Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá tình hình triển khai của các địa phương so với các định hướng, mục tiêu đã đề ra tại các thỏa thuận đã được ký kết; qua đó, Hội nghị sẽ tiến đến thống nhất các phương hướng hợp tác và các kiến nghị để Trưởng Tiểu ban Địa phương Việt Nam đệ trình tại Hội nghị cấp chuyên viên. Theo phân công, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum là Trưởng Tiểu ban phía Việt Nam.
Tại Hội nghị đồng chí Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum Nguyễn Đình Bắc đã đề xuất các nội dung chủ yếu để Hội nghị tiến hành thảo luận, đánh giá. Trang Thông tin điện tử Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum xin đăng toàn văn của Bài phát biểu khai mạc Hội nghị này:
Kính thưa các Quý vị đại biểu từ các Tiểu ban địa phương các tỉnh khu vực Tam giác phát triển ba nước Campuchia – Lào – Việt Nam.
Tôi xin thay mặt cho Tiểu ban địa phương phía Việt Nam thông qua những nét chính về tình hình hợp tác giữa các tỉnh Việt Nam với các tỉnh của Vương quốc Campuchia và CHDCND Lào; đồng thời đề xuất những nội dung các tỉnh trong Khu vực cần hợp tác với nhau cũng như dự kiến đề xuất một số kiến nghị của Hội nghị này trình tại Hội nghị SOM theo từng nhóm vấn đề.
1. Về tình hình thực hiện chính sách ưu đãi đặc biệt cho khu vực Tam giác phát triển.
- Ở cấp trung ương, mặc dù gặp những khó khăn từ nền kinh tế, Chính phủ Việt Nam vẫn dành nguồn lực đáng kể hỗ trợ đầu tư các dự án cho phía Campuchia và Lào nhằm tăng cường tính kết nối, nâng cao năng lực khai cửa khẩu, Khu Kinh tế().
- Ở cấp địa phương, trong công lập các quy hoạch, kế hoạch và triển khai đầu tư, các tỉnh Việt Nam đã ưu tiên cho phát triển thương mại mậu biên, chợ biên giới; điều chỉnh các quy hoạch Khu Kinh tế. Đa dạng hóa các kênh huy động vốn nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng cửa khẩu (). Chú trọng công tác cải cách thủ tục hành chính trong thông quan cửa khẩu… Phối hợp với các tỉnh Campuchia, Lào trao đổi đào tạo về ngôn ngữ, giáo dục đại học,… cho cán bộ, sinh viên và học sinh. Ngoài ra, các tỉnh đang tiếp tục xây dựng danh mục dự án kiến nghị cho thực hiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế đối ngoại vùng biên giới Việt Nam - Lào và Việt Nam – Campuchia().
* Về vấn đề này, Tiểu ban Địa phương Việt Nam kiến nghị các tỉnh: Ưu tiên đầu tư, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng giao thông, đặc biệt là các công trình có tác động lớn và ý nghĩa quan trọng trong việc liên kết, hợp tác phát triển; đồng thời cần quyết tâm hơn nữa trong việc thực hiện các thỏa thuận/Hiệp định đã được ký kết; xây dựng và thông báo lẫn nhau kế hoạch thực hiện với những bước đi và lộ trình cụ thể, chỉ định cơ quan chịu trách nhiệm, điều phối ở địa phương mình trong mỗi lĩnh vực. Tăng cường cơ chế chia sẻ và trao đổi thông tin lẫn nhau bằng các hình thức thích hợp.
* Về vấn đề này, Tiểu ban Địa phương Việt Nam đề xuất Hội nghị trình lên SOM như sau:
- Xem xét xây dựng trình ba Thủ tướng ba nước ký kết Hiệp định (Thỏa thuận) về Cơ chế ưu đãi đặc biệt cho Khu vực Tam giác Phát triển từ chính sách đầu tư đến chủng loại hàng hóa xuất nhập khẩu, thuế suất ưu đãi, cơ chế huy động vốn(),….
- Xem xét quy định cấp giấy thông hành cho công dân Khu vực Tam giác phát triển tại mọi cửa khẩu trong khu vực.
2. Về triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội khu vực Tam giác phát triển.
Với sự chủ động trong việc huy động các nguồn lực phát triển kinh tế đi đôi với yêu cầu hội nhập, hợp tác; về cơ bản, các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh Việt Nam đã đạt mục tiêu đề ra tại Quy hoạch Tổng thể Khu vực Tam giác. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 10%; các ngành kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế của chuyển dịch theo hướng tích cực. Kết cấu hạ tầng hạ tầng kinh tế - xã hội (giao thông đường bộ, quy hoạch đường không; thủy lợi, cấp nước; hạ tầng thương mại,…) không ngừng hoàn thiện theo hướng đồng bộ, hiện đại, đặc biệt là các tuyến đường giao thông có tác dung kết nối liên vùng. Ngoài ra, hiện các tỉnh Việt Nam và khu vực Tây nguyên đều đã được ban hành Quy hoạch Tổng thể, trong đó mục tiêu xác định các định hướng hợp tác, quan hệ với các vùng kinh tế trong và ngoài nước, đặc biệt khu vực Tam giác phát triển.
Tuy nhiên, do nguồn lực còn nhiều hạn chế trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, một số công trình trọng điểm chưa thể triển khai hoặc có tiến độ triển khai chậm, chưa đạt mục tiêu đề ra.
* Về vấn đề này, Tiểu ban Địa phương Việt Nam đề xuất Hội nghị trình lên SOM như sau:
- Tiếp tục rà soát, điều chỉnh bổ sung Quy hoạch Tổng thể và nghiên cứu sự cần thiết xây dựng các quy hoạch ngành, lĩnh vực (như thủy lợi, giao thông, cửa hàng thương mại, chợ biên giới…). Thiết lập các vành đai của Khu vực thành vùng lõi và vùng đệm hoặc các nhóm địa kinh tế theo vị trí địa lý, hành lang giao thông,…nhằm đề xuất giải pháp, nguồn lực phát triển phù hợp.
- Mời thêm các tỉnh khác làm quan sát viên của ba nước, bao gồm một số tỉnh của Thái Lan hoặc các vùng kinh tế khác() nhằm tăng tính liên kết hội nhập.
- Tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư cho các công trình trọng điểm, đa mục tiêu; vừa có tác dụng kết nối giữa các địa bàn vừa là chất xúc tác, lan tỏa cho các địa bàn khác phát triển. Chú trọng và dành mức đầu tư thỏa đáng nhằm sớm hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội tại khu vực biên giới, nhất là hạ tầng thương mại(), kinh tế cửa khẩu đi liền với tinh giản thủ tục kiểm soát người, phương tiện và hàng hóa, sớm thực hiện thông quan “một cửa, một điểm dừng” giữa các cặp cửa khẩu.
- Đề nghị Chính phủ Việt Nam tiếp tục hỗ trợ vốn ODA xây dựng đường giao thông phía Campuchia, Lào kết nối với các cửa khẩu của các tỉnh Việt Nam trong Khu vực. Đa dạng hóa các kênh huy động vốn đầu tư nhằm đầu tư hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội; đặc biệt là hạ tầng cửa khẩu và vùng biên giới (Bao gồm sớm thực hiện Quyết định số 482/QĐ-TTg ngày 14/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành cơ, chế, chính sách khuyến khích phát triển đối ngoại vùng biên giới Việt Nam – Lào và Việt Nam – Campuchia). Cho chủ trương xây dựng quy hoạch du lịch vùng Tây Nguyên, tiến đến phối hợp xây dựng Quy hoạch du lịch Khu vực.
3. Về hợp tác khu vực Tam giác phát triển và Nhật Bản.
Việt Nam có 07 dự án trị giá 3,5 triệu USD (đều triển khai trên địa bàn tỉnh Kon Tum). Đến nay đã hoàn thành công tác đầu tư, đưa vào sử dụng và bước đầu phát huy hiệu quả.
* Về vấn đề này, Tiểu ban Địa phương Việt Nam đề xuất Hội nghị trình lên SOM như sau: Đề nghị Nhật Bản nối lại viện trợ cho Khu vực, tăng cả số lượng dự án, vốn; trong đó chú trọng cho các dự án có tác dụng hỗ trợ cho liên kết phát triển như giao thông (đường bộ, đường không), nâng cao năng lực, phát triển du lịch... Có thể nghiên cứu tổ chức Hội nghị chung giữa Khu vực với các nhà tài trợ (Nhật Bản, Hàn Quốc, ADB, WB) tại Việt Nam. Trường hợp được các Bộ trưởng thống nhất, Kon Tum xin đăng cai tổ chức Hội nghị này.
4. Về thương mại, đầu tư, du lịch.
Trong thời gian qua, các tỉnh Việt Nam đã phối hợp với các tỉnh của Campuchia, Lào và một số tỉnh khác của Thái Lan đã tổ chức một số hội nghị, diễn đàn nhằm thu hút đầu tư, tăng cường giao lưu hợp tác và bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định. Hoạt động thương mại tiếp tục tăng trưởng khá, đặc biệt là hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu(). Về đầu tư, Việt Nam có 25 dự án đầu tư nằm trong khu vực tam giác phát triển thuộc Campuchia với tổng vốn đầu tư là 1,4 tỷ đô la Mỹ(); 50 dự án đầu tư vào khu vực tam giác phát triển thuộc Lào với tổng vốn đầu tư Việt Nam là 1,65 tỉ đô la Mỹ(); ngược lại, có 05 dự án từ Lào và 02 dự án từ Campuchia đầu tư vào các tỉnh Khu vực Tam giác phát triển của Việt Nam().
Du lịch đã được các tỉnh chú trọng thông qua các hoạt động nghiên cứu như xây dựng Đề án, khảo sát tuyến điểm du lịch nhằm tiến đến tổ chức khai thác thương mại().
* Về vấn đề này, Tiểu ban Địa phương Việt Nam kiến nghị các tỉnh:
- Các tỉnh trong khu vực vốn có tài nguyên du lịch, từ tài nguyên thiên nhiên đến các di tích lịch sử, văn hóa hết sức phong phú; do đó, các tỉnh cần phối hợp sớm hình thành, thực hiện có hiệu quả tuyến du lịch theo phương châm “bốn quốc gia, một điểm đến”() làm lĩnh vực đột phá cho các lĩnh vực hợp tác khác.
- Các tỉnh Campuchia, Lào hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư trên địa bàn.
- Các tỉnh Campuchia phối hợp tốt với các tỉnh Việt Nam trong công tác phân giới cắm mốc để sớm hoàn thành theo lịch trình đã ký kết giữa hai Chính phủ.
* Đồng thời đề xuất Hội nghị trình lên SOM như sau:
- Xem xét tổ chức các chuyến khảo sát tại một số cặp cửa khẩu giữa Việt Nam – Lào; Lào – Thái Lan nhằm nghiên cứu các mô hình hoạt động theo cơ chế “một cửa, một điểm dừng” nhằm đưa vào thực hiện tại các cửa khẩu trong Khu vực.
- Thường niên tổ chức hội chợ thương mại biên giới phát triển hành lang kinh tế Đông Tây giữa Kon Tum và các tỉnh Nam Lào.
- Tích cực hỗ trợ cho các dự án của các doanh nghiệp Việt Nam đang thực hiện và các doanh nghiệp đặt vấn đề tìm hiểu cơ hội đầu tư; Cần có các chính sách đào tạo, nâng cao trình độ lao động, đáp ứng được yêu cầu về lao động của các doanh nghiệp đầu tư.
Trên đây là ý kiến tham luận của Tiểu ban Địa phương Việt Nam. Đối với các kiến nghị dành cho Chính phủ các nước sẽ được tổng hợp vào dự thảo báo cáo để đệ trình lên cuộc họp SOM. Đề nghị tham gia góp ý bằng văn bản hoặc trực tiếp vào dự thảo báo cáo để Tiểu ban Địa phương Việt Nam tổng hợp./.
() Chính phủ Việt Nam dành vốn ODA đầu tư xây dựng Cửa khẩu Phu Cưa, Attapư (gần 34 tỷ đồng), nâng cấp đường giao thông nối cửa khẩu Phu Cưa với cột mốc biên giới Việt Nam – Lào (37 tỷ đồng); sửa chữa, nâng cấp đường giao thông từ Quốc lộ 14 ra cửa khẩu Đắk Pre, Đăk Nông.
() chiếm 22% số dự án và 61% tổng vốn đầu tư trực tiếp từ Việt Nam sang Campuchia, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực trồng cây công nghiệp 19 dự án, 6 dự án trong lĩnh vực xây dựng, khai khoáng và thủy điện.