Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá tình hình triển khai các thỏa thuận trong Khu vực Tam giác phát triển CLV, xem xét các báo cáo đánh giá và kiến nghị của các sự kiện đã diễn ra trước đó (Hội chợ Thương mại và Du lịch; Diễn đàn Thanh niên; Hội nghị Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch lần thứ 5; Hội nghị Tiểu ban Kinh tế lần thứ 6; Hội nghị Tiểu ban An ninh – Đối ngoại lần thứ 6; Hội nghị Tiểu ban Môi trường – Xã hội lần thứ 6; Hội nghị Tiểu ban Địa phương lần thứ 5), chuẩn bị một bước cho Hội nghị Ủy ban Điều phối chung lần thứ 8 diễn ra vào ngày 7/12/2012.
Tại Hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Thanh Hà đã đệ trình Báo cáo kết quả Hội nghị Tiểu ban Địa phương lần thứ 5. Trang thông tin điện tử Sở Kế hoạch và Đầu tư Kon Tum xin đăng các nội dung chính của Báo cáo này:
Hội nghị Tiểu ban Địa phương lần thứ 5 Khu vực Tam giác phát triển ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam được diễn ra vào ngày 06 tháng 12 năm 2012 tại thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum.
Được phép của ba Ngài Trưởng SOM và thay mặt các ngài Trưởng Tiểu ban Địa phương của Vương quốc Campuchia và Trưởng Tiểu ban Địa phương CHDCND Lào tôi xin báo cáo trước Hội nghị kết quả của Cuộc họp Tiểu ban Địa phương:
Tại Hội nghị, ba bên đã nghe báo cáo đánh giá và các tham luận của các tỉnh Khu vực Tam giác phát triển về tình hình thực hiện các thỏa thuận của Hội nghị lần thứ 4 tại Attapư và phương hướng hợp tác trong thời gian đến, nội dung Hội nghị đã tập trung vào các vấn đề:
I. Về tình hình thực hiện chính sách ưu đãi đặc biệt cho khu vực Tam giác phát triển.
1. Hội nghị đã thảo luận về tình hình thực hiện các chính sách ưu đãi đặc biệt dành cho Khu vực Tam giác phát triển; nhấn mạnh vai trò của Việt Nam trong việc cung cấp không hoàn lại để đầu tư các dự án cho phía Campuchia và Lào.
2. Hội nghị cũng thống nhất kiến nghị:
(i) Xem xét xây dựng trình ba Thủ tướng ba nước ký kết Hiệp định (Thỏa thuận) về Cơ chế ưu đãi đặc biệt cho Khu vực Tam giác Phát triển từ chính sách đầu tư đến chủng loại hàng hóa xuất nhập khẩu, thuế suất ưu đãi, cơ chế huy động vốn(),….
(ii) Xem xét quy định cấp giấy thông hành cho công dân Khu vực Tam giác phát triển tại mọi cửa khẩu trong khu vực.
II. Về triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội khu vực Tam giác phát triển.
1. Hội nghị đã thảo luận về tình hình hợp tác giữa các bên, sự chủ động trong việc huy động mọi nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương mình, góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng, các chỉ tiêu khác tại Quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tam giác phát triển; đồng thời cũng chỉ rõ những thách thức, hạn chế và những tồn tại trong quá trình thực hiện.
2. Hội nghị thống nhất kiến nghị:
- Tiếp tục rà soát, điều chỉnh bổ sung Quy hoạch Tổng thể và nghiên cứu sự cần thiết xây dựng các quy hoạch ngành, lĩnh vực (như thủy lợi, giao thông, cửa hàng thương mại, chợ biên giới…). Thiết lập các vành đai của Khu vực thành vùng lõi và vùng đệm hoặc các nhóm địa kinh tế theo vị trí địa lý, hành lang giao thông,…nhằm đề xuất giải pháp, nguồn lực phát triển phù hợp.
- Mời thêm các tỉnh khác làm quan sát viên của ba nước, bao gồm một số tỉnh của Thái Lan hoặc các vùng kinh tế khác() nhằm tăng tính liên kết hội nhập.
- Tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư cho các công trình trọng điểm, đa mục tiêu; vừa có tác dụng kết nối giữa các địa bàn vừa là chất xúc tác, lan tỏa cho các địa bàn khác phát triển. Chú trọng và dành mức đầu tư thỏa đáng nhằm sớm hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội tại khu vực biên giới, nhất là hạ tầng thương mại(), kinh tế cửa khẩu đi liền với tinh giản thủ tục kiểm soát người, phương tiện và hàng hóa, sớm thực hiện thông quan “một cửa, một điểm dừng” giữa các cặp cửa khẩu.
- Đề nghị Chính phủ Việt Nam tiếp tục hỗ trợ vốn ODA xây dựng đường giao thông phía Campuchia, Lào kết nối với các cửa khẩu của các tỉnh Việt Nam trong Khu vực. Đa dạng hóa các kênh huy động vốn đầu tư nhằm đầu tư hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội; đặc biệt là hạ tầng cửa khẩu và vùng biên giới (Bao gồm sớm thực hiện Quyết định số 482/QĐ-TTg ngày 14/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành cơ, chế, chính sách khuyến khích phát triển đối ngoại vùng biên giới Việt Nam – Lào và Việt Nam – Campuchia). Cho chủ trương xây dựng quy hoạch du lịch vùng Tây Nguyên, tiến đến phối hợp xây dựng Quy hoạch du lịch Khu vực.
III. Về hợp tác Khu vực Tam giác phát triển và Nhật Bản.
1. Hội nghị nghe ba nước báo cáo về tình hình triển khai khoản viện trợ trị giá 20 triệu USD của Nhật Bản cho khu vực Tam giác phát triển. Đến nay, các dự án cơ bản đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, bước đầu mang lại những kết quả khả quan và thiết thực cho người dân hưởng lợi trong vùng dự án.
2. Hội nghị kiến nghị Nhật Bản nối lại viện trợ cho Khu vực, tăng cả số lượng dự án, vốn; trong đó chú trọng cho các dự án có tác dụng hỗ trợ cho liên kết phát triển như giao thông (đường bộ, đường không), nâng cao năng lực, phát triển du lịch... Có thể nghiên cứu tổ chức Hội nghị chung giữa Khu vực với các nhà tài trợ (Nhật Bản, Hàn Quốc, ADB, WB) tại Việt Nam. Trường hợp được các Bộ trưởng thống nhất, Kon Tum xin đăng cai tổ chức Hội nghị này.
IV. Về thương mại, đầu tư, du lịch.
Hội nghị đã đánh giá cao việc trong thời gian qua, Khu vực Tam giác phát triển đã thường xuyên tổ chức nhiều diễn đàn, hội nghị xúc tiến đầu tư và hội chợ thương mại, bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định. Thông tin, hình ảnh đã thường xuyên được quảng bá sâu rộng đến với các nhà đầu tư trong ngoài Khu vực; hoạt động thương mại tiếp tục tăng trưởng khá, đặc biệt là hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu. Đầu tư nội Khu vực ổn định. Du lịch đã được các tỉnh chú trọng thông qua các hoạt động nghiên cứu như xây dựng Đề án, khảo sát tuyến điểm du lịch nhằm tiến đến tổ chức khai thác thương mại().
2. Các tỉnh cũng đã nhấn mạnh sự cần thiết phải liên kết hợp tác hơn nữa, trước mắt là du lịch, làm làm lĩnh vực đột phá cho các lĩnh vực hợp tác khác.
3. Các tỉnh Việt Nam đề nghị các tỉnh Campuchia, Lào hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đầu tư trên địa bàn.
4. Các tỉnh Việt Nam đề nghị các tỉnh Campuchia phối hợp tốt với các tỉnh Việt Nam trong công tác phân giới cắm mốc để sớm hoàn thành theo lịch trình đã ký kết giữa hai Chính phủ.
5. Hội nghị cũng kiến nghị:
(i) Xem xét tổ chức các chuyến khảo sát tại một số cặp cửa khẩu giữa Việt Nam – Lào; Lào – Thái Lan nhằm nghiên cứu các mô hình hoạt động theo cơ chế “một cửa, một điểm dừng” nhằm đưa vào thực hiện tại các cửa khẩu trong Khu vực.
(ii) Thường niên tiếp tục tổ chức hội chợ thương mại, cac hội nghị và diễn đàn xúc tiến đầu tư.
(iii) Các tỉnh Việt Nam kiến nghị phía Campuchia và Lào tích cực hỗ trợ cho các dự án của các doanh nghiệp Việt Nam đang thực hiện và các doanh nghiệp đặt vấn đề tìm hiểu cơ hội đầu tư; Cần có các chính sách đào tạo, nâng cao trình độ lao động, đáp ứng được yêu cầu về lao động của các doanh nghiệp đầu tư./.