HĐND tỉnh thông qua mục tiêu, nhiệm vụ và dự toán ngân sách Trung ương năm 2022 thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia
28-6-2022
Tại Kỳ họp chuyên đề, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 25/NQ-HĐND ngày 23 tháng 6 năm 2022 về mục tiêu, nhiệm vụ và dự toán ngân sách Trung ương năm 2022 thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
HĐND tỉnh thông qua mục tiêu, nhiệm vụ và dự toán ngân sách Trung ương năm 2022 thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia

      Mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022

- Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025: Phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022 giảm 4%.

- Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025: Phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo năm 2022 giảm 4%.

- Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025: Phấn đấu tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022 là 51,8%, trong đó, tỷ lệ xã nông thôn mới nâng cao là 22,7% và tỷ lệ xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu là 6,8%.

 

Dự toán ngân sách Trung ương năm 2022 thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia

Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất phân bổ 898.432 triệu đồng dự toán ngân sách Trung ương năm 2022 thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh (bằng với mức vốn được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 653/QĐ-TTg ngày 28/5/2022), bao gồm 672.411 triệu đồng vốn đầu tư phát triển và 226.021 triệu đồng vốn sự nghiệp cho các Sở, ngành và các huyện, thành phố để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó:

- Phân bổ theo cấp tỉnh và cấp huyện như sau:

+ Phân bổ 125.321 triệu đồng (chiếm 13,95%), bao gồm 64.911 triệu đồng vốn đầu tư phát triển (chiếm 9,65%) và 60.410 triệu đồng vốn sự nghiệp (chiếm 26,73%) cho các Sở, ngành.

+ Phân bổ 773.111 triệu đồng (chiếm 86,05%), bao gồm 607.500 triệu đồng vốn đầu tư phát triển (chiếm 90,35%) và 165.611 triệu đồng vốn sự nghiệp (chiếm 73,27%) cho các huyện, thành phố.

- Phân bổ theo từng chương trình như sau:

+ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phân bổ 471.305 triệu đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển 323.925 triệu đồng, vốn sự nghiệp 147.380 triệu đồng, cụ thể: (1) Phân bổ 90.367 triệu đồng (chiếm 19,17%), bao gồm 42.494 triệu đồng vốn đầu tư phát triển (chiếm 13,12%) và 47.873 triệu đồng vốn sự nghiệp (chiếm 32,48%) cho các Sở, ngành; (2) Phân bổ 380.938 triệu đồng (chiếm 80,83%), bao gồm 281.431 triệu đồng vốn đầu tư phát triển (chiếm 86,88%) và 99.507 triệu đồng vốn sự nghiệp (chiếm 67,52%) cho các huyện, thành phố.

+ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững phân bổ 265.917 triệu đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển 213.436 triệu đồng, vốn sự nghiệp 52.481 triệu đồng, cụ thể: (1) Phân bổ 27.724 triệu đồng (chiếm 10,43%), bao gồm 22.417 triệu đồng vốn đầu tư phát triển (chiếm 10,50%) và 5.307 triệu đồng vốn sự nghiệp (chiếm 10,11%) cho các Sở, ngành; (2) Phân bổ 238.193 triệu đồng (chiếm 89,57%), bao gồm 191.019 triệu đồng vốn đầu tư phát triển (chiếm 89,50%) và 47.174 triệu đồng vốn sự nghiệp (chiếm 89,89%) cho các huyện, thành phố.

+ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới phân bổ 161.210 triệu đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển 135.050 triệu đồng (gồm vốn năm 2021 chuyển sang thực hiện trong năm 2022 là 93.080 triệu đồng), vốn sự nghiệp 26.160 triệu đồng, cụ thể: (1) Phân bổ 7.230 triệu đồng vốn sự nghiệp (chiếm 27,64%) cho các Sở, ngành; (2) Phân bổ 153.980 triệu đồng (chiếm 95,52%), bao gồm 135.050 triệu đồng vốn đầu tư phát triển (chiếm 100%) và 18.930 triệu đồng vốn sự nghiệp (chiếm 72,36%) cho các huyện, thành phố.

 

Hội đồng nhân dân tỉnh giao các cấp ngân sách chủ động cân đối, bố trí tỷ lệ vốn đối ứng theo quy định; huy động, lồng ghép các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn.

Phòng Kinh tế ngành  
Số lượt xem:149