banner
Thứ 4, ngày 8 tháng 5 năm 2024
Quan điểm, mục tiêu phát triển tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
31-1-2024
Nhằm phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Kon Tum trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững và công bằng dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, ngày 31/12/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1756/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh Kon Tum).

Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đề ra 6 quan điểm phát triển, cụ thể:
 Phát triển tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng của các quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên. Phát triển kinh tế - xã hội dựa trên nền tảng phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng tăng trưởng. Đổi mới mạnh mẽ tư duy và hành động. Phát huy tối đa nhân tố con người, lấy đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển giáo dục - đào tạo là nền tảng cho sự phát triển bền vững. Chủ động, tích cực tiếp cận và khai thác triệt để những cơ hội và thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, đem lại hiệu quả thiết thực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
 
Phát triển kinh tế theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, toàn diện, nhanh và bền vững; chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn, giá trị gia tăng cao là nền tảng; các ngành công nghiệp năng lượng, khai khoáng, chế biến, chế tạo và du lịch là mũi nhọn đột phá.
 
Phát triển xã hội văn minh, thân thiện trên cơ sở đảm bảo các chỉ tiêu và kết cấu hạ tầng xã hội; trong đó sắp xếp lại hệ thống đô thị, các điểm dân cư nông thôn trên cơ sở ưu tiên phát triển các đô thị có sức hút lớn, có nhiều việc làm và dịch vụ xã hội, gắn với các khu, điểm kinh tế chuyên ngành, tạo lực kéo đẩy mạnh, nhằm đẩy nhanh tốc độ và mức độ đô thị hóa, công nghiệp hóa và hiện đại hóa đô thị; sắp xếp và bảo tồn hệ thống các điểm dân cư nông thôn theo hướng nông thôn mới và đề cao sắc thái dân tộc.
 
Tổ chức không gian chiến lược cho các hoạt động kinh tế - xã hội gắn với các định hướng phát triển quan trọng đã được xác lập; đồng thời đề xuất các yếu mới trên cơ sở phát triển kinh tế - xã hội toàn diện trong mối quan hệ mật thiết, hữu cơ với các vùng xung quanh, trong sự phân công hợp tác cùng có lợi. Trong đó cần làm rõ sự gắn kết với sự phát triển kinh tế - xã hội của các vùng chức năng với các hành lang kinh tế của tỉnh, vùng nhằm thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng; tạo đột phá phát huy các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh từng địa phương của tỉnh, gắn kết với vùng Tây Nguyên; tập trung đầu tư phát triển và quản lý đô thị theo hướng xanh, thông minh, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng và bản sắc rõ ràng... nhằm đảm bảo các nguyên tắc: Gần tương ứng, cân đối lãnh thổ, kết hợp các chuyên ngành theo lãnh thổ, có tập trung, có phân tán, phù hợp với môi trường và quốc phòng an ninh nhằm đảm bảo phát triển ổn định và bền vững.
 
Phát triển kinh tế - xã hội, kết cấu hạ tầng gắn với bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên thiên nhiên, khai thác và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên, giữ vững cân bằng sinh thái; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu hướng tới một nền kinh tế xanh, tuần hoàn và thân thiện với môi trường. Khai thác sử dụng nước tổng hợp, tiết kiệm, hiệu quả, kết hợp hài hòa lợi ích và đảm bảo công bằng, hợp lý; phù hợp với khả năng nguồn nước, tôn trọng quy luật tự nhiên với điều kiện thực tế, không gây suy thoái, cạn kiệt nguồn nước.
 
Gắn phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tăng cường quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường quan hệ hữu nghị, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại. Tăng cường liên kết phát triển hợp tác với các tỉnh, thành phố, các vùng trong nước, khu vực và quốc tế.
 
Trên cơ sở quan điểm phát triển, Quy hoạch tỉnh Kon Tum đã xác định các mục tiêu phát triển đến năm 2030
Mục tiêu tổng quát: Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Kon Tum trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững và công bằng dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn, giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Phấn đấu đưa tỉnh trở thành một trong những tỉnh trung bình khá của cả nước; là vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước; là trọng điểm du lịch tầm cỡ quốc gia và khu vực gắn với khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y và khu du lịch Măng Đen. Kết nối thuận lợi với các trung tâm kinh tế - xã hội lớn của vùng, cả nước, khu vực quốc tế thuộc tiểu vùng Mê Công, các nước láng giềng và ASEAN. Tiếp tục phát triển tỉnh Kon Tum theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực bao gồm: Công nghiệp, Dịch vụ, Nông nghiệp, Đô thị và Nông thôn. Trong đó nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử; đô thị thông minh và nông thôn mới giàu bản sắc là trọng tâm; công nghiệp xanh và hệ thống đô thị có quy mô lớn là mối quan tâm hàng đầu. Chú trọng phát triển năng lượng tái tạo; phát triển kinh tế rừng gắn với phục hồi hệ sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; có mối quan hệ liên kết phát triển mật thiết với các tỉnh lân cận trong vùng và cả nước; bền vững về môi trường, úng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
 
Mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030
Về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân đạt trên 9,5%/năm. GRDP bình quân đầu người: Đạt khoảng trên 110 triệu đồng/người. Cơ cấu ngành kinh tế trong GRDP: Ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản khoảng 18 - 17%, công nghiệp - xây dựng khoảng 33 - 35% và dịch vụ khoảng 43 - 45%. Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội: giai đoạn 2021 - 2025 đạt trên 118.000 tỷ đồng và 2026 - 2030 đạt trên 155.000 tỷ đồng. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt khoảng trên 45%. Tỷ lệ đô thị hoá khoảng 52%.
 
Về xã hội: Tốc độ tăng trưởng dân số bình quân đạt 4,7%/năm. Chỉ số phát triển con người (HDI) đạt mức 0,7. Tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh khoảng 70 tuổi. Trên 85% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 07 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó có 10% số đơn vị hành chính cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia: Mầm non trên 60%, tiểu học trên 80%, trung học cơ sở trên 65%, trung học phổ thông trên 65%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng trên 52% vào năm 2030. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân 3% - 4%/năm. Tỷ lệ giường bệnh và bác sỹ trên 10.000 dân đạt 40 giường bệnh và 12 bác sỹ.  Chỉ tiêu về văn hóa, thể dục thể thao: Tỷ lệ xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa 100%; tỷ lệ thôn, làng, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa đạt 100%; tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” đạt trên 95%. Tỷ lệ dân số tham gia luyện tập thể dục thể thao thường xuyên đạt trên 50%.
 
Về tài nguyên và môi trường: Tỷ lệ che phủ rừng phấn đấu đạt trên 64%. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn khoảng 95%. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn khoảng 90%. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp đạt dưới 30% so với lượng chất thải được thu gom. Tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, vận chuyển và xử lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 100%. Tỷ lệ xử lý và tái sử dụng nước thải ra môi trường lưu vực các sông tại các đô thị loại I, II đạt trên 50% và các đô thị từ loại III, IV, V đạt trên 30%. Tỷ lệ dân số được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn: Tỷ lệ người dân đô thị sử dụng nước sạch đạt 100%; tỷ lệ hộ gia đình ở khu vực nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95%. Tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh hoàn thành các thủ tục về môi trường đạt 100%. Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 100%.
 
Về quốc phòng an ninh: Đảm bảo quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, tăng cường quan hệ, hợp tác toàn diện với các tỉnh giáp biên của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và Vương quốc Campuchia. Đầu tư xây dựng hệ thống cửa khẩu trên địa bàn tỉnh theo Quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Lào và Quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia, thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
 
Tầm nhìn đến năm 2050
Tỉnh Kon Tum là một cực phát triển quan trọng của kinh tế vùng Tây Nguyên và hành lang kinh tế Đông - Tây với các nước tiểu vùng sông Mê Kông, là điểm kết nối quan trọng trong ngã tư kinh tế Bắc - Nam, Đông - Tây; có hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ và hiện đại; có nền tảng kinh tế đủ sức cạnh tranh bình đẳng trên trường quốc tế. Phát triển “Ôn định, bền vững và công bằng”; xây dựng hoàn chỉnh nền kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và các nguồn lực tăng trưởng; có môi trường đầu tư năng động, thông thoáng, minh bạch, thân thiện. Người dân có thu nhập cao, cuộc sống thịnh vượng hạnh phúc. Bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững./.

Phòng Kinh tế ngành
Số lượt xem:238

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ TỈNH KON TUM
Quản lý và nhập tin: Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum, số 12 Nguyễn Viết Xuân, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum.
Người chịu trách nhiệm chính: Ngô Việt Thành, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum.
Điện thoại: 02603.862710; Fax: 0603.864253; Email: skhdt@kontum.gov.vn, sokehoachdautu-kontum@chinhphu.vn.

Chung nhan Tin Nhiem Mang
4963115 Tổng số người truy cập: 1153 Số người online:
TNC Phát triển: