốn sự nghiệp là 26.160 triệu đồng).

Với sự nỗ lực, đồng lòng, quyết tâm của các cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trong thực hiện xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, đến nay, tỉnh Kon Tum đã có 36 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới, 04 xã nông thôn mới nâng cao, 06 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, 19 thôn nông thôn mới. Hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh (đến cuối năm 2021 - theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025) còn 21.989 hộ, chiếm tỷ lệ 15,32% so với tổng số hộ dân toàn tỉnh, trong đó có 20.817 hộ nghèo dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 94,67% so với tổng số hộ nghèo.

 

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng các Bộ, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ ban hành các Thông tư, văn bản hướng dẫn của cơ quan để tổ chức thực hiện 3 Chương trình. Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố ban hành Nghị quyết phân bổ ngân sách nhà nước thực hiện các Chương trình trên địa bàn năm 2022.

Đối với các nguồn ngân sách đã được phân bổ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị các tỉnh, thành triển khai ngay, đặt mục tiêu giải ngân hết nguồn vốn trong năm 2022.

Đối với những vướng mắc về nguồn vốn thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đồng chí đề nghị Ủy ban Dân tộc rà soát, hướng dẫn đối với những nội dung thuộc thẩm quyền; trường hợp phát sinh vướng mắc, phải đề xuất hướng xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

 

Bên cạnh đó, đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương từ tỉnh đến huyện, xã phải thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện 3 Chương trình. Các ban, bộ, ngành Trung ương tiếp tục rà soát, đánh giá, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để giúp các địa phương thực hiện nhanh nhất; tích cực, quyết liệt thực hiện các mục tiêu của 3 chương trình mục tiêu quốc gia; đồng thời, từ nay đến cuối năm phải thực hiện giải ngân hết tất cả các nguồn vốn đã được phân bổ.

Tin liên quan: Báo Điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum.

 

Phòng Kinh tế ngành  
Số lượt xem:108