10 điểm sáng nổi bật trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2021
26-1-2022
Theo đánh giá chung về những kết quả đạt được của Chính phủ, năm 2021, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thử thách, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa giữ vững quốc phòng, an ninh, thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng, khẳng định vai trò là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, theo đó, có 10 điểm sáng nổi bật.

         Một là, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để kiểm soát dịch bệnh, đẩy nhanh ngoại giao và tiến trình tiêm vắc-xin; điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch, ban hành các gói hỗ trợ, tạo điều kiện khôi phục kinh tế - xã hội.

 Khi dịch COVID-19 với biến chủng Delta lây lan nhanh và nguy hiểm xâm nhập sâu vào nước ta, khi chưa có đủ vắc-xin, thuốc chữa bệnh, chưa hiểu hết về biến chủng mới, chưa có nhiều kinh nghiệm ứng phó, năng lực y tế còn hạn chế, chúng ta bắt buộc phải áp dụng các biện pháp hành chính để bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân. Dịch bệnh và các biện pháp hành chính đã ảnh hưởng tới đời sống người dân, các hoạt động kinh tế - xã hội.

 Đã đưa ra chiến lược vắc-xin, thành lập quỹ vắc-xin, đẩy mạnh ngoại giao vắc-xin, triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin lớn nhất từ trước tới nay. Các biện pháp phòng, chống dịch được kế thừa và liên tục được điều chỉnh, hoàn thiện phù hợp với tình hình thực tiễn. Đến nay, chúng ta đã đúc kết được các công thức, phương châm phòng chống dịch, cộng với độ bao phủ vắc-xin, Chính phủ đã điều chỉnh sang chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo Nghị quyết 128/NQ-CP; tạo điều kiện khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội theo tinh thần Kết luận của Trung ương.

 Hai là, kịp thời đưa ra các quyết sách phù hợp để thúc đẩy tăng trưởng GDP phục hồi trong quý IV, là mức đáng khích lệ, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, tác động tiêu cực đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội. Kinh tế nước ta đang phục hồi tích cực. Tăng trưởng GDP quý IV/2021, tăng 5,22% so cùng kỳ. Tính chung cả năm 2021, GDP tăng 2,58%, thấp hơn kế hoạch đề ra, song vẫn cao hơn năm 2020.

 Ba là, điều hành kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, là mức thấp nhất trong vòng 6 năm. CPI bình quân năm 2021 tăng 1,84%, là mức thấp nhất trong vòng 6 năm. Kết quả tích cực này đã khẳng định nỗ lực của Việt Nam trong kiểm soát lạm phát, đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa, bình ổn giá cả (đặc biệt các mặt hàng thiết yếu ở những lúc cao điểm), trong bối cảnh giá cả hàng hóa và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu toàn cầu tăng mạnh trong năm 2021.

 Bốn là, chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, tăng cường xúc tiến đầu tư, qua đó đầu tư trực tiếp nước ngoài hồi phục trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới có nhiều biến động. Vốn FDI đăng ký đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm trước, cho thấy nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam. 

Năm là, xuất khẩu là điểm sáng, thặng dư thương mại ở mức khá, góp phần phục hồi kinh tế. Kim ngạch xuất nhập khẩu vượt 668 tỷ USD, tăng 22,6%; thuộc nhóm 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới, trong đó xuất khẩu ước đạt 336,3 tỷ USD, tăng 19%; nhập khẩu đạt 332,3 tỷ USD, tăng 26,5% so với năm trước, duy trì xuất siêu.

 Sáu là, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo đạt nhiều tiến bộ vượt bậc. Việt Nam đứng thứ 3 ASEAN (sau Indonesia và Thái Lan) và xếp hạng 14/50 trong khu vực Châu về quy mô kinh tế internet. Kinh tế internet Việt Nam ước đạt 21 tỷ USD năm 2021 (khoảng 5,8% GDP năm 2021), tăng 31% so với năm 2020. Về đổi mới sáng tạo, Việt Nam đứng thứ ba Đông Nam Á (sau Indonesia và Singapore) về thu hút vốn đầu tư vào Fintech, chiếm 11% tổng số vốn của khu vực, đạt khoảng 4 tỷ USD, gấp 3 lần so với năm 2020... 

Bảy là, phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống người dân được chú trọng. Đã dành gần 71,5 nghìn tỷ đồng hỗ trợ 742 nghìn lượt người sử dụng lao động, 42,8 triệu người lao động; xuất cấp trên 158 nghìn tấn gạo hỗ trợ người dân gặp khó khăn. Đây là nỗ lực, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị. Đã tổ chức rất thành công Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam  và sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc. Dạy và học được tổ chức linh hoạt, phù hợp, bảo đảm an toàn dịch bệnh.

 Tám là, tập trung hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật, tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong xây dựng thể chế; tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; xây dựng bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tăng cường chuyển đổi số; đã quyết liệt chỉ đạo, hoàn thành một số cơ sở dữ liệu lớn, nhất là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

 Chín là, chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được củng cố, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Chú trọng xử lý các tình huống phát sinh trên biển, biên giới đất liền, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia.

 Mười là, hoạt động đối ngoại đạt nhiều kết quả quan trọng, trong đó chiến lược ngoại giao vắc-xin giúp đẩy nhanh quá trình tiêm chủng tại Việt Nam. Hoàn thành tốt vai trò Ủy viên không thường trực và Chủ tịch Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, tham dự và có tiếng nói tích cực tại Hội nghị các Nhà lãnh đạo ASEAN nhằm thúc đẩy hợp tác xây dựng Cộng đồng ASEAN và giải quyết các vấn đề khu vực, quốc tế đang được quan tâm… Trong bối cảnh nguồn cung vắc-xin còn khan hiếm, chính sách ngoại giao vắc-xin đã được đẩy mạnh, giúp Việt Nam có nguồn vắc-xin để đẩy mạnh chương trình tiêm chủng.

Nguyên nhân cơ bản của những kết quả đạt được trong công tác chỉ đạo, điều hành là nhờ sự đoàn kết, thống nhất dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự giám sát và đồng hành quyết liệt của Quốc hội, sự nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ, sự vào cuộc có hiệu quả của cả hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân trên mọi miền đất nước. Đại dịch COVID-19 gây ra nhiều khó khăn nhưng qua đó thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, niềm tin mạnh mẽ của Nhân dân vào Đảng và Nhà nước; chứng minh chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước; khẳng định tính ưu việt của hệ thống chính trị và bản chất tốt đẹp của chế độ ta.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum.

Phòng Kinh tế ngành  
Số lượt xem:76