Triển khai thực hiện nghị định của Chính phủ về khuyến nông trên địa bàn tỉnh Kon Tum |
15-6-2018 |
Ngày 24 tháng 5 năm 2018, Chính phủ đã ban hành nghị định về khuyến nông. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 7 năm 2018 và thay thế Nghị định số 02/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2010 của Chính phủ về khuyến nông |
Ảnh sưu tầm |
Theo đó, để đạt được mục tiêu của khuyến nông là: Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa, ổn định kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường; Huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp, Chính phủ đã ban hành các chính sách chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp thông qua hoạt động khuyến nông bao gồm: (1) Chính sách bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo. (2) Chính sách thông tin tuyên truyền. (3) Chính sách xây dựng và nhân rộng mô hình. (4) Chính sách khuyến khích hoạt động tư vấn, dịch vụ khuyến nông. (5) Chính sách xã hội hóa khuyến nông, chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp. Nguồn kinh phí khuyến nông bao gồm: Ngân sách nhà nước (trung ương, tỉnh, huyện, xã); Nguồn tài trợ và đóng góp hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; Nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật; Nguồn vốn của tổ chức khuyến nông khác. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động khuyến nông trên phạm vi địa phương theo các nội dung sau: 1. Xây dựng và ban hành chính sách, định mức kinh tế kỹ thuật về khuyến nông phù hợp với chủ trương, định hướng phát triển của ngành và điều kiện địa phương. 2. Phê duyệt chương trình khuyến nông địa phương, phê duyệt hoặc phân cấp cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã phê duyệt kế hoạch khuyến nông địa phương và chỉ đạo tổ chức thực hiện. 3. Phân công cơ quan trực thuộc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khuyến nông và quản lý, kiểm tra, giám sát, nghiệm thu, quyết toán chương trình, kế hoạch khuyến nông địa phương, chương trình, kế hoạch chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp thực hiện tại địa phương. 4. Quản lý hoạt động khuyến nông, chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp thực hiện trên địa bàn. 5. Bảo đảm kinh phí thực hiện các chính sách khuyến nông và hỗ trợ cho các hoạt động khuyến nông tại địa phương theo các quy định tại Nghị định này. 6. Huy động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thu hút nguồn lực cho hoạt động khuyến nông của địa phương. 7. Quản lý kinh phí khuyến nông địa phương. 8. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hoạt động khuyến nông trên địa bàn. 9. Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hàng năm tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hoạt động khuyến nông, chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp tại địa phương. Để triển khai thực hiện Nghị định nêu trên của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Kon Tum, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành Công văn số 1436/UBND-NNTN ngày 06/6/2018 giao nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao phổ biến, triển khai thực hiện Nghị định số 83/2018/NĐ-CP ngày 24 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ về khuyến nông theo quy định. Tăng cường quản lý hoạt động khuyến nông, chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp; thanh tra kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hoạt động khuyến nông theo quy định; huy động các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước để thu hút nguồn lực cho hoạt động khuyến nông trên địa bàn. Các nội dung vượt thẩm quyền báo cáo đề xuất UBND tỉnh. Hàng năm tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hoạt động khuyến nông, chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp tỉnh Kon Tum theo quy định./. |
Phòng Kinh tế ngành |
Số lượt xem:73 |