Theo đó, thực hiện Chỉ thị số 12 /CT-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH, đầu tư công năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển KTXH, đầu tư công năm 2023 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị nêu trên với những nội dung chủ yếu như sau:
1. Về kế hoạch phát triển KTXH:
Trên cơ sở tình hình, kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm 2022, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tổ chức đánh giá và ước thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2022 trên tất cả các ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách, quản lý. Nội dung đánh giá cần nêu rõ các công việc đã triển khai, kết quả đạt được 6 tháng và ước cả năm 2022 (đặc biệt nêu rõ những thành tựu nổi bật; phương pháp thực hiện mới;...), khó khăn, hạn chế; phân tích rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan của những kết quả đạt được và hạn chế, yếu kém; chỉ rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với những hạn chế, yếu kém và đề ra bài học kinh nghiệm.
Đồng thời, đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần nghiên cứu, xác định các vấn đề cơ bản của Kế hoạch phát triển KTXH năm 2023 trên tất cả các ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách, quản lý; trong đó tập trung vào các nội dung chủ yếu như:
a) Bối cảnh xây dựng kế hoạch phát triển KTXH năm 2023, bao gồm nhận định, phân tích những cơ hội, thuận lợi, thách thức, rủi ro của bối cảnh trong nước, khu vực và quốc tế tác động đến việc xây dựng và thực hiện các mục tiêu phát triển KTXH; đặc biệt lưu ý những vấn đề như ảnh hưởng của xung đột quân sự Nga - Ukraine, chính sách phòng chống dịch Covid-19 và thương mại của các đối tác, tình hình giá cả, lạm phát trên thế giới, rủi ro của thị trường bất động sản, tài chính, khả năng kiểm soát dịch Covid-19 trong nước và triển khai Chương trình phục hồi và phát triển KTXH,…
b) Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển KTXH năm 2023.
c) Mục tiêu chủ yếu và một số cân đối lớn.
d) Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.
2. Về kế hoạch đầu tư công:
Trên cơ sở tình hình triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công 7 tháng đầu năm 2022, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tổ chức đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022 và yêu cầu xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2023 đảm bảo theo đúng mục tiêu, yêu cầu, nguyên tắc phân bổ vốn. Việc lập kế hoạch đầu tư công năm 2023 bao gồm: (i) vốn ngân sách địa phương; (ii) vốn ngân sách trung ương phân bổ cho các nhiệm vụ, dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội); (iii) kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; và (iv) kế hoạch vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp dành để đầu tư theo quy định của pháp luật.
3. Tiến độ lập kế hoạch: Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu các địa phương gửi báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH, đầu tư công năm 2022 và dự kiến Kế hoạch phát triển KTXH, đầu tư công năm 2023 của địa phương mình đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 31 tháng 7 năm 2022.
Tải Công văn số 5032/BKHĐT-TH tại đây.
Tải Công văn số 5035/BKHĐT-TH tại đây.