Phê duyệt Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
29-3-2022
Ngày 28/3/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 144/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững đến năm 2025, định hướng đến 2030 trên địa bàn tỉnh Kon Tum

 Mục tiêu đến năm 2025

Trồng mới được 15.000 ha rừng tập trung và trồng 03 triệu cây phân tán; diện tích rừng có trồng Sâm Ngọc Linh khoảng 4.500 ha, khoanh nuôi phục hồi rừng được ít nhất 7.300 ha; nuôi dưỡng làm giàu rừng ít nhất 1.000 ha; giải quyết được việc làm cho khoảng 23.000 lao động/năm.

Bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, trọng tâm là rừng phòng hộ, đặc dụng; ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp; phấn đấu số vụ vi phạm năm sau giảm 10% so với năm trước.

Độ che phủ rừng đến năm 2025 đạt 64%.

Đảm bảo 100% diện tích rừng có chủ quản lý thực sự theo quy định của Luật Lâm nghiệp; cho thuê đất, thuê rừng để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội với diện tích khoảng 50.000 ha.

Khai thác, sử dụng hiệu quả rừng trồng nguyên liệu và rừng trồng cao su, giai đoạn 2021 - 2025 khai thác và chế biến 520.000 m3 gỗ từ rừng trồng, gỗ cao su thành các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, tiến tới chấm dứt xuất gỗ nguyên liệu thô.

Ngành công nghiệp chế biến gỗ tỉnh Kon Tum cơ bản hiện đại, đủ năng lực về công nghệ tham gia hội nhập thị trường trong nước và quốc tế, xây dựng được ít nhất 01 nhà máy chế biến gỗ công suất trên 50.000m3/năm.

Huy động tối đa các nguồn lực để tập trung phát triển ngành lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025 huy động khoảng 1.500 tỷ đồng, đóng góp của ngành lâm nghiệp vào tổng giá trị GRDP của tỉnh đến năm 2025 đạt khoảng 7% (tương ứng 2.800 tỷ đồng).

Mục tiêu đến năm 2030: Độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì đạt 64%, tập trung nâng cao chất lượng rừng. Hình thành vùng rừng trồng nguyên liệu tập trung có chất lượng đáp ứng nhu cầu cho công nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh. Công nghiệp chế biến gỗ trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn, đến năm 2030 có ít nhất 03 nhà máy chế biến gỗ với công suất 200.000 m3/năm, khai thác, chế biến khoảng 1 triệu m3 gỗ rừng trồng. Phấn đấu đóng góp của ngành lâm nghiệp vào tổng giá trị GRDP của tỉnh đạt khoảng 10% (tương ứng 5.000 tỷ đồng).

Đề án đưa ra một số nhiệm vụ và giải pháp như: Tuyên truyền, vận động thực hiện chủ trương phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; nâng cao thực hiện các cơ chế, chính sách về lâm nghiệp; tập trung phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng bền vững; bố trí, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển ngành lâm nghiệp và tổ chức giám sát và đánh giá.

UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT là cơ quan đầu mối theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Đề án; phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan quản lý, hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện Đề án theo đúng quy định./.

Phòng Kinh tế ngành  
Số lượt xem:608